TP Hồ Chí Minh chờ đợi các công trình giao thông trọng điểm trong năm 2020

Dù gặp nhiều khó khăn về tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, nhưng TP Hồ Chí Minh đã nỗ lực đưa vào khai thác một số công trình quan trọng, giúp giảm ùn tắc giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, các khu vực cửa ngõ thành phố.

Năm 2020, ngành giao thông TP Hồ Chí Minh kỳ vọng sẽ hoàn thành nhiều công trình, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế xã hội của thành phố.

Chú thích ảnh
Một góc cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Kéo giảm ùn tắc giao thông

Năm 2019, TP Hồ Chí Minh chủ yếu ưu tiên triển khai các dự án hạ tầng giao thông thuộc Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2016 - 2020; trong đó, tiếp tục tập trung triển khai, đẩy nhanh tiến độ các dự án có tính chất quan trọng ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, các dự án ở các vị trí cửa ngõ thành phố và một số dự án trọng điểm ở khu vực nội đô…

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố hoàn thành đưa vào sử dụng 8 công trình, hạng mục giao thông tại các quận và Quốc lộ 1; đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm như: nhánh N2 dự án hầm chui tại nút giao thông An Sương; nâng cấp mở rộng cầu Chữ Y, cầu Thủ Thiêm 2, nút giao thông Mỹ Thủy, nút giao thông Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh... để hạn chế thấp nhất tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn. 

Trên cơ sở đó, thành phố đã xử lý, kiểm soát đối với 28 điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông; đảm bảo ngăn chặn bước đầu không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài, nhất là hai khu vực trọng điểm là sân bay Tân Sơn Nhất và cảng Cát Lái. 

“Mặc dù tình trạng ùn ứ giao thông cục bộ vẫn còn trong thời gian cao điểm ở một số tuyến đường, nhưng trên địa bàn không xảy ra ùn tắc giao thông trên 30 phút”, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Hiện thành phố đã và đang tập trung triển khai khoảng 216 dự án hạ tầng giao thông, với tổng vốn đầu tư trên 78.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố (208 dự án, tổng vốn đầu tư khoảng 52.245 tỷ đồng) và nguồn vốn ngoài ngân sách (8 dự án, tổng vốn đầu tư gần 26.000 tỷ đồng).

Tại cửa ngõ phía Đông, cuối năm 2019, TP Hồ Chí Minh đã cơ bản hoàn thành và đưa vào khai thác toàn bộ dự án nút giao thông Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Dự án này gồm mở rộng Quốc lộ 1 hiện hữu với hai hầm hở dài 1.200m; làm mới hai đường song hành; hai cầu vượt quay đầu...

 Khu vực này trước đây rất đông do có khu Đại học Quốc gia và Khu Du lịch Suối Tiên; lượng phương tiện đông, nhiều xe container, xe tải từ phía Bắc đi vào… giao cắt đồng mức khiến tình trạng ùn tắc kéo dài thường xuyên. Khi đưa vào khai thác, Quốc lộ 1 qua khu vực này được mở rộng lên 14 làn xe, giúp giải quyết được tình hình ùn tắc giao thông ở cửa ngõ thành phố.

Tại khu vực quanh sân bay Tân Sân Nhất, cầu vượt chữ N nút giao Nguyễn Thái Sơn – Nguyễn Kiệm cũng hoàn thành; các tuyến đường kết nối sân bay cũng được mở rộng, qua đó tình hình giao thông khu vực được cải thiện, tình trạng ùn tắc kéo dài giảm hẳn.

Cùng với các dự án trên, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết, các dự án xây dựng công trình giao thông nội khu do các nhà đầu tư các khu chức năng đầu tư hay một loạt các công trình giao thông nông thôn của Chương trình Xây dựng nông thôn mới cũng được thực hiện. Nhờ đó, tổng thể hạ tầng giao thông đường bộ từng bước được cải thiện, đặc biệt là khu vực ngoại thành; một số điểm ùn ứ giao thông đã bước đầu được giải quyết.

Tập trung các công trình trọng điểm

Mục tiêu lớn trong năm 2020 của ngành giao thông TP Hồ Chí Minh là hoàn thành một số dự án trọng điểm gồm cầu Thủ Thiêm 2, một số hạng mục nút giao bến xe miền Đông mới để đồng bộ với việc di dời bến xe miền Đông hiện hữu; cải tạo mặt đường Tỉnh lộ 10B để cải thiện hướng giao thông về Long An; hoàn thành hầm chui An Sương ở cửa ngõ Quốc lộ 1, Quốc lộ 22 phía Bắc thành phố… 

Ghi nhận tại nút giao An Sương, sau khoảng một năm ngừng thi công nhánh hầm N2 Dự án hầm chui An Sương (do vướng giải phóng mặt bằng), hiện đã bắt đầu tái khởi động. Các đơn vị đang di dời hạ tầng kỹ thuật, làm đường tạm cho xe lưu thông trên tuyến Quốc lộ 22 (phía huyện Hóc Môn). 

