TP Hồ Chí Minh cần cơ chế đặc thù để phát triển đột phá

TP. Hồ Chí Minh đang đứng trước nhiều thách thức kinh tế - xã hội cần có cơ chế đặc thù từ trung ương để có thể tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững hơn.

Ngân sách đầu tư chưa tương xứng

TP Hồ Chí Minh có tỷ lệ nộp thu ngân sách nhà nước cao nhất nhưng lại có mức chi khá thấp, không đảm bảo phát triển nhanh, bền vững. Theo Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, thời gian qua, tự thân thành phố đã có sự vận động mạnh mẽ và dẫn đầu cả nước toàn diện về quy mô dân số và kinh tế.

Cầu Phú Mỹ bắc từ Quận 7 sang Quận 2. Ảnh: Kim Phương/TTXVN

Điển hình là giai đoạn 1996-2016, quy mô nền kinh tế thành phố tăng 21,3 lần, trong khi cả nước chỉ 16,6 lần; cường độ hoạt động kinh tế của thành phố năm 2016 là 463 tỷ đồng/km2, trong khi cả nước chỉ 13,6 tỷ đồng/km2. Tương ứng, cường độ thu ngân sách trên diện tích của TP.Hồ Chí Minh cũng gấp 43,9 lần cả nước vào năm 2016 (146 tỷ đồng/km2 so với 3,3 tỷ đồng/km2)…

Tuy nhiên, TP. Hồ Chí Minh đang đứng trước nhiều thách thức kinh tế - xã hội cần có cơ chế đặc thù từ trung ương để giải quyết; trong đó, rõ nhất là việc thành phố có tỷ lệ nộp thu ngân sách cao nhất nhưng lại có mức chi khá thấp, không đảm bảo phát triển nhanh, bền vững.

Cụ thể, tỷ lệ phân chia các khoản thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương liên tục bị cắt giảm từ 33% năm 2003 chỉ còn 18% giai đoạn 2017-2020. Trong khi, dân số TP Hồ Chí Minh chiếm 9,1% cả nước nhưng chỉ nhận ngân sách bằng 4,8% ngân sách cả nước dành cho các địa phương.

Theo PGS. TS Bùi Thị Mai Hoài, giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, do những lợi thế về tạo việc làm và tăng thu nhập, TP Hồ Chí Minh trở thành điểm đến hấp dẫn cho dân cư các địa phương trong cả nước, mức độ tăng dân số cơ học của thành phố rất cao, bình quân 3,5% mỗi năm.

Dân số tăng nhanh đã gây ra tình trạng quá tải đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị; gây áp lực lên hệ thống y tế, vệ sinh môi trường của thành phố; ảnh hưởng đến chất lượng sống người dân. Do vậy, nhu cầu về ngân sách để nâng cấp cơ sở hạ tầng, đảm bảo tăng trưởng bền vững là rất bức bách. Trong khi đó, nguồn lực được phân cấp để TP Hồ Chí Minh chi cho đầu tư phát triển chưa tương xứng với khả năng tạo nguồn thu cũng như yêu cầu phát triển của TP Hồ Chí Minh.


PGS.TS Nguyễn Văn Trình, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh nhận định, Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị (khóa XI) đã khẳng định vị trí, vai trò đầu tàu của kinh tế thành phố trong khu vực Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và TP Hồ Chí Minh là một trung tâm kinh tế của cả nước. 

Vị trí đó thể hiện những đóng góp to lớn của kinh tế thành phố cho kinh tế cả nước, thể hiện ở những nét nổi bật như: kinh tế thành phố duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, ổn định trong thời gian dài. Nhưng nhìn chung tăng trưởng kinh tế thành phố chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng của thành phố.

Các chính sách, cơ chế thu ngân sách và phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi hiện hành được quy định chung cho cả nước, chưa có chính sách đặc thù tương xứng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố là một trở ngại lớn trong việc tập trung nguồn lực cho chi đầu tư phát triển để phát triển nhanh và bền vững.

Cụ thể như cơ chế chính sách về thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư thiếu đồng bộ. Khả năng đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư phát triển còn hạn chế dẫn đến một số dự án phải hoãn, giãn tiến độ; chất lượng một số dự án quy hoạch còn thấp. Việc quản lý, kiểm tra, giám sát đầu tư chưa được thực hiện thường xuyên. Phát triển kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển của thành phố; tình trạng ngập nước, ô nhiễm môi trường còn diễn ra…

Cần có nhiều cơ chế đặc thù cho TP Hồ Chí Minh

Nhiều tòa nhà cao tầng được đầu tư xây dựng góp phần làm thay đổi bộ mặt đô thị thành phố.Ảnh: Lê Linh.

Để TP Hồ Chí Minh khắc phục những hạn chế trong tăng trưởng và phát triển, theo PGS.TS Nguyễn Văn Trình, nhất thiết phải có một cuộc đổi mới căn bản về thể chế trên phạm vi cả nước và trên cơ sở đó xác định cơ chế riêng cho thành phố theo đúng tinh thần Nghị quyết 16 của Bộ chính trị (khóa XI). 

