Theo đó, ghi nhận tại thị trường Tp. Hồ Chí Minh giá thịt lợn trong nước đã bước đầu có sự chuyển biến giảm, cũng như đang dần rút ngắn chênh lệch với hàng nhập khẩu.
Trong tuần qua lượng lợn về chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn (Tp. Hồ Chí Minh) dao động ở mức khoảng 4.160 con/ngày (tương đương 270 tấn); trong đó, nhập từ các tỉnh, thành khoảng 780 con, thành phố là 3.380 con. Giá lợn hơi tại chợ Hóc Môn dao động ở mức 70.000 đồng/kg; còn lợn mảnh loại 1 có giá 105.000 đồng/kg và loại 2 là 96.000 đồng/kg.
Báo cáo của chợ Hóc Môn cũng cho thấy, một số sản phẩm từ lợn như sườn non 160.000 đồng/kg, cốt lết 95.000 đồng/kg, nạc dăm 120.000 đồng/kg, chân trước 75.000 đồng/kg... Hiện tại, sức mua trên thị trường giảm và nguồn cung thịt lợn đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu thị trường Tp. Hồ Chí Minh.
Còn theo báo cáo của Công ty Quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền, thuộc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV (Satra), lượng gia súc về chợ trong tháng 3/2020 đạt khoảng 5.000 tấn. Trong tuần qua, giá lợn hơi cũng dao động ở mức từ 70.000 - 80.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, giá lợn đùi là 95.000 đồng/kg, ba rọi 120.000 đồng/kg, nạc 100.000 đồng/kg...
Thống kê cho thấy, số lượng đàn gia súc trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh đang duy trì ổn định. Riêng đàn lợn đạt 197.050 con, giảm 8,4% so cùng kỳ năm trước, do tâm lý của người nuôi lo ngại dịch bệnh và chờ giá lợn giống hạ nhiệt.
Trong tháng 3/2020, chỉ số giá tiêu dùng nhóm hàng thịt gia súc tại Tp. Hồ Chí Minh giảm 1,95% so với tháng trước. Ghi nhận thực tế trên thị trường thành phố đang phân phối, bán lẻ song song cả hai mặt hàng thịt lợn trong nước và nhập khẩu.
Điển hình, tại những điểm bán thuộc hệ thống bán lẻ của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), thịt lợn được kinh doanh chủ yếu theo giá trong chương trình Bình ổn thị trường của thành phố. Các điểm bán này niêm yết giá thịt lợn đùi là 140.000 đồng/kg, ba rọi 179.000 đồng/kg, nạc dăm 161.000 đồng/kg...
Ngoài ra, một số điểm bán thuộc Saigon Co.op ở Tp. Hồ Chí Minh cũng thực hiện chương trình khuyến mãi luân phiên dành cho sản phẩm thịt lợn, áp dụng trong khoảng thời gian nhất định. Từ nay đến hết ngày 5/4/2020, tại chuỗi hàng Co.opFood khuyến mãi sản phẩm thịt lợn có giá từ 138.000 đồng/kg còn 108.000 đồng/kg, chân giò lợn từ 128.000 đồng/kg còn 102.400 đồng/kg.
Còn tại chuỗi cửa hàng Bách hóa Xanh trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, người tiêu dùng có thể mua thịt lợn trong nước và nhập khẩu. Theo đó, sản phẩm nhập khẩu như chân giò lợn có giá bán 79.000 đồng/kg; ba rọi lợn có da 169.000 đồng/kg, sườn non 149.000 đồng/kg, bắp giò 125.000 đồng/kg...
Ghi nhận ý kiến người tiêu dùng trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay giá bán lẻ thịt lợn trong nước và hàng nhập khẩu chênh lệch đáng kể, tuy nhiên vấn đề quan trọng là nhà bán lẻ cần niêm yết giá, cũng như thông tin rõ nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Mặt khác, sản phẩm có thể để chung quầy hàng, nhưng tránh việc sản phẩm lẫn lộn gây khó cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn mặt hàng để mua sắm, tiêu dùng.
Chị Hải Nguyễn, cư ngụ tại quận Bình Thạnh cho hay, nếu so sánh cùng chủng loại sản phẩm thịt lợn thì có một số sản phẩm trong nước có giá tương đồng với hàng nhập khẩu, nhưng cũng có loại sản phẩm trong nước và hàng nhập khẩu chênh lệch đáng kể. Đơn cử, sản phẩm sườn non trong nước được kinh doanh trên thị trường là 209.000 đồng/kg, còn hàng nhập khẩu là 149.000 đồng/kg. Trong khi đó, cũng có sản phẩm như thịt lợn ba rọi trong nước hàng nhập khẩu có giá bán bằng nhau là 169.000 đồng/kg. Do đó, tùy theo nhu cầu, sở thích và túi tiền, mà người tiêu dùng sẽ lựa chọn sản phẩm phù hợp cho mình.
Đồng quan điểm, anh Quốc Việt, cư ngụ tại quận Thủ Đức cho rằng, thị trường luôn luôn cạnh tranh và giá cả sản phẩm là một trong những yếu tố người tiêu dùng quan tâm cùng với chất lượng sản phẩm. Đối với mặt hàng thịt lợn, trong thời gian qua bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên nguồn cung và giá cả liên tục biến động, người dân cũng đã thích nghi, nhưng muốn bán được hàng thì các đơn vị sản xuất, kinh doanh phải nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh bằng chất lượng, giá cả và đảm bảo nguồn cung sản phẩm.
Theo Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh, đối với việc chuẩn bị nguồn cung hàng hóa đối với mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, có mặt hàng thịt gia súc nói chung và thịt lợn nói riêng. Cụ thể, giai đoạn Tp. Hồ Chí Minh ứng phó khẩn cấp phòng, chống dịch COVID-19, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm 35% đến 50% nhu cầu thị trường; trong đó, thịt gia súc là 6.238,5 tấn/tháng (các tháng thường là 4.367 tấn/tháng).
Mặt khác, bên cạnh sản phẩm thịt lợn tươi sống, đông lạnh, trên thị trường Tp. Hồ Chí Minh cũng phân phối, bán lẻ đa dạng sản phẩm chế biến, đóng hộp từ thịt lợn. Chính vì vậy, người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn phù hợp với bữa ăn hàng ngày của gia đình, đặc biệt những sản phẩm có thể bảo quản và sử dụng trong thời gian lâu dài.