Công tác quản lý chất lượng bảo dưỡng thường xuyên (BDTX) là khâu quan trọng nhất trong hoạt động bảo trì để duy trì tình trạng tuyến đường được khai thác an toàn, thông suốt, hạn chế sự xuống cấp.
Tuy nhiên, qua kiểm tra, rà soát của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đến hết năm 2018, nhiều tuyến QL, cao tốc do doanh nghiệp quản lý bảo trì có chất lượng BDTX chưa đạt yêu cầu; đơn vị BDTX chưa làm đúng tiêu chuẩn kỹ thuật quy định, nhiều nhà đầu tư BOT, doanh nghiệp dự án BOT và VEC chưa thực hiện nghiêm túc công tác quản lý, nghiệm thu đánh giá chất lượng, dẫn đến tình trạng chất lượng mặt đường xấu, phát sinh ổ gà, sình lún, sơn kẻ mờ, cỏ cây chưa được phát quang, lề đường lún võng hoặc gồ cao, rãnh cống đọng rác, tắc… nhưng không được sửa chữa kịp thời, gây bức xúc dư luận.
Bên cạnh đó, công tác phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm lấn chiếm, tập kết vật tư, vật liệu, hàng hóa, nông sản, san lấp mặt bằng và đấu nối chưa được quản lý chặt chẽ, chưa phát hiện và xử lý đối với hư hỏng, mất mát hoặc nhổ, di dời mốc giải phóng mặt bằng, mốc lộ giới; thậm chí làm ngơ trước các vi phạm, chậm phát hiện để báo cáo cơ quan quản lý đường bộ xử lý đối với các vi phạm; chưa quyết liệt ngăn chặn các vi phạm đất và hành lang đường bộ.
Để khắc phục các tồn tại trên đối với tuyến đường QL, đường cao tốc theo hình thức BOT, ngăn chặn, xử lý các vi phạm kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vi phạm quản lý, sử dụng đất của đường bộ, đất đã được đền bù thu hồi, đất hành lang an toàn đường bộ và không để các phát sinh mới diễn biến phức tạp mà không bị xử lý; các phát sinh cũ chưa được giải quyết dứt điểm, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các nhà đầu tư BOT, doanh nghiệp dự án BOT, VEC (gọi chung là doanh nghiệp quản lý đường) chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức quản lý bảo vệ hạ tầng, nhất là các hành vi lấn chiếm đất của đường bộ, đất đã được Nhà nước đền bù thu hồi, vi phạm đấu nối và san lấp mặt bằng trong phạm vi đất dành cho đường bộ.
Các nhà thầu hoặc đơn vị được doanh nghiệp quản lý đường giao thực hiện quản lý, BDTX chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật, chịu trách nhiệm trước doanh nghiệp quản lý đường theo hợp đồng đã ký hoặc văn bản giao và quy định của pháp luật.
Đặc biệt, các nhà đầu tư BOT, doanh nghiệp dự án BOT, VEC phải sớm rà soát tuần đường; phân công rõ trách nhiệm của người đứng đầu chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm và thông báo ngay cho cơ quan quản lý đường bộ để phối hợp lập biên bản và đề nghị UBND chính quyền các cấp xử phạt theo Nghị định số 11/2010/NĐ-CP và các quy định của Luật Giao thông đường bộ.
Riêng đối với công tác BDTX QL và đường cao tốc, các nhà đầu tư BOT, doanh nghiệp dự án BOT, VEC chịu trách nhiệm chính trong việc thiếu kiểm tra, giám sát, xử lý nhà thầu hoặc đơn vị được giao BDTX để vi phạm chất lượng BDTX. Để ràng buộc trách nhiệm, các nhà đầu tư BOT, doanh nghiệp dự án BOT, VEC phải thường xuyên tổng rà soát các tuyến đường để xác định các tồn tại về chất lượng bảo dưỡng, nhất là chất lượng mặt đường, thống kê các hư hỏng cần khắc phục.
Theo công văn này, các nhà đầu tư BOT, doanh nghiệp dự án BOT, VEC rà soát các tuyến đường đầu tư xây dựng đợt đầu tiên trước ngày 25/1/2019, để kịp thời yêu cầu nhà thầu sửa chữa các hư hỏng như: Ổ gà, sình lún, ngập đọng nước, cỏ cây mọc che khuất biển báo, cọc tiêu, cột Km, hạn chế tầm nhìn, sơn báo hiệu mờ... đảm bảo an toàn giao thông dịp Tết Âm lịch và lễ Tết. Riêng đối với đợt cao điểm phục vụ giao thông vận tải dịp Tết Âm lịch phải hoàn thành sửa chữa trước ngày 31/1/2019.
Ngoài ra, các nhà đầu tư BOT, doanh nghiệp dự án BOT, VEC có trách nhiệm thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông, bảo trì, bảo dưỡng sửa chữa quy định tại Công điện số 1793/CĐ-TTg ngày 13/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ, Công điện số 61/CĐ-BGTVT ngày 20/12/2018 của Bộ GTVT về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và Lễ hội xuân 2019.