Ông Nguyễn Vĩnh Ninh, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh (Ban Giao thông) cho biết, hiện Dự án hầm chui An Sương đã được tái khởi động. Các đơn vị đang nỗ lực triển khai các giải pháp thi công để đảm bảo cuối năm 2020 sẽ hoàn thanh toàn dự án. Trước đó, nhánh hầm N1 của dự án được đưa vào sử dụng góp phần giải quyết tốt tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực này.

Trong khi đó, dự án cầu Thủ Thiêm 2 (tổng mức đầu tư 4.260 tỷ đồng), do vướng mặt bằng dự án đã nhiều lần lỗi hẹn; bến xe miền Đông mới (tổng mức đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng), đã hoàn thành giữa năm 2019, nhưng chưa thể đưa vào khai thác, vận hành do vướng công trình kết nối... Các dự án này sẽ được đẩy nhanh các hạng mục để hoàn thành trong năm 2020.

Riêng bến xe miền Đông mới, theo Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco), đơn vị đang thực hiện hoàn tất hồ sơ theo quy định để đề nghị công bố đưa bến xe vào hoạt động. Samco đang chuẩn bị để tổ chức mời thầu cung cấp các dịch vụ tiện ích bên trong nhà ga của bến xe.

Theo Ban Giao thông, trong năm 2020, đơn vị dự kiến khởi công 27 dự án giao thông, hoàn thành 29 công trình để kéo giảm kẹt xe đang ngày càng nghiêm trọng. Cùng với đó, Ban cũng đặt mục tiêu hoàn thành 29 dự án chuyển tiếp; tiếp tục thi công 70 dự án... Một số công trình lớn được chú trọng là cầu Mỹ Thuỷ 3 (thuộc dự án xây dựng nút giao thông Mỹ Thuỷ); hầm chui dự án nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, với tổng vốn hơn 830 tỷ đồng, kỳ vọng giải quyết điểm ùn tắc giao thông khu vực này. 

Hiện TP Hồ Chí Minh đang quyết tâm đầu tư hoàn chỉnh tuyến Vành đai 2, nhưng để phát huy mạng lưới giao thông theo quy hoạch, thành phố kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành hỗ trợ trong việc đầu tư xây dựng các tuyến Vành đai 3 và Vành đai 4; xem xét nghiên cứu, đầu tư các đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài; cao tốc TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; giai đoạn 2 của hai tuyến cao tốc hiện có (TP Hồ Chí Minh - Trung Lương; TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây).

Tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, ông Trần Quang Lâm cho biết, ngành giao thông dự kiến sẽ tập trung triển khai một số dự án như đường Hoàng Hoa Thám, mở rộng đường Trường Chinh; đẩy nhanh các thủ tục để sớm phê duyệt, triển khai giải phóng mặt bằng dự án Phan Thúc Duyện nối dài (song hành đường Cộng Hòa) để phục vụ cho xây dựng nhà ga T3 và khu vực Sân bay Tân Sơn Nhất. 

Trên thực tế, hiện các dự án giao thông tại TP Hồ Chí Minh vẫn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu vẫn là việc bồi thường, giải phóng mặt bằng còn kéo dài là ảnh hưởng đến việc kiểm soát được tiến độ các dự án.

Theo ông Trần Quang Lâm, thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu và triển khai các giải pháp huy động nguồn lực đầu tư phát triển đồng bộ các công trình giao thông, ưu tiên đầu tư xây dựng các tuyến đường vành đai, các tuyến cao tốc, đường sắt đô thị. Thành phố chủ động tạm ứng ngân sách thành phố để triển khai thu hồi và tổ chức đấu thầu một số khu đất, mặt bằng nhà xưởng giá trị lớn để tạo vốn đầu tư các công trình giao thông trọng điểm.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, sẽ đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Ưu tiên nguồn lực cho các công trình giao thông cấp bách gắn với duy tu, tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, đặc biệt tại các khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái; xây dựng một số nút giao trọng điểm trên địa bàn thành phố, khép kín Vành đai 2, các tuyến đường tại khu vực cửa ngõ thành phố.

Tiến Lực (TTXVN)
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra dự án giao thông trọng điểm tại Hà Nội
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra dự án giao thông trọng điểm tại Hà Nội

Sáng 1/10/2019, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đi kiểm tra các dự án giao thông quan trọng trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN