Những mô hình đầu tiên của cả nước này được triển khai 20 năm qua, đến nay đã bước đầu cho trái ngọt; trong đó, điển hình là Khu công nghệ cao thành phố, Công viên phần mềm Quang Trung. Đây cũng là những “hạt nhân” trong xây dựng đô thị sáng tạo tương tác cao, đô thị thông minh của thành phố hiện nay và trong tương lai.
Khu công nghệ cao tỷ đô
Được thành lập đầu những năm 2000, Khu Công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh (SHTP) đã thật sự tạo được dấu ấn riêng trong sự phát triển của các khu công nghiệp – khu chế xuất của thành phố, với những dự án “triệu đô”. Đây được xem là chính sách phát triển đột phá của Đảng và Nhà nước.
Nguyên Trưởng ban Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Lê Hoài Quốc cho biết, sự phát triển của SHTP có thể chia làm hai giai đoạn chính là từ năm 2002 đến 2011 và từ năm 2011 đến nay. Nếu như điểm nhấn của giai đoạn đầu là Nidec và Intel thì giai đoạn hai, dấu ấn là Samsung với việc Tp. Hồ Chí Minh trao giấy chứng nhận đầu tư dự án Samsung CE Complex có tổng vốn 1,4 tỷ USD.
Trong giai đoạn đầu, dự án Intel Product Vietnam (IPV) với tổng giá trị đầu tư của giai đoạn 1 hơn 1 tỷ USD vào năm 2006 là một dấu mốc quan trọng cho lĩnh vực khoa học công nghệ Việt Nam. Hiện nay IPV đang có kế hoạch mở rộng với số vốn đầu tư dự kiến cho giai đoạn 2 khoảng 1 tỷ USD.
Ông Lê Hoài Quốc nhớ lại: “Thời điểm đó, IPV là dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao đầu tiên có giá trị đầu tư lớn nhất và có tác động lan tỏa rất lớn cho việc thu hút đầu tư các dự án sau đó tại SHTP nói riêng và ở Việt Nam nói chung. Nối tiếp IPV, nhiều dự án công nghệ lớn cũng đầu tư vào khu... Dự án của Intel đã để lại dấu ấn đậm nét không chỉ về doanh thu, về năng suất lao động trên đầu người luôn dẫn đầu trong các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, mà đặc biệt là góp phần đào tạo nhân lực cho Việt Nam”.
Cũng từ dấu ấn này, IPV đã góp phần cùng Ban Quản lý Khu đề xuất với Trung ương nhiều cơ chế và chính sách trong quản lý các doanh nghiệp FDI, tạo điều kiện thông thoáng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư mở rộng cho các doanh nghiệp công nghệ cao. Sau 14 năm kể từ ngày Tập đoàn Intel chính thức đầu tư dự án IPV, Khu Công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh đã cơ bản hoàn thành với hạ tầng kỹ thuật được hoàn thiện, hơn 95% đất đã được giao cho nhà đầu tư và giá trị sản xuất cũng như xuất khẩu tăng trưởng nhanh và bền vững.
Tính đến tháng 8/2020, Khu Công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh có 158 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực, với 108 dự án trong nước (tổng vốn 44.497 tỷ đồng) và 50 dự án nước ngoài (5.679 triệu USD). Trong 8 tháng năm 2020, giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao ước đạt 12,687 tỷ USD, tăng 15,85% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế đến nay, giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao ước đạt 77,64 tỷ USD, giá trị xuất khẩu đạt 73,425 tỷ USD và giá trị nhập khẩu đạt 66,842 tỷ USD.
Năng suất lao động bình quân của SHTP giai đoạn 2015 - 2019 ước đạt 295.000 USD/lao động, tăng gấp 2,6 lần so với giai đoạn 2010 - 2015. Theo bà Lê Bích Loan, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu Công nghệ cao, năng suất lao động theo giá trị gia tăng của lao động trong khu luôn cao hơn gấp 20 lần so với năng suất lao động bình quân cả nước.
Những năm gần đây, doanh nghiệp tại SHTP đã tăng dần các hoạt động R&D (nghiên cứu triển khai) và tăng chi phí đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao. Hiện đa số nhân sự bộ phận R&D đều là người Việt Nam. Nhiều tập đoàn lớn đã và đang hình thành các trung tâm nghiên cứu tại SHTP với mục tiêu đầu tư phát triển hoạt động R&D của tập đoàn tại Việt Nam.
Không chỉ thu hút đầu tư và nghiên cứu khoa học, Khu Công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh đang hướng tới đưa kết quả nghiên cứu ra thị trường. Chỉ trong năm 2020, SHTP đã thương mại hóa thành công 2 sản phẩm gồm dung dịch rửa tay diệt khuẩn dựa trên nền tảng công nghệ Nano bạc, nước súc miệng và gel rửa tay khô DR-OH đáp ứng nhu cầu thị trường tham gia phòng chống dịch COVID-19.
Trưởng ban Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Thi cho biết, từ khi thành lập đến nay, Khu Công nghệ cao chủ yếu tập trung thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao. Từ năm 2020, Khu sẽ chú trọng thêm nhiệm vụ phát triển các sản phẩm công nghệ cao cùng các doanh nghiệp trong nước. Cụ thể, thực hiện mô hình đi từ nghiên cứu trong phòng thí nhiệm (Labs), xác lập sở hữu trí tuệ, sản xuất công nghiệp và thương mại hóa; trong đó hướng tới xuất khẩu.
Khu công viên “1 vốn… 30 lời”
Nếu SHTP là điểm nhấn về phát triển công nghệ cao, thì Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC) được thành lập năm 2001 là điểm sáng về “đón đầu” làn sóng phát triển công nghệ thông tin. Vốn là một khu Hội chợ Quang Trung nằm ở vùng ven thành phố, QTSC được quy hoạch phát triển thành khu công viên phần mềm tập trung đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam, với tổng diện tích 43 ha.
Sau 20 năm, QTSC đã có sự phát triển vượt bậc và thể hiện sự thành công lớn trong chính sách đầu tư. Nếu như năm 2001, QTSC có 21 doanh nghiệp và 250 nhân viên, thì nay đã có 165 doanh nghiệp và 21.831 người; hình thành hệ sinh thái công nghệ và môi trường sáng tạo. Trong số 165 doanh nghiệp phần mềm, có 4 doanh nghiệp hàng đầu thế giới là KDDI (Nhật Bản), Hitachi Vantara, Concentrix (Hoa Kỳ) và Hexagone (Anh); 6 doanh nghiệp có chứng chỉ CMMI (quản lý chất lượng sản xuất phần mềm tiên tiến thế giới).
Mô hình hợp tác công tư PPP đã phát huy hiệu quả tại Công viên Phần mềm Quang Trung, đó là việc nhà nước chỉ đầu tư khoảng 230 tỷ đồng vào hạ tầng nhưng đã thu hút được các thành phần kinh tế khác với vốn thực hiện 5.600/6.606 tỷ đồng đăng ký.
Theo ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc QTSC, hiện công viên đã đạt tỉ lệ lấp đầy 87,61% diện tích, dự kiến giai đoạn 2021 – 2022 sẽ không còn quỹ đất. Tổng ngân sách đầu tư đến tháng 6/2020 là 230 tỷ đồng và đã thu hút 6.606 tỷ đồng vốn đăng ký đầu tư. Tính ra, 1 đồng vốn ngân sách đầu tư đã thu hút tới gần 30 đồng vốn doanh nghiệp.
Sự phát triển của QTSC cũng góp phần thực hiện chiến lược công nghệ thông tin và chính phủ điện tử. QTSC cung cấp dịch vụ NOC với 805 điểm kết nối cho sở ngành, 1 kết nối vào mạng số liệu chuyên dùng cho Văn phòng Chính phủ để sử dụng phần mềm liên thông văn bản 4 cấp; các dịch vụ hạ tầng điện toán đám mây; dịch vụ an ninh thông tin và hộp thư điện tử cho các cán bộ và các đơn vị thành phố.
Hiện nhiều hoạt động cũng được triển khai hiệu quả tại QTSC, như ươm tạo nhiều doanh nghiệp phần mềm với khoảng 40 doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ; đưa vào vận hành Khu thực nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp (đang nâng cấp mô hình “làng thông minh” trong năm 2020). Năm 2018, QTSC đưa vào vận hành Khu nghiên cứu công nghệ mới (R&D Labs) ưu tiên dành cho doanh nghiệp Việt Nam.
Từ mô hình khu công nghệ thông tin tập trung đầu tiên của cả nước, hiện QTSC đang được phát triển thành chuỗi Công viên Phần mềm Quang Trung, với các thành viên là Khu công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia; Trung tâm HueCIT; công viên phần mềm Mekong; Bến Tre Innotech… nhằm phát huy thế mạnh, đặc trưng của từng địa phương, đối tác… Đây là điều chưa có tiền lệ, hướng tới QTSC phát triển thành công viên phần mềm trọng điểm quốc gia, hỗ trợ mạnh mẽ cho ngành công nghệ thông tin Việt Nam.
Ông Lâm Nguyễn Hải Long cho biết, mục tiêu phát triển của QTSC là xây dựng thành công mô hình công viên phần mềm lớn nhất Việt Nam trong số 8 công viên phần mềm của cả nước, tạo thành điểm thu hút đầu tư quan trọng cho ngành phần mềm thành phố và cả nước. Điều này giúp QTSC luôn phát triển ổn định, bền vững, năm sau luôn cao hơn năm trước.
Nắm bắt xu thế hội nhập quốc tế, hiện QTSC đã, đang triển khai và ứng dụng những giải pháp công nghệ, với hơn 20 hệ thống cho hoạt động quản trị Công viên phần mềm Quang Trung. Những hoạt động này góp phần nâng tầm QTSC lên một nước ngoặt mới, trở thành một khu đô thị phần mềm ngày một thông minh hơn, tiến đến trở thành mộ mô hình mẫu về đô thị thông minh đầu tiên của cả nước.
Thương hiệu QTSC được cộng đồng quốc tế thừa nhận, đóng góp vào xây dựng thương hiệu quốc gia cho ngành công nghiệp thông tin và phần mềm Việt Nam. Theo QTSC, thời gian qua, có 1.107/1.499 đoàn khách nước ngoài đến khu tìm hiểu ngành công nghệ thông tin, phần mềm Việt Nam.
Theo đánh giá của hãng KPMG năm 2017, trong các khu công nghệ tại châu Á, QTSC thuộc Top 3 về thế mạnh về chính sách ưu đãi đầu tư cao và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng; Top 4 khu công nghệ có thế mạnh về mức độ tập trung, đồng nhất ngành nghề của doanh nghiệp hoạt động trong khu.
Nhờ hai chủ trương chính xác và kịp thời là đầu tư khu công nghệ cao và khu công nghệ thông tin tập trung của Việt Nam, đến nay Tp. Hồ Chí Minh đã trở thành đầu tàu, trung tâm khoa học công nghệ của cả nước. Đây cũng là nền tảng để Tp. Hồ Chí Minh là điểm đến, “địa chỉ đỏ” cho làn sóng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Bài 3: 'Địa chỉ đỏ' về không gian sáng tạo đổi mới