Số người lao động (NLĐ) tham gia BHXH mới chỉ chiếm gần 20% lực lượng lao động, dẫn đến số người đóng BHXH cho một người hưởng lương hưu ngày càng giảm. Chính điều này đã khiến trong tương lai quỹ BHXH sẽ mất cân bằng và dự kiến đến năm 2024 số chi lớn hơn số thu. Nếu không có sự can thiệp thì đến năm 2037, số chi sẽ lớn gấp nhiều lần số thu, quỹ BHXH sẽ có nguy cơ “vỡ quỹ”.
Lời cảnh báo này đã được BHXH Việt Nam đưa ra sau 5 năm thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội. Theo tính toán của các chuyên gia BHXH, cho dù từ năm 2010 cứ hai năm mức đóng lại tăng thêm 1% cho đến khi đạt mức đóng là 8% đối với NLĐ và 14% đối với người sử dụng LĐ (Luật Bảo hiểm xã hội quy định hàng tháng NLĐ đóng 5%, người sử dụng lao động đóng 11%), nhưng với mức thu này có cộng cả phần lãi qua kinh doanh vốn quỹ BHXH cũng chỉ có thể trả lương hưu 10 năm cho mỗi cá nhân. Trong khi đó, tuổi thọ trung bình ngày càng cao, độ dài thời gian hưởng lương hưu bình quân dự kiến hiện nay là 19,4 năm. Đó là chưa kể do điều kiện cho nghỉ hưu sớm như giải quyết đối với LĐ dôi dư do sắp xếp lại DNNN, tinh giản biên chế trong khu vực hành chính sự nghiệp… đã khiến một lượng lớn LĐ chưa đủ tuổi đã nghỉ sớm. Về hưu “non”, NLĐ được lợi vì chỉ bị trừ 1% lương hưu cho mỗi năm nghỉ trước tuổi nhưng với khoảng 60% đối tượng nghỉ hưu trước tuổi như hiện nay lại đang ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình cân đối quỹ khi mà thời gian hưởng chế độ hưu trí kéo dài hơn (do phải trả lương hưu thêm từ 1-5 năm) trong khi thời gian đóng BHXH quá ít khiến giảm thu cho quỹ từ 1-5 năm.
BHXH Hà Nội tổ chức tốt việc tiếp nhận hồ sơ, giải quyết chế độ cho các đơn vị và đối tượng đến giao dịch theo hình thức " một cửa ". Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN |
Nhìn nhận vấn đề này, bà Trần Thị Thúy Nga,Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐ,TB&XH) cho biết, số NLĐ tham gia BHXH tăng mới đạt thấp, dẫn đến số người đóng BHXH cho một người hưởng lương hưu ngày càng giảm. Nếu như năm 1996 (sau 1 năm quỹ BHXH tách ra) có 217 người đóng cho 1 người hưởng lương hưu; đến năm 2000 thì có 34 người đóng cho một người hưởng lương hưu thì con số này ở năm 2004 là 19/1, năm 2007 còn 14/1, năm 2009 còn 11/1 và đến 2010 chỉ có 10,7/1. Nếu cứ tiếp tục duy trì hình thức thu chi và hoạt động như hiện nay thì đến năm 2023, quỹ BHXH sẽ cân bằng, bắt đầu từ năm 2024 số chi lớn hơn số thu. Nếu không có sự can thiệp thì đến năm 2037 số chi lớn gấp nhiều lần số thu, quỹ BHXH sẽ có nguy cơ mất cân đối.
Thực ra, trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội, những cảnh báo về khả năng vỡ quỹ BHXH đã được đưa ra và giải pháp tăng tỷ lệ đóng BHXH của NLĐ và chủ sử dụng đã được thực hiện. Tuy nhiên, giải pháp này chưa đủ sức để cải thiện nguồn thu, trái lại, nguy cơ mất cân đối của quỹ ngày càng lớn. Vì vậy, việc tìm kiếm các giải pháp khả thi để đảm bảo tính bền vững cho quỹ là yêu cầu cấp bách và cần thiết, trong đó, vấn đề quan trọng nhất được đưa ra là tính lại tuổi nghỉ hưu. Trong một nghiên cứu về tuổi nghỉ hưu, BHXH Việt Nam đã từng cho biết, nếu LĐ nữ và nam cùng nghỉ hưu ở tuổi 60 thì sẽ giảm chi từ quỹ hưu là 4.500 tỷ đồng/năm, và nếu lộ trình này thực hiện đến năm 2020, con số tiết kiệm được cho quỹ hưu trí sẽ lên tới 14.500 tỷ đồng/năm. Đây cũng là giải pháp mà nhiều nước như Pháp đã thực hiện để “giải cứu” khả năng vỡ quỹ hưu trí tử tuất của họ.
Tuy nhiên, với điều kiện của Việt Nam, bà Nga cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu cho LĐ nữ cần được thực hiện theo lộ trình chứ không thể tăng đồng loạt. Có thể chia làm các nhóm theo các lĩnh vực khác nhau và điều chỉnh tăng dần theo các năm. Với vấn đề này, theo đại diện BHXH Việt Nam, nên thực hiện từ năm 2015, tăng dần tuổi hưu theo hướng cứ 2 năm tăng thêm 1 tuổi để đến khi tuổi nghỉ hưu của nam đủ 65 và nữ đủ 60. Trong thời điểm hiện nay, chưa tăng được tuổi hưu thì cần phải triển khai những giải pháp nằm trong tầm tay. Đó là thắt chặt chính sách nghỉ hưu sớm với những điều kiện khắt khe, không nên giảm tuổi về hưu, vẫn phải bảo đảm được theo luật định hiện nay, nam đủ 60, nữ đủ 55 tuổi để vừa có thêm nguồn thu cho quỹ, vừa đảm bảo công bằng và bình đẳng cho tất cả những người hưởng lương hưu chứ không thể kéo dài tình trạng cào bằng như hiện nay là người đóng ít, thời gian ngắn cũng được hưởng một mức chung như người đóng lâu, làm nhiều.
Bảo toàn quỹ cũng không thể bỏ qua việc xem xét lại cách tính tiền lương bình quân tháng đóng BHXH. Hiện nay, tiền đóng BHXH dựa trên tiền lương cơ bản hàng tháng nhưng thực tế, số tiền lương thực lĩnh của NLĐ cao hơn nhiều. Vì vậy, nên tính lại cách đóng BHXH trên tiền lương thực hưởng, xây dựng công thức tính tiền lương bình quân để làm cơ sở tính lương hưu cho mọi LĐ phù hợp với hoàn cảnh thực tế chứ không chỉ dựa vào những quy định tồn tại từ 10 năm trước khi quỹ ra đời và đã không còn phù hợp.
Được biết, BHXH Việt Nam đã có kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần đánh giá, tổng kết thực tiễn quá trình tổ chức thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội trong thời gian qua để nhanh chóng đề xuất nội dung cần sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội, đặc biệt các nội dung liên quan đến việc cân đối quỹ BHXH trong dài hạn...
Lý Hà