Ngày 1/11, ông Võ Minh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: Tăng trưởng tín dụng của khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) những năm gần đây cao hơn mức tăng trưởng trung bình của toàn hệ thống, chiếm khoảng 6,5% tổng vốn huy động của hệ thống ngân hàng.
Đầu tháng 10/2014, tổng dư nợ tại các tổ chức tín dụng khu vực ĐBSCL đạt khoảng 331.546 tỷ đồng, tăng 8,49% so với 31/12/2013, chiếm khoảng 9% tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD).
Tuy nhiên, phía NHNN cho rằng: Hoạt động tín dụng ngân hàng ở khu vực ĐBSCL còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc do: Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch để phát triển bền vững trong nông nghiệp còn hạn chế; người dân vẫn còn giữ thói quen sản xuất theo kiểu truyền thống tự phát, nhỏ lẻ; công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu đối với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chưa được đầu tư thỏa đáng. Mặc dù, lúa gạo, thủy sản và cây ăn trái là những thế mạnh của khu vực ĐBSCL nhưng các sản phẩm này luôn đối mặt với nhiều rủi ro như rủi ro chịu tác động trực tiếp bởi các yếu tố bất lợi của môi trường (thiên tai, dịch bệnh, tác động tiêu cực của thị trường).
Trước tình hình này, đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế đã kiến nghị các giải pháp như: Tiếp tục xác định nông nghiệp nông dân nông thôn, trong đó có lĩnh vực nuôi, trồng chế biến xuất khẩu lúa gạo, thủy sản, và trái cây là những lĩnh vực được ưu tiên cho vay vốn để đầu tư; đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Chính phủ cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ tín dụng cho các lĩnh vực lúa gạo, thủy sản của khu vực ĐBSCL; nghiên cứu để xây dựng cơ chế đặc thù cho vay đối với lĩnh vực này.
Minh Phương