Song song đó, doanh nghiệp phải chủ động thay đổi tư duy, chiến lược trong việc liên kết và sử dụng các nguồn lực phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Dỡ bỏ gánh nặng
Theo nhận định của các chuyên gia, Việt Nam nói chung, TP Hồ Chí Minh nói riêng không thiếu các cơ chế chính sách để phát triển doanh nghiệp. Tuy nhiên để nâng cao số lượng và chất lượng doanh nghiệp cần đảm bảo hiệu quả thực thi của các cơ chế, chính sách đã ban hành. Theo đó, cần tập trung vào việc cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cũng như đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ…
Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh tham gia triển lãm quảng bá thương hiệu doanh nghiệp. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN |
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Trình cho rằng, TP Hồ Chí Minh cần nhanh chóng cải thiện điểm số các chỉ tiêu thành phần mà doanh nghiệp đánh giá thấp như chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tiếp cận đất đai, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp… Để làm được điều này, đòi hỏi lãnh đạo thành phố phải có quyết tâm chính trị trong việc xóa bỏ các gánh nặng cho doanh nghiệp. Cụ thể, phải đồng bộ hóa cơ chế chính sách và giải quyết các bất cập trong cơ sở pháp lý, thống nhất việc hướng dẫn thực hiện giữa các cơ quan, tránh trường hợp chính sách một đường, thực thi một nẻo.
Bên cạnh cải cách thủ tục hành chính, các cơ quan quản lý chuyên ngành cũng cần thay đổi tư duy và phương pháp quản lý hoạt động của doanh nghiệp. Có thể áp dụng giải pháp quản trị rủi ro để hạn chế các cuộc thanh tra, kiểm tra không cần thiết mà vẫn đảm bảo sự tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp. Thêm vào đó, cần đảm bảo sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong việc tiếp cận các nguồn lực cũng như cơ hội cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho các dự án mua sắm công.
Liên quan vấn đề tiếp cận tài chính, Phó Giáo sư Tiến sĩ Hạ Thị Thiều Dao, giảng viên trường Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh nhận định, nhu cầu vay vốn tín chấp trong khối doanh nghiệp vừa và nhỏ là rất lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp. Do đó, việc thành lập và duy trì các quỹ bảo lãnh tín dụng là hết sức cần thiết, nhưng phải lựa chọn hình thức hoạt động phù hợp mới có thể mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp và uy tín cho các quỹ. Theo đó, cần sớm thay đổi, hoàn thiện hành lang pháp lý về hoạt động của các tổ chức bảo lãnh tín dụng đựa trên cơ sở chia sẻ trách nhiệm và rủi ro giữa các bên liên quan.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc sửa đổi khung pháp lý mất rất nhiều thời gian trong khi nhu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp đã rất cấp bách. Vì vậy, TP Hồ Chí Minh nên đề xuất Chính phủ cho áp dụng cơ chế thí điểm nhằm tái cơ cấu toàn diện các quỹ bảo lãnh tín dụng và đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn. Đồng thời, có cơ chế để thu hút các nhà đầu tư góp vốn vào quỹ bảo lãnh tín dụng, quỹ đầu tư phát triển nhằm mở rộng quy mô nguồn vốn và đa dạng hóa các sản phẩm hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp.
Phát huy nội lực Mọi cơ chế, chính sách chỉ đóng vai trò tạo điều kiện thuận lợi để hình thành doanh nghiệp. Còn việc doanh nghiệp có phát triển được hay không phụ thuộc rất nhiều vào tư duy và khả năng vận dụng các nguồn lực của chính doanh nghiệp.
Nguồn lực lớn nhất của doanh nghiệp chính là nhân lực, bao gồm cả người quản lý và đội ngũ lao động. Thạc sĩ Lê Thị Ánh Tuyết, giảng viên trường Cao đẳng Tài chính Hải quan cho hay, doanh nghiệp không nên chỉ trông chờ vào nguồn nhân lực được đào tạo sẵn từ các trường vì mỗi doanh nghiệp có một đặc thù khác nhau, và chỉ có doanh nghiệp mới hiểu rõ mình cần gì ở người lao động. Vì vậy, doanh nghiệp phải có chiến lược khi tuyển dụng lao động, đồng thời có kế hoạch đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề cho đội ngũ nhân viên, lao động kỹ thuật.
Quan trọng hơn, đội ngũ doanh nhân, những người quản lý doanh nghiệp phải tự mình nâng cao năng lực quản trị về mọi mặt, chủ động tìm hiểu thông tin thị trường để xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Thực tế hiện nay cho thấy, thông tin thị trường biến động liên tục nhưng rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa quan tâm, cập nhật kịp thời. Đây cũng là lý do khiến tỷ lệ tận dụng các điều khoản ưu đãi khi xuất khẩu của doanh nghiệp Việt trong thời gian qua luôn thấp hơn các doanh nghiệp nước ngoài.
Song song với việc phát triển nguồn lực con người, các doanh nghiệp cần nhanh chóng đổi mới công nghệ sản xuất và quản trị doanh nghiệp. Cụ thể, doanh nghiệp phải đẩy mạnh cơ khí hóa, tự động hóa, đồng thời áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn quản lý chất lượng tiên tiến để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Trong bối cảnh hầu hết doanh nghiệp đều hạn chế về nội lực còn tình hình kinh tế không ngừng biến động, nỗ lực của từng doanh nghiệp là chưa đủ. Nói cách khác, muốn doanh nghiệp phát triển, phải nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các hiệp hội, hội ngành hàng.
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh chia sẻ, để có thể tồn tại và phát triển được, doanh nghiệp rất cần thông tin về chính sách, thị trường, nguồn vốn vay tín dụng, thay đổi công nghệ, thiết bị và nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp. Tất cả những nhu cầu đó, từng doanh nghiệp không thể tự mình vận động và thay đổi được. Vì vậy, các hiệp hội, hội ngành hàng phải làm tốt vai trò là cầu nối liên kết doanh nghiệp, đồng thời cung cấp các dịch vụ, đáp ứng nhu cầu phát triển của hội viên.
Thêm vào đó, hiệp hội, hội ngành hàng cần tăng cường tổ chức các hoạt động kết nối doanh nghiệp - ngân hàng, doanh nghiệp - chương trình hỗ trợ của nhà nước, doanh nghiệp - chuỗi giá trị hàng hóa… Qua đó, giúp doanh nghiệp tiếp cận và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đồng thời mở rộng, đa dạng hóa các kênh tiêu thụ sản phẩm.
Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế biến động liên tục, các hiệp hội ngành hàng phải phát huy vai trò là đầu mối cập nhật và cung cấp các thông tin về thị trường, từ đó đưa ra những khuyến nghị giúp doanh nghiệp đưa ra định hướng sản xuất phù hợp.
Xét cho cùng, sự đồng bộ từ quyết tâm của hệ thống chính trị, nỗ lực của các doanh nghiệp và sự hưởng ứng của các nguồn lực xã hội chính là giải pháp căn cơ để cộng đồng doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh phát triển lớn mạnh.