Trong đó, nhu cầu tuyển dụng lao động lành nghề có xu hướng tăng trong các ngành: Công nghệ thông tin, điện - điện tử, chế biến thực phẩm, xây dựng; vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng; kinh doanh - bán hàng; marketing; tư vấn - chăm sóc khách hàng; du lịch; khách sạn... Nhu cầu nhân lực ở trình độ đại học chiếm 21%, cao đẳng chiếm 18%, trung cấp chiếm 22%, sơ cấp chiếm 25% và lao động chưa qua đào tạo chiếm 14%.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết, sau thời gian giãn cách xã hội, các doanh nghiệp hầu như đã khôi phục sản xuất và đang đẩy mạnh tuyển dụng lao động để hoàn thành đơn hàng dịp cuối năm. Do đó, trước Tết Nguyên đán, tổng cầu của các doanh nghiệp cần khoảng 30.000 lao động phổ thông và tay nghề. Ngoài ra, trong dịp Tết Nguyên đán sẽ có một bộ phận lao động về quê, có người trở lại muộn hoặc không quay lại thành phố nên dự kiến sau Tết, các doanh nghiệp cần khoảng 70.000 - 75.000 lao động (khoảng 30% lao động tay nghề), bù vào sự thiếu hụt nói trên.
"Để hỗ trợ lao động trong dịp Tết 2022, TP Hồ Chí Minh đã và đang triển khai nhiều gói hỗ trợ an sinh. Trong đó, Sở phối hợp với Liên đoàn Lao động Thành phố lên kế hoạch hỗ trợ lao động, chăm sóc công nhân xa nhà không có điều kiện về quê ăn Tết. Ngoài ra, Sở cũng khuyến nghị trong trường hợp người lao động tìm việc tại thành phố nên liên hệ lại công ty cũ hoặc đến các trung tâm dịch vụ việc làm để được tư vấn, hỗ trợ tìm việc theo nhu cầu. Các trung tâm dịch vụ việc làm này sẽ là đầu mối kết nối để giới thiệu người lao động gặp gỡ doanh nghiệp phỏng vấn, làm việc mà không mất phí", ông Nguyễn Văn Lâm nói.