Tổng mức lưu chuyển hóa của Hà Nội trước Tết tăng cao

UBND thành phố Hà Nội cho biết, tháng 1/2017, tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội của thành phố đạt 188.017 tỷ đồng, tăng 6,5% so tháng trước và tăng 9,3% so cùng kỳ.

Trong đó, kinh tế Nhà nước ước đạt 54.500 tỷ đồng, tăng 5,9% và 8,8%; kinh tế ngoài nhà nước đạt 124.417 tỷ đồng, tăng 6,9% và 9,4%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 9.100 tỷ đồng, tăng 5,3% và 9,8%.

Để đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng tiêu dùng thiết yếu trên địa bàn thành phố đã xây dựng kế hoạch dự trữ và sản lượng hàng hoá phục vụ Tết. Ước tính tổng lượng hàng hoá dự trữ tăng thêm của hệ thống phân phối, bán lẻ trên địa bàn Thành phố phục vụ thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán trị giá khoảng 23.000 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết năm 2016.

Khách chọn mua hàng tại siêu thị Big C Thăng Long Hà Nội. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Dự kiến, số lượng hàng hóa chuẩn bị để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán 2017 gồm: gạo 176.000 tấn, thịt lợn 30.600 tấn, thịt gà 12.800 tấn, thịt bò 9.200 tấn, trứng gia cầm 187,4 triệu quả, 183.400 tấn rau củ, thực phẩm chế biến 11.000 tấn, thủy hải sản 11.000 tấn, nông lâm sản khô khoảng 3.500 tấn, 3.000 tấn bánh mứt kẹo và 200 triệu lít, bia, rượu, nước giải khát; 120.000 m 3 xăng và các mặt hàng về may mặc, điện máy.

Hà Nội dự kiến sẽ tổ chức 18 phiên chợ Việt, trên 300 chuyến hàng lưu động tại 18 huyện, thị xã và các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố, 4 tuần hàng Việt tại thị xã Sơn Tây, huyện Thanh Trì, huyện Quốc Oai, Thường Tín. Ngoài ra, thành phố sẽ tổ chức các hội chợ xuân, các chợ hoa xuân, chợ nông sản thực phẩm trên địa bàn thành phố phục vụ nhân dân thăm quan, mua sắm phục vụ Tết.

Cũng trong tháng 1/2017, trị giá xuất khẩu đạt 861 triệu USD giảm 7,2% so tháng trước và tăng 3,6% so cùng kỳ năm 2016. Trong đó, xuất khẩu địa phương ước đạt 717 triệu USD giảm 6,7% so tháng trước và tăng 0,3% so cùng kỳ năm trước. Một số nhóm hàng xuất khẩu tăng khá so cùng kỳ là: linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi tăng 27,6%, phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 39,8% so cùng kỳ năm 2016. Một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh so cùng kỳ năm trước là hàng nông sản giảm 33,8%, giầy dép các loại và sản phẩm từ da giảm 29,4%.

Trong khi đó, trị giá nhập khẩu đạt 1.754 triệu USD giảm 27,4% so tháng trước, giảm 0,9% so cùng kỳ. Trong đó, nhập khẩu địa phương đạt 756 triệu USD giảm 27,5% so tháng trước và giảm 3,9% so cùng kỳ năm trước. Trong tháng Một, hầu hết kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng đều giảm so cùng kỳ năm trước, trong đó, giảm mạnh nhất là mặt hàng phân bón giảm 28,7% so cùng kỳ .

UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo, hiện nay nhu cầu tiêu dùng hàng hóa trên địa bàn rất lớn, trong lúc hàng hóa của nông dân sản xuất tại chỗ vẫn chưa đáp ứng nổi. Vì vậy, song song với phát triển các vùng chuyên canh, tập trung hàng hóa sạch, chất lượng cao, thì tăng cường công tác phòng chống buôn lậu, kiểm soát chặt hàng hóa không đảm bảo chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ, hàng lậu, hàng giả tràn vào địa bàn để nâng cao sức cạnh tranh, tiêu thụ hàng hóa cho nông dân trên địa bàn.

Nguyễn Văn Cảnh (TTXVN)
Sức mua hàng hóa Tết tăng mạnh mỗi ngày
Sức mua hàng hóa Tết tăng mạnh mỗi ngày

Chỉ còn hơn một tuần nữa là đến Tết Đinh Dậu và cận ngày ông Công ông Táo, lượng khách mua sắm hàng hóa Tết tại các chợ truyền thống, siêu thị đang tăng mạnh mỗi ngày.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN