'Gánh nặng' không chính thức Thời gian qua, Chính phủ đã liên tục ban hành, cập nhật nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để doanh nghiệp phát triển sản xuất, mở rộng quy mô và nâng cao năng lực cạnh tranh.
TP Hồ Chí Minh cũng tích cực triển khai nhiều chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp như kích cầu đầu tư, hỗ trợ đổi mới công nghệ, cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)… Tuy nhiên, hiệu quả thực thi các chính sách trên chưa đáp ứng được nhu cầu và kỳ vọng của doanh nghiệp.
Ảnh minh họa: Các sản phẩm cơ khí chính xác được sản xuất tại Công ty CP công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên, Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: An Hiếu/TTXVN
|
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Trình, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cho rằng, chủ trương, chính sách chung của cả nước và TP Hồ Chí Minh nói riêng là tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp phát triển.
Về lý thuyết, hiện nay doanh nghiệp hầu như không gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính đăng ký kinh doanh, kê khai thuế... Tuy nhiên, trên thực tế họ vẫn phải đối mặt với rất nhiều vấn đề “khó nói” như chi phí không chính thức, sự bình đẳng trong việc tiếp cận đất đai, tiếp cận tín dụng, điều kiện gia nhập thị trường… Đó thật sự là "gánh nặng" cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Chia sẻ quan điểm trên, ông Nguyễn Đình Tuệ, Giám đốc Trung tâm dịch vụ hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ TP Hồ Chí Minh phân tích, cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” đã được thực hiện rộng rãi nhưng doanh nghiệp vẫn chưa hết khổ với các loại giấy tờ.
Hàng chục “giấy phép con” mang tên giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, chứng chỉ hành nghề, giấy phép nhập khẩu… và hàng trăm điều kiện gia nhập thị trường khác đang bao vây doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp mới thành lập. Trong số đó, có rất nhiều điều kiện kinh doanh được cho là vô lý, mang tính chất phân biệt đối xử với doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp mới gia nhập thị trường.
Điển hình trong lĩnh vực giao thông vận tải, quy định doanh nghiệp kinh doanh taxi, vận tải theo hợp đồng phải đạt số lượng xe tối thiểu trong phương án kinh doanh được Sở Giao thông Vận tải phê duyệt mới có thể hoạt động. Điều này vô hình chung đã trực tiếp loại bỏ đến 70% doanh nghiệp vận tải nhỏ ra khỏi thị trường.
Ngoài ra, có thể kể đến các điều kiện vô lý khác như doanh nghiệp kinh doanh vận tải phải có đủ diện tích đất làm bãi đỗ xe hay doanh nghiệp muốn kinh doanh khí ga phải có đủ 100.000 vỏ ga loại 12 kg…
Thêm vào đó, việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp; kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đang được thực hiện với tần suất cao, chồng chéo giữa nhiều cơ quan quản lý khác nhau. Các hoạt động này không chỉ gây tốn kém cho cơ quan quản lý mà còn là gánh nặng về thời gian và tâm lý của các doanh nghiệp.
Sức ép cạnh tranh Xu hướng phổ biến hiện nay của nền kinh tế thế giới là thúc đẩy tự do hóa thương mại; hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa quy mô lớn có chất lượng và kỹ thuật tương xứng. Không nằm ngoài xu hướng đó, Việt Nam đã ký kết và thực thi 12 Hiệp định thương mại tự do (FTA), đồng thời đang tiếp tục đàm phán nhiều FTA khác với các điều khoản cơ bản là cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư.
Ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Hội nhập WTO TP Hồ Chí Minh cho rằng, quá trình hội nhập được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế của Việt Nam thông qua việc mở rộng thị trường xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, cơ hội phát triển chỉ đến với số ít các doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Ngược lại, phần lớn các doanh nghiệp nhỏ, thiếu nguồn lực dễ bị tổn thương hơn, thậm chí có nguy cơ bị đào thải khỏi cuộc chơi lớn.
Nhiều chuyên gia nhận định, hội nhập đồng nghĩa với mở cửa, tạo sự công bằng trong việc tiếp cận thị trường giữa các nhà cung ứng có cùng cơ chế điều chỉnh (cùng tham gia một FTA). Nhưng hội nhập cũng “không công bằng” khi đặt doanh nghiệp nhỏ, hạn chế về nguồn lực trước tình thế phải cạnh tranh trực tiếp ngay tại thị trường trong nước với các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế lớn mạnh.
Thêm vào đó, việc tham gia các FTA cũng thu hút rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Số dự án có sự tham gia góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài không ngừng tăng lên, lĩnh vực đầu tư cũng được mở rộng đến nhiều nhóm ngành nghề khác nhau.
Riêng tại TP Hồ Chí Minh hiện có hơn 7.000 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, tập trung nhiều ở các lĩnh vực như công nghiệp chế biến - chế tạo, phân phối - bán lẻ, kinh doanh bất động sản… Nhiều năm liền, các thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài luôn duy trì tỷ lệ đóng góp từ 22 - 25% trong cơ cấu tổng sản phẩm nội địa (GDP) của TP Hồ Chí Minh.
Không thể phủ nhận, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Nhưng xét ở góc độ của từng doanh nghiệp, các doanh nghiệp FDI với thế mạnh về tài chính và công nghệ hiện đại chính là những đối thủ cạnh tranh lớn nhất của các doanh nghiệp trong nước. Ở nhiều nhóm ngành hàng như dệt may, điện tử, chế tạo ô tô… doanh nghiệp FDI đang có ưu thế vượt trội so với doanh nghiệp trong nước và nắm giữ phần lớn giá trị xuất khẩu.
Theo Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh nói riêng, doanh nghiệp Việt Nam nói chung đang có rất ít cơ hội để tham gia vào chuỗi cung ứng hàng hóa của khu vực và thế giới. Ngay cả với thị trường trong nước, các thương hiệu thuần Việt cũng khó cạnh tranh với doanh nghiệp FDI trong việc đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối, bán lẻ hiện đại.
Thực tế cho thấy, phần lớn doanh nghiệp sản xuất, chế tạo quy mô lớn của nước ngoài thường nhập khẩu phụ tùng, linh kiện, nguyên vật liệu về Việt Nam lắp ráp, gia công rồi xuất khẩu, hoặc đầu tư xây dựng chuỗi cung ứng sản xuất khép kín tại chỗ.
Nguyên nhân xuất phát từ việc doanh nghiệp của chúng ta sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết khiến các đối tác e ngại về khả năng đảm bảo chất lượng, số lượng cũng như tiến độ giao hàng. Thêm vào đó, ngành công nghiệp phụ trợ của TP Hồ Chí Minh vẫn chưa phát triển tương xứng với nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất, chế tạo.