Trung ương mạnh dạn cải cách thể chế theo hướng phân định rõ trách nhiệm và quyền hạn quản lý xã hội của nước ta. Chính quyền địa phương (tỉnh, thành phố) tập trung giải quyết các vấn đề phúc lợi xã hội trên địa bàn như: giáo dục, y tế, giao thông, trật tự xã hội, cơ sở hạ tầng kỹ thuật địa phương. Chính quyền cơ sở (quận, huyện, phường, xã) chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề của địa phương như thu gom rác thải, nước thải, cung cấp nước sạch, hệ thống đường sá cơ sở.

Về cơ chế tài chính công và quản lý dịch vụ công, Trung ương cần phân định rõ cơ chế quản lý tài chính quốc gia phân định theo những trách nhiệm và quyền hạn đã được phân định giữa Chính phủ với các chính quyền địa phương. 

Theo đó, những khoản thu, chi nào thuộc chính quyền địa phương quản lý thì chính quyền thành phố sẽ được quyền thu, chi ngân sách theo các khoản mục đã được phân định. Không theo cơ chế xin-cho trong phân bổ ngân sách như hiện nay. Vì điều này sẽ triệt tiêu tính năng động, sáng tạo của các địa phương, gây nên tâm lý ỷ lại, dựa dẫm vào chính quyền trung ương của các địa phương.

TP Hồ Chí Minh là nơi tạo ra nhiều ngân sách cho trung ương, nhưng tỷ lệ ngân sách được để lại để đầu tư cho phát triển thành phố chưa tương xứng. Trong khi, các địa phương khác nguồn thu ngân sách thấp nhưng lại được trung ương chi đầu tư phát triển nhiều dẫn đến có nhiều địa phương đã đầu tư xây dựng những công trình không cần thiết, hoặc gây lãng phí ngân sách…

Về cơ cấu tổ chức bộ máy nhân sự, các chuyên gia cho rằng, thành phố cần được giao quyền quyết định cơ cấu tổ chức bộ máy nhân sự để phục vụ tốt cho công tác điều hành phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn với nguyên tác gọn nhẹ, chuyên nghiệp và hiệu quả.

 Lãnh đạo thành phố được quyết định mức chi trả lương, thưởng cho lực lượng nhân sự này dựa trên hiệu quả công việc hoàn thành mà không theo hệ thống chi trả lương thưởng trong hệ thống thang bảng lương hiện hành đang được áp dụng chung cho cả nước. Nguồn chi trả này ngân sách thành phố tự cân đối trên cơ sở nguồn thu ngân sách của thành phố.

Theo Ths. Trần Cẩm Linh, Đại diện Trung tâm nghiên cứu Kinh tế miền Nam, trung ương cần cấp lại cho thành phố một phần số thu các khoản thuế từ hoạt động xuất nhập khẩu (dự kiến các mức 8-12% trong tổng thu) và thực hiện trong 10 năm để tạo điều kiện cho thành phố bổ sung vốn đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, hệ thống cảng cạn, cảng biển, kết nối liên vùng trên cơ sở vận dụng linh hoạt Luật Ngân sách 2015.

Ông Linh cho rằng, Trung ương cũng cần phân cấp cho thành phố thu tiền sử dụng đất gắn với tài sản trên đất do các cơ quan thuộc trung ương quản lý và phân chia tỷ lệ phần trăm thành phố được hưởng là 50% đối với các khoản thu này. Phân chia tỷ lệ phần thu lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập quỹ của các doanh nghiệp nhà nước trung ương cho ngân sách thành phố được hưởng là 50%.

Từ những đề xuất cơ chế chính sách đặc thù cho TP Hồ Chí Minh, vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đồng ý cần có cơ chế, chính sách đặc thù trong một số lĩnh vực để thành phố phát triển nhanh, bền vững hơn. Theo đó, cơ chế chính sách đặc thù cho TP Hồ Chí Minh gồm 4 vấn đề chính là: tăng cường phân cấp ủy quyền; tự chủ tài chính; trả lương theo năng suất, hiệu quả lao động; kiện toàn ban chỉ đạo vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng TP Hồ Chí Minh.

Với những đặc thù sẵn có của TP Hồ Chí Minh, nếu cộng thêm các chính sách đặc trưng từ trung ương thì chắc chắn TP Hồ Chí Minh sẽ ngày càng phát triển và đóng góp nhiều hơn cho cả nước. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, TP.Hồ Chí Minh cần gắn quy hoạch với bố trí lại dân cư, kiểm soát sự gia tăng dân số cơ học không theo quy hoạch phân bố dân cư; gắn quy hoạch với ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng…

Việt Âu (TTXVN)
Khám phá khu chợ ẩm thực dưới lòng đất tại TP Hồ Chí Minh
Khám phá khu chợ ẩm thực dưới lòng đất tại TP Hồ Chí Minh

Dưới lòng đất khu B Công viên 23/9 (quận 1, TP Hồ Chí Minh) có một khu chợ ẩm thực độc đáo, hàng đêm thu hút hàng ngàn thực khách tới thưởng thức các món ăn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN