TP Hồ Chí Minh tiếp tục bình ổn các mặt hàng phục vụ thị trường Tết 2021

TP Hồ Chí Minh đang triển khai nhiều giải pháp nhằm ổn định thị trường hàng hoá thiết yếu chuẩn bị phục vụ thị trường mua sắm cuối năm và Tết Tân Sửu 2021.

Giữ giá các mặt hàng thiết yếu

Ghi nhận của phóng viên Báo Tin tức, trên thị trường TP Hồ Chí Minh, một số mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu thời gian qua có nhiều biến động.

Chú thích ảnh
Các mặt hàng thiết yếu tại các siêu thị hiện đại luôn được giữ giá bình ổn để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng.

Đối với mặt hàng gạo, thời điểm tháng 3, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và tình hình hạn mặn xâm nhập khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long ảnh hưởng đến diện tích sản xuất thì giá lúa, gạo tăng cao. Ngoài ra, kể từ tháng 5, Chính phủ cho phép xuất khẩu gạo trở lại cũng góp phần đẩy giá lúa, gạo tăng trở lại.

Trong khi đó, giá bán lẻ các mặt hàng trứng gia cầm trên thị trường tăng 0,04– 3% so tháng trước, hiện phổ biến ở mức 28.000 – 30.000 đồng/chục trứng gà loại 1, 34.000 – 36.000 đồng/chục trứng vịt loại 1. Giá bán buôn nhiều loại rau, củ cũng tăng phổ biến từ 13 – 32% như cải thảo, cải bó xôi, bắp cải, xà lách, khoai tây, khổ qua, cà tím, bầu, bông cải xanh Đà Lạt, củ cải trắng, dưa leo… riêng mặt hàng khoai tây, cải bẹ xanh tăng từ 41 - 50% trong khi mặt hàng cà chua, đậu hà lan, bí đao, chanh giấy, đậu côve giảm 6 – 25% so tháng trước.

Riêng thị trường thịt lợn, sau khi Chính phủ cho phép nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan, nguồn thịt lợn nhập khẩu về Việt Nam ngày càng nhiều giúp giá lợn hơi trên thị trường giảm. Cụ thể, giá lợn hơi hiện nay dao động ở mức 71.000 - 74.000 đồng/kg, giảm khoảng 10.000 đồng/kg so với thời điểm đầu tháng 9 (80.000 – 82.000 đồng/kg) và giảm 20% so với thời điểm tháng 6.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, cho biết từ đầu năm đến nay, dịch COVID-19 đã tác động mạnh đến nền kinh tế cả nước; ngoài ra tình hình thiên tai, bão lụt, dịch bệnh (dịch tả lợn Châu Phi) dồn dập tại các tỉnh miền Trung trong các tháng cuối năm cũng đã tác động mạnh đến nền kinh tế, nhất là ngành sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm… Những tác động này đã ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường hàng hóa thiết yếu của thành phố, khiến nhiều mặt hàng thực phẩm thiết yếu tăng giá liên tục. Tuy nhiên, với công tác quản lý và bình ổn giá được chỉ đạo và triển khai quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt tác động từ 4 chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố cũng đã góp phần ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu.

Theo đó, để ổn định các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu có nhiều biến động, Sở tiếp tục vận động các doanh nghiệp triển khai các chương trình bình ổn giá. Chẳng hạn mặt hàng gạo bình ổn thị trường, tuy được điều chỉnh tăng từ 1.000 - 2.000 đồng/kg (13 - 15%) từ ngày 12/9 nhưng vẫn đảm bảo thấp hơn giá bình quân các mặt hàng cùng chủng loại trên thị trường từ 12 - 13%. Giá bán các mặt hàng thịt gia súc được Sở Tài chính điều phối luôn duy trì ở mức ổn định và đảm bảo thấp hơn giá bình quân các mặt hàng cùng chủng loại trên thị trường từ 5,3 – 35%. Hiện nay, giá thịt lợn bình ổn thị trường được áp dụng từ ngày 29/10 dao động từ 77.000 đồng – 175.000 đồng/kg; giá các mặt hàng thịt gia cầm cũng tiếp tục ổn định, như thịt gà ta ở mức 84.000 đồng/kg, thịt gà thả vườn 62.000 đồng/kg, thịt vịt 62.000 đồng/kg, thịt gà công nghiệp nguyên con 39.000 đồng/kg. Giá bán trứng gia cầm tham gia chương trình bình ổn thị trường cũng ổn định ở mức 26.000 đồng/chục trứng gà loại 1 và 31.000 đồng/chục trứng vịt loại 1.

