Ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, trong quý I/2019, việc chuẩn bị các dự án trọng điểm của ngành như tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, dự án mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, nghiên cứu tiền khả thi đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, dự án thu phí tự động không dừng… tiếp tục được Bộ Giao thông Vận tải tập trung triển khai bám sát kế hoạch đề ra.
Đặc biệt, Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp tổ chức hội nghị triển khai giải phóng mặt bằng cho các dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020…
Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản gửi các địa phương có dự án đi qua (11 dự án) về dự kiến diện tích sử dụng đất và giao nhiệm vụ cho các Ban quản lý dự án làm việc với địa phương. Các Ban quản lý dự án đã và đang phối hợp làm việc cụ thể với các địa phương, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh để cập nhật kế hoạch sử dụng đất cho dự án năm 2019 trình UBND tỉnh phê duyệt.
Về thành lập Hội đồng giải phóng mặt bằng, hiện 10/11 dự án các địa phương đã thành lập các Hội đồng giải phóng mặt bằng.
Đối với dự án xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, về tiến độ lập FS (nghiên cứu khả thi), đến thời điểm hiện tại, tư vấn đã triển khai lập FS đáp ứng theo tiến độ và chất lượng theo hợp đồng đã ký. Đến ngày 15/3/2019, Tư vấn đã nộp Báo cáo lần 3 để các cơ quan của Bộ xem xét và có ý kiến trước khi kết thúc lập FS tại báo cáo lần 4 vào ngày 30/5 tới. Dự kiến, Bộ Giao thông Vận tải sẽ trình FS với Chính phủ vào tháng 6/2019 và dự kiến Chính phủ báo cáo Quốc hội vào tháng 9/2019.
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng và Công trình giao thông Lê Kim Thành thông tin, sẽ có 5 công trình đăng ký hoàn thành trong quý II năm nay. Trong số này, có dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Chư Sê, Gia Lai; Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (cơ bản hoàn thành các hạng mục chính để đảm bảo vận hành khai thác); Cầu Vàm Cống; Dự án nâng cấp một số đoạn trên Quốc lộ 26 qua Khánh Hoà, Đắc Lắk. Dự án cuối cùng là nâng cấp và xây dựng 4 đoạn tuyến trên Quốc lộ 60 nối cầu Rạch Miễu đến cầu Cổ Chiên.
Ông Lê Kim Thành cũng cho biết, theo kế hoạch trong quý II/2019, Bộ Giao thông Vận tải sẽ khởi công 5 dự án. Hiện tại, có 4 dự án đáp ứng tiến độ gồm: cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn; dự án mở rộng các cầu trên Quốc lộ 1A qua Tiền Giang; dự án một số cầu dân sinh và đường địa phương (LRAMP) và dự án mở rộng tuyến đường nối Quốc lộ 1 đến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và đường ven biển phía Nam (Quốc lộ 40). Riêng dự án nâng cấp các đoạn xung yếu Quốc lộ 25 (Sở Giao thông Vận tải tỉnh Phú Yên làm chủ đầu tư) phải điều chỉnh thời gian khởi công so với kế hoạch đăng ký ban đầu do hiện vẫn chưa phê duyệt dự án.
Về tổng nguồn vốn đầu tư ngân sách nhà nước năm 2019 của Bộ Giao thông Vận tải được giao đến nay là 10.661 tỷ đồng, kết quả giải ngân 3 tháng năm 2019 ước đạt 2.906 tỷ đồng, đạt 27,3% kế hoạch.
Theo ông Nguyễn Trí Đức, Chánh Văn phòng Bộ Giao thông Vận tải, sản lượng vận tải trong quý I/2019 ước đạt 412,19 triệu tấn hàng, tăng 8,6%; vận chuyển gần 1.237 triệu lượt hành khách, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2018.
Đáng chú ý, trong quý I/2019, các đơn vị thuộc Bộ đã tiếp nhận 70.589 hồ sơ giải quyết theo cơ chế một cửa, đã giải quyết 69.405 hồ sơ đúng thời hạn và 1.184 hồ sơ đang giải quyết. Đưa vào sử dụng 55 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, nâng tổng số dịch vụ công trực tuyến của Bộ Giao thông Vận tải lên 310 dịch vụ.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ, dự án thu phí tự động không dừng giai đoạn 1 có 28 trạm, hiện đã hoàn thành 26 trạm, có 2 trạm chưa thực hiện do đang dừng và trạm hết hạn thu phí. Còn 33 trạm thuộc dự án giai đoạn 2, hiện Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã triển khai đấu thầu, dự kiến tháng 4 sẽ đấu thầu cho giai đoạn 2, trong năm nay sẽ hoàn thành.
“Tuy nhiên, việc dán thẻ thì khá chậm, hiện nay chỉ có khoảng 700.000 phương tiện trên tổng 3,5 triệu phương tiện của cả nước dán thẻ. Mặc dù triển khai lắp đặt đúng tiến độ nhưng tỷ lệ người sử dụng vẫn chưa đạt yêu cầu”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho hay.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định, để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án thu phí không dừng, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tổ chức họp 2 tuần một lần để tháo gỡ khó khăn liên quan đến việc thu phí tự động không dừng. Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc vẫn cần bàn bạc để đi đến thống nhất nên tiến độ dự án vẫn bị chậm so với yêu cầu đề ra.
Mặc dù đạt được một số mục tiêu nhất định trong quý I vừa qua, tuy nhiên Bộ trưởng Bộ Nguyễn Văn Thể đánh giá trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ngành giao thông vẫn còn nhiều vấn đề phải chấn chỉnh ngay.
Cụ thể, Bộ trưởng chỉ rõ đó là công tác soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật còn tình trạng “nợ” văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, Bộ trưởng yêu cầu, đối với công tác soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, các đơn vị tham mưu dứt khoát không được lồng ghép hay đặt thêm điều kiện kinh doanh. Trường hợp văn bản quy phạm gây dư luận bức xúc, đơn vị tham mưu phải chịu trách nhiệm.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu, trong thời gian tới, các đơn vị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phải được coi trọng ngang với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
“Văn bản phải rõ ràng, cụ thể, tinh gọn, đáp ứng các yêu cầu của pháp luật quy định nhưng phải phù hợp và tạo điều kiện tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp liên quan đến ngành giao thông vận tải”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo.
Bộ trưởng cũng yêu cầu các cơ quan trong đơn vị phải trình dự thảo sửa đổi về kinh doanh vận tải bằng ô tô chậm nhất trong tháng 5/2019 đảm bảo chất lượng; không được chậm trễ tiến độ triển khai thu phí tự động không dừng; bảo đảm tiến độ và chất lượng, mỹ quan dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông…
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể còn yêu cầu các đơn vị nghiêm túc thực hiện xây dựng Chính phủ điện tử, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ vào quản lý, cung cấp dịch vụ hành chính công. Mặt khác, tập trung hoàn thành sớm việc xây dựng các Đề án theo kế hoạch như Đề án bảo trì đường bộ; Thu phí không dừng; Đề án phát triển hạ tầng giao thông khu vực và vùng…