TP Hồ Chí Minh điều tiết hàng hóa trong 7 ngày đóng cửa chợ đầu mối Hóc Môn

Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã tổ chức điều chuyển hàng hóa trực tiếp từ các tỉnh, thành vùng nguyên liệu cung ứng cho chợ đầu mối Hóc Môn sang các chợ đầu mối Bình Điền và Thủ Đức để đảm bảo hàng hóa không đứt gẫy trong mùa dịch.

Ngày 29/6, theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, đơn vị vừa ban hành phương án về Điều tiết hàng hóa trong trường hợp tạm dừng các hoạt động tập kết giao hàng trực tiếp tại Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn để thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo điều tiết hợp lý nguồn cung hàng hóa về thành phố.

Chú thích ảnh
Các tiểu thương tại các chợ truyền thống muốn buôn bán phải tuân thủ quy định phòng dịch.

Theo đó, để bảo đảm cân đối cung – cầu hàng hoá, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng thành phố, trong thời gian chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn tạm ngưng hoạt động tập kết giao hàng trực tiếp tại chợ (từ ngày 28/6 đến 4/7), Sở Công Thương đã tổ chức điều chuyển hàng hóa trực tiếp từ các tỉnh, thành vùng nguyên liệu dự kiến cung ứng cho chợ đầu mối Hóc Môn sang các chợ đầu mối Bình Điền và chợ Thủ Đức, đồng thời tăng năng lực tiếp nhận và phân phối hàng hóa của 2 chợ đầu mối này để đảm bảo nguồn cung hàng hóa không đứt gẫy cho người dân thành phố. 

Ngoài ra, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện, các lực lượng chuyên ngành cùng với Trưởng Ban quản lý các chợ truyền thống quán triệt 100% tiểu thương, người kinh doanh cam kết không tăng giá hàng hóa đột biến khi các yếu tố đầu vào không tăng.

Sở cũng phối hợp theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, chủ động có phương án hoặc đề xuất với các bộ – ngành, đơn vị có liên quan nhằm ổn định thị trường, không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa. Kịp thời thông tin về nhu cầu thị trường đến doanh nghiệp và tăng cường công tác kiểm tra lượng hàng cung ứng, chủ động điều phối, không để xảy ra hiện tượng khan hiếm hàng hóa cục bộ, tăng giá đột biến.

TP Hồ Chí Minh cũng tiếp tục đẩy mạnh mạng lưới 1.962 điểm cung ứng thực phẩm (106 siêu thị, 220 Chợ truyền thống, 1.636 cửa hàng tiện lợi) trên địa bàn triển khai kế hoạch dự trữ, bảo đảm nguồn cung các mặt hàng lượng thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn.

Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đề nghị các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường thành phố rà soát năng lực cung ứng mặt hàng thịt lợn và rau, củ, quả của đơn vị; rà soát lại các nguồn cung, chủ động liên hệ với đơn vị cung ứng để tính toán điều chỉnh tăng khả năng cung ứng hàng hóa, có kế hoạch dự phòng nâng khả năng cung ứng hàng hóa ra thị trường của đơn vị ở mức cao nhất.

Các doanh nghiệp bình ổn thị trường cần nghiên cứu phương án kết nối, giao hàng hóa trực tiếp cho tiểu thương các chợ truyền thống hoặc tổ chức các điểm phân phối sỉ hàng hóa với mức giá bán buôn của đơn vị để sở ngành, UBND thành Thủ Đức và các quận, huyện kết nối cho thương nhân đến lấy hàng; thiết lập đường dây nóng để hỗ trợ việc kết nối và giải quyết các vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Đặc biệt, các doanh nghiệp cần chủ động gia tăng dự trữ nguồn hàng; sẵn sàng cung ứng kịp thời hàng hóa đến các địa bàn có hiện tượng thiếu hàng cục bộ; bảo đảm lượng cung ứng đầy đủ, không để xảy ra hiện tượng thiếu hàng, sốt giá.

Tin, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
TP Hồ Chí Minh đủ nguồn cung trước sức mua hàng hóa thiết yếu tăng đột biến
TP Hồ Chí Minh đủ nguồn cung trước sức mua hàng hóa thiết yếu tăng đột biến

Chiều 30/5, ghi nhận tại TP Hồ Chí Minh cho thấy lượng khách hàng đổ về các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi... tăng đột biến, kéo theo sức mua gấp 2 - 3 lần so với ngày thường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN