Trong bối cảnh có nhiều thách thức hiện nay, từ khách quan đến nội tại, Tp. Hồ Chí Minh đang khẩn trương tìm kiếm các giải pháp phù hợp, đáp ứng với nhu cầu thực tế của thành phố cũng như cả nước và xu hướng chung của quốc tế để xây dựng thành phố ngày càng hiện đại, văn minh, qua đó đóng góp nhiều hơn nữa cho cả nước, duy trì vị trí đầu tàu kinh tế.
Bài 1: Không ngừng khẳng định vai trò đầu tàu
Để hoàn thành vai trò vị trí đầu tàu trong các mặt phát triển, nhất là lĩnh vực kinh tế, trong suốt quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, các thế hệ lãnh đạo Tp. Hồ Chí Minh một mặt tận dụng hiệu quả những lợi thế sẵn có như đất đại, hạ tầng, nguồn nhân lực, mặt khác luôn chủ động sáng tạo, đổi mới, “khai phá” nhiều cách làm mới để thúc đẩy kinh tế thành phố phát triển mạnh mẽ. Có thể nói, vị trí đó không phải tự nhiên có được, mà do có sự nỗ lực rất lớn của nhiều thế hệ lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố qua nhiều thời kỳ
Những con số biết nói
Vai trò và vị trí của Tp. Hồ Chí Minh luôn được nhắc đến và khẳng định trong nhiều văn kiện cũng như đánh giá của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thành phố qua các thời kỳ. Thực tế này cũng được thể hiện rõ qua quy mô kinh tế của thành phố ngày càng tăng cũng như đóng góp vào quy mô kinh tế cả nước ngày càng lớn.
Về vai trò đầu tàu kinh tế, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh phân tích, tỷ trọng đóng góp của Tp. Hồ Chí Minh vào nền kinh tế cả nước trong 25 năm qua không ngừng tăng lên. Cụ thể, giai đoạn 1996-2000, kinh tế Tp. Hồ Chí Minh chiếm bình quân 17% kinh tế cả nước; giai đoạn 2001-2010 chiếm 20% nhưng đến giai đoạn 2011-2019 là hơn 22%.
Tương tự, giá trị gia tăng tạo ra trên 1 km2 của thành phố so với cả nước cũng ngày một tăng. Nếu giai đoạn 1996-2000, trên 1 km2 của Tp. Hồ Chí Minh tạo ra giá trị gia tăng cao gấp 27 lần bình quân cả nước, thì giai đoạn 2001-2010 gấp 31 lần và giai đoạn 2011-2019 gấp 35 lần.
Điều này có nghĩa là sau khoảng 3 năm, giá trị gia tăng tạo ra trên 1 km2 của Tp. Hồ Chí Minh bằng giá trị cả nước tạo ra trên 1 km2 trong 100 năm. Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, cơ sở để đảm bảo tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân cả nước và đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước ngày càng tăng, đó là năng suất lao động. Tp. Hồ Chí Minh luôn duy trì năng suất lao động bình quân cao hơn cả nước khoảng 2,7 lần và năm 2019 là 2,9 lần.
Dưới góc độ con số tuyệt đối, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố tăng bình quân khoảng 8,3%/năm (giai đoạn 2016-2019); quy mô GRDP tăng hơn 1,6 lần, từ 919 nghìn tỷ đồng năm 2015 lên 1,49 triệu tỷ đồng vào năm 2020. Các ngành dịch vụ của thành phố phát triển đạt kết quả cao cả về quy mô và năng suất, chất lượng; giá trị gia tăng dịch vụ chiếm hơn 33% giá trị gia tăng của toàn ngành dịch vụ, đứng đầu của cả nước.
Tp. Hồ Chí Minh giữ vị trí đầu tàu không chỉ là tăng trưởng mà đóng góp vào ngân sách cả nước. Cụ thể, thu ngân sách của thành phố giai đoạn 2001-2010 bình quân đóng góp ở mức 26% ngân sách cả nước, đến giai đoạn 2011-2019 là khoảng 27,6%. “Tỷ trọng đóng góp ngân sách tiếp tục tăng, đây là yếu tố chỉ rõ Tp. Hồ Chí Minh là vị trí đầu tàu kinh tế cả nước, tiếp tục được giữ vững và tiếp tục được khẳng định”, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Hiện Tp. Hồ Chí Minh thu hút vốn xã hội đạt 36% tổng sản phẩm nội địa, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tp. Hồ Chí Minh lần thứ X đề ra là 30%. Tỷ lệ thu hút vốn đầu tư nước ngoài của thành phố so với cả nước cũng không ngừng tăng. Năm 2015, tỷ lệ này là 13,4%, đến năm 2016 chiếm 13,7%, năm 2017 chiếm 14,2% và trong 2 năm gần đây đều chiếm 14,7% cả nước. Dự kiến đến cuối năm 2020, trên địa bàn thành phố có hơn 10.000 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư, kể cả cấp mới và tăng vốn là hơn 49 tỷ USD.
Những cách làm đột phá
Từ sau ngày giải phóng, Tp. Hồ Chí Minh luôn là một đầu tàu kinh tế, có nguồn thu ngân sách lớn của cả nước. Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ, đây là nơi có nhiều đề xuất, đóng góp xây dựng đường lối đổi mới từ thực tiễn sinh động và từ đòi hỏi của cuộc sống. Thành phố đã tìm cách bung ra sản xuất theo yêu cầu, theo năng lực và tháo gỡ việc ngăn sông cấm chợ, góp phần xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế cũng được Tp. Hồ Chí Minh khẳng định thông qua các mô hình phát triển hiệu quả như khu công nghiệp - khu chế xuất, khu công nghệ cao; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; ngân hàng thương mại cổ phần; thành lập trung tâm chứng khoán thành phố, xây dựng thị trường vốn…
Khởi đầu với Khu chế xuất Tân Thuận năm 1991 - khu chế xuất đầu tiên của cả nước, sau đó là các khu công nghiệp, khu chế xuất khác được thành lập tại Tp. Hồ Chí Minh. Điều này từng bước hiện thực hóa chính sách phát triển kinh tế mới, tạo dựng khung pháp lý về mô hình này để thành lập các khu chế xuất, khu công nghiệp trong cả nước. Thông qua đó, thành phố đã thực hiện các mục tiêu về thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, giải quyết việc làm; tiếp nhận kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý tiên tiến, hiện đại; góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển theo xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa vùng ngoại thành…
Để thực hiện tham gia vào nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, trong nhiều năm qua, Tp. Hồ Chí Minh đã chủ động đề xuất và triển khai nhiều biện pháp, giải pháp bình ổn thị trường, tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp, đề ra nhiều chương trình, điển hình như Chương trình bình ổn thị trường, Chương trình kết nối doanh nghiệp - ngân hàng…
Một trong những thành tựu nổi bật khác của Tp. Hồ Chí Minh là phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại. Trên cơ sở quy hoạch đô thị và vùng đô thị, thành phố tập trung nhiều nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông, hình thành các trục giao thông như Đại lộ Võ Văn Kiệt, Xa lộ Hà Nội, Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng và các tuyến Vành đai 2, 3… đang từng bước được hoàn thiện. Song song đó, các khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, khu đô thị Tây Bắc, Hiệp Phước, khu đô thị mới Thủ Thiêm… đã và đang được xây dựng, hình thành nên vóc dáng của một đô thị hiện đại.
Cùng đó, Tp. Hồ Chí Minh cũng là nơi có nhiều thị trường phát triển mạnh mẽ, có quy mô hàng đầu cả nước như thị trường hàng hóa với quy mô lớn, duy trì mức tăng trưởng cao; thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường vốn liên tục tăng trưởng, đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, cá nhân; các thị trường như bất động sản, khoa học và công nghệ, lao động cũng phát triển mạnh mẽ, có khả năng cạnh tranh cao, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.
Với khát vọng đưa Tp. Hồ Chí Minh trở thành một trong những trung tâm kinh tế của khu vực châu Á, từ năm 2015, Tp. Hồ Chí Minh đã tập trung các nguồn lực để triển khai xây dựng đô thị thông minh; trong đó, Đề án xây dựng Tp. Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020 được triển khai với các yếu tố cấu thành như cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông; kho dữ liệu dùng chung; nền tảng dữ liệu mở, Trung tâm điều hành thông minh, Trung tâm an toàn thông tin… Thành phố là địa phương đầu tiên thực hiện đô thị thông minh và mới đây cũng là địa phương đầu tiên công bố Chương trình chuyển đổi số.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh, đây là giải pháp mang tính cấp thiết và căn cơ giúp thành phố giải quyết những mặt trái của cơ chế thị trường, đô thị hóa… Bên cạnh đó, mô hình đô thị thông minh còn có ý nghĩa to lớn hơn ở cấp quốc gia, góp phần khẳng định vai trò và vị trí đầu tàu của thành phố trong nền kinh tế quốc gia, góp phần tạo bản lề cho thành phố phát triển theo hướng kinh tế trí thức.
Bài 2: Nhiều mô hình phát triển mới