Tăng lượng hàng và bình ổn giá dịp Tết

Để đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa và bình ổn giá cả thị trường Tết, ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, các doanh nghiệp chuẩn bị sản xuất, dự trữ và cung ứng cho 2 tháng Tết với giá trị hàng hoá lên đến 19.679 tỷ đồng, tăng 652 tỷ đồng so với Tết Canh Tý 2020, trong đó giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường là 7.132,6 tỷ đồng. Riêng tháng cao điểm phục vụ Tết (từ ngày 1 đến 30 tháng Chạp Âm lịch), tổng giá trị hàng hóa của các doanh nghiệp chuẩn bị là 10.425,6 tỷ đồng, hàng bình ổn thị trường là 4.172 tỷ đồng.

Chú thích ảnh
Nhiều loại thực phẩm thiết yếu được các doanh nghiệp bình ổn cam kết giữ giá đến Tết Nguyên đán 2021.

“Năm nay, lượng hàng hóa phục vụ thị trường Tết tăng từ 4,4 – 17,3% so với kế hoạch giao và tăng 12 – 21% so với Tết Canh Tý 2020. Nhiều nhóm hàng chuẩn bị lượng lớn, chi phối từ 22 – 54,5% nhu cầu thị trường như: thịt gia cầm 7.488 tấn (chiếm 54 %), trứng gia cầm 68 triệu quả (47%), thực phẩm chế biến 1.051 tấn (28 %), thịt gia súc 5.594 tấn (21%), dầu ăn 1.671 tấn (28%), gạo 3.943,2 tấn (32%)… Đặc biệt, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong 1 tháng trước và 1 tháng sau Tết, đồng thời thực hiện nhiều chương trình khuyến mại giảm giá sâu trong 2 ngày cận Tết đối với các mặt hàng thiết yếu như: thịt lợn, thịt gà, trứng gia cầm…", ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết thêm.

Ngoài ra, trong tháng cận Tết, nhằm kích thích mua sắm tiêu dùng, doanh nghiệp sẽ thực hiện nhiều chương trình khuyến mại, tập trung vào các mặt hàng Tết, như nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, quần áo... Các hệ thống phân phối lớn như Saigon Co.op, Satra, Aeon – Citimart, BigC dự kiến tổ chức nhiều chương trình khuyến mại giảm giá từ 5 – 49% cho hàng ngàn mặt hàng phục vụ Tết.

Theo Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, nhằm đảm bảo nguồn hàng cung ứng từ nay đến Tết Tân Sửu 2021, Sở sẽ phối hợp các đơn vị có liên quan triển khai giải pháp thực hiện cụ thể như: nắm chắc diễn biến thị trường, đảm bảo cung ứng cân đối cung – cầu hàng hóa đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trên địa bàn; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa, giá cả, chấp hành quy định về điểm bán; kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm đối với hàng lậu, sản xuất hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng; tăng cường thực hiện bán hàng lưu động từ nay đến Tết, thực hiện bình quân 130 chuyến hàng lưu động/tháng... Riêng 2 tháng cao điểm trước Tết thực hiện 350 chuyến hàng tăng cường về các quận ven, huyện ngoại thành, KCX-KCN, khu lưu trú công nhân, các công ty, xí nghiệp đông công nhân, ký túc xá, bệnh viện để phục vụ người lao động có thu nhập thấp, không có điều kiện về quê ăn Tết...

Mặt khác, Sở Công Thương sẽ phối hợp Sở Giao thông Vận tải giải quyết cấp giấy phép lưu thông 24/24 cho xe tải doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường để cung ứng hàng hóa kịp thời đến các điểm bán.

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
TP Hồ Chí Minh có hàng ngàn điểm bán khẩu trang bình ổn giá
TP Hồ Chí Minh có hàng ngàn điểm bán khẩu trang bình ổn giá

Theo Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, thành phố đã cung cấp danh sách hàng ngàn điểm bán khẩu trang vải, khẩu trang y tế với giá bình ổn để người dân dễ dàng tìm mua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN