Tổng Cục Quản lý thị trường: Nước mắm không phải mặt hàng do Bộ Công Thương quản lý và kiểm soát

Liên quan đến vụ việc Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa công bố danh sách doanh nghiệp kinh doanh và chế biến nước mắm sử dụng nguyên liệu soda công nghiệp, Tổng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, nước mắm không phải là mặt hàng do Bộ Công Thương hay trực tiếp là lực lượng quản lý thị trường quản lý và kiểm soát.

Theo Bộ Công Thương, thời điểm nhạy cảm bởi trước Tết Nguyên đán hàng lậu, hàng giả tràn vào nội địa rất nhiều. Do đó, Tổng cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo Cục Nghiệp vụ và Cục Quản lý thị trường địa phương tăng cường xử lý hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vào Việt Nam.

Cùng với đó, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, các lực lượng chức năng, doanh nghiệp tổ chức các kênh thông tin để chủ động nắm tình hình cung cầu hàng hoá và giá cả, lượng hàng dự trữ của các đơn vị kinh doanh đóng trên địa bàn, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán. Trong quá trình triển khai, nếu phát hiện những vấn đề bức xúc, nổi cộm sẽ có giải pháp xử lý kịp thời.

Đặc biệt, lực lượng sẽ kiểm tra kiểm soát việc chống vận chuyển và kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại như vật liệu nổ, pháo nổ, pháo hoa, động vật hoang dã; thuốc lá ngoại; vải, quần áo, giầy dép; nguyên phụ liệu may mặc; bánh kẹo; rượu, bia, nước giải khát; điện tử - điện máy; xăng dầu; tân dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền...; chống xuất lậu các loại than, khoáng sản, thịt lợn, gia cầm, gia súc, gỗ và các lâm sản quý hiếm…

Lực lượng quản lý thị trường cũng kiểm tra, kiểm soát chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng đối với các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp Tết như: thực phẩm; bánh kẹo; mỳ chính (bột ngọt); rượu, bia, nước giải khát; đồ gia dụng; hàng tiêu dùng;... các loại hàng hoá giả nguồn gốc xuất xứ ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Về an toàn thực phẩm, lực lượng quản lý thị trường sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng tập trung vào khu vực các chợ đầu mối, siêu thị, kho chứa hàng đông lạnh; các đơn vị nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm đông lạnh; các cơ sở sản xuất - kinh doanh thực phẩm đường phố; tập trung vào các mặt hàng rượu, bia, nước giải khát, sữa và các sản phẩm từ sữa, bánh mứt kẹo, dầu thực vật, tinh bột và sản phẩm từ bột; lương thực, thực phẩm đông lạnh (kể cả nhập khẩu và sản xuất trong nước), thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến, rau, củ quả còn tồn dư chất bảo quản; gia súc, gia cầm và các sản phẩm từ gia súc, gia cầm nhập lậu, chưa qua kiểm dịch, nhiễm vi sinh...

Song song với đó, lực lượng quản lý thị trường sẽ kết hợp kiểm tra các biểu hiện của hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật; kiểm tra việc thực hiện đo lường hàng hoá, công bố chất lượng hàng hoá, ghi nhãn hàng hoá của các cơ sở sản xuất kinh doanh bán buôn, bán lẻ để phát hiện các thủ đoạn gian lận về giá hoặc lợi dụng đo lường, đóng gói để tăng giá; kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết.

Uyên Hương (TTXVN)
Dùng phụ gia trái phép, 4 doanh nghiệp sản xuất nước mắm bị phạt 782 triệu đồng
Dùng phụ gia trái phép, 4 doanh nghiệp sản xuất nước mắm bị phạt 782 triệu đồng

Chiều 13/1, ông Nguyễn Văn Tiến, Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, qua chủ động nắm thị trường, Thanh tra bộ nắm bắt, kiểm tra và phát hiện được 4 đơn vị sản xuất, kinh doanh, chế biến nước mắm không đúng quy định. Ngày 08/08/2019 Thanh tra Bộ đã có các quyết định xử phạt 4 doanh nghiệp trên với tổng số tiền phạt là 782 triệu đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN