Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, cho biết năm 2018, thành phố đề ra chỉ tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GRDP) đạt 8,3 - 8,5%, trong đó ngành nông nghiệp phải tăng ít nhất 6,3%, ngành công nghiệp - xây dựng tăng 7,9%, ngành dịch vụ tăng 8%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 10%.
Ngoài nhiệm vụ trên, thành phố còn phấn đấu thu ngân sách đạt 376.780 tỷ đồng, tăng 8,3% so với năm 2017, tương đương bình quân mỗi ngày thành phố phải thu hơn 1.000 tỷ đồng.
TP Hồ Chí Minh phấn đấu giải quyết vấn nạn kẹt xe, giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao đời sống người dân khi áp dụng cơ chế đặc thù. Ảnh: Mạnh Linh |
“Để có nguồn thu trên, kinh tế thành phố phải dựa vào sản xuất, tăng trưởng kinh tế, thực hiện các giải pháp cơ chế mà Quốc hội cho phép, tiếp tục đối thoại lắng nghe để tháo gỡ vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, thành phố tập trung thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố hiệu quả với phương châm “quyết liệt, đồng bộ và sáng tạo".
Bắt đầu từ năm 2018, thành phố sẽ sử dụng cơ chế chính sách đặc thù để tập trung giảm kẹt xe, ngập nước. Dự kiến, chi phí thực hiện kế hoạch này khoảng 68.000 tỷ đồng. Ngoài giải quyết vấn nạn trên, đến năm 2020 thành phố tiếp giải quyết ô nhiễm môi trường, ngập nước, phát triển hạ tầng giao thông cần 85.000 tỷ đồng”, ông Nguyễn Thành Phong cho biết thêm.
Trước đó, để thực hiện cơ chế chính sách đặc thù, trong năm 2018, UBND TP Hồ Chí Minh cũng sẽ giao Sở Tài chính nghiên cứu và đề xuất UBND đề án các loại phí, lệ phí chưa có trong danh mục phí, lệ phí. Xem xét đề án tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được các cấp thẩm quyền quyết định để trình Hội đồng nhân dân thành phố. Hiện nay, UBND thành phố cũng đang chuẩn bị để đến đầu tháng 6 triển khai được 21 đề án trong cơ chế đặc thù của thành phố.