Cứ đúng ngày hẹn, cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội lại có mặt tại những điểm giao dịch ở nhiều thôn, bản vùng sâu vùng xa của tỉnh Đắk Lắk, dù đó là thứ bảy hay chủ nhật, để giúp bà con vay vốn thoát nghèo. Chúng tôi theo chân các cán bộ tín dụng của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Ea Súp xuống điểm giao dịch tại xã vùng sâu biên giới Ia Lốp, cách huyện Ea Súp trên 70 km và cách thành phố Buôn Ma Thuột 170 km. Đây là xã có tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 72,06%, cũng là một trong những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao ở tỉnh Đắk Lắk. Đường đi vô cùng vất vả nhưng đã nhiều năm nay, cứ đều đặn 2 lần trong một tháng, các cán bộ tín dụng của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện không quản ngại nắng mưa, ngày nghỉ, mang tiền đến để đồng bào nghèo, cận nghèo được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, từng bước xóa nghèo, vươn lên có của ăn của để…
Cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Ea Súp đưa vốn về điểm giao dịch lưu động xã biên giới Ia Lốp. |
Tại điểm giao dịch Ia Lốp, hàng trăm bà con các dân tộc đã đến từ rất sớm. Sau khi nghe các tổ trưởng tổ tín dụng (là các trưởng thôn hay cán bộ Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân các thôn) báo cáo về tình hình vay và trả vốn vay của từng hộ gia đình, cán bộ ngân hàng thông báo nguồn vốn vay của từng thôn và trên cơ sở đó, từng thôn tiếp tục bình xét từng hộ nghèo để cho vay đúng đối tượng, sử dụng nguồn vốn đúng mục đích...
Anh Phan Văn Tường, ở thôn Dự, xã Ia Lốp, hồ hởi cho biết, cách đây 3 năm, gia đình nghèo lắm nhưng may mắn được Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Ea Súp cho vay vốn lần đầu là 5 triệu đồng để mua bò về nuôi. Dần dà qua các năm, anh Tường tiếp tục vay đầu tư phát triển chăn nuôi bò, đưa đàn bò của gia đình tăng lên 16 con; đồng thời hàng năm sản xuất thêm lúa, ngô, do đó gia đình không những thoát nghèo mà còn có của ăn của để. Hôm nay, anh Tường đến trả hết nợ vay cả gốc lẫn lãi và cảm ơn Đảng, Nhà nước, Ngân hàng Chính sách Xã hội. Anh mong muốn nhiều ngân hàng khác cũng như Ngân hàng Chính sách Xã hội về với đồng bào vùng sâu, vùng xa, tuyên truyền, giải thích, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào vay vốn thoát nghèo.
Không chỉ giao dịch cho dân vay vốn, các cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Đắk Lắk còn đến tận từng hộ gia đình khó khăn, gia đình nghèo để tư vấn, hướng dẫn mở rộng sản xuất, cách sử dụng đồng vốn sao cho hiệu quả. Với những hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo thiếu cả vốn đầu tư lẫn kiến thức sản xuất, thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, thì sự quan tâm, tư vấn của các cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội lại càng đáng quý.
Gia đình chị Phạm Thị Luyến cũng ở thôn Vùng, xã Ia Lốp, cho biết gia đình đi xây dựng kinh tế mới theo kế hoạch. Lúc vào đây, gia đình chị rất nghèo chỉ có túp lều ở tạm. Nhưng sau đó, được sự quan tâm của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Ea Súp, gia đình chị được vay vốn đầu tư phát triển chăn nuôi bò, sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, gia đình chị Luyến đã có trong tay gần 20 con bò, 1 ha lúa, 2 ha ngô lai, không chỉ thoát nghèo bền vững mà còn có của ăn của để, tạo điều kiện cho con cái ăn học….
Nhờ những phiên giao dịch lưu động của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Đắk Lắk phục vụ hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Theo bà Đỗ Thị Mến, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Đắk Lắk, hiện trên địa bàn có 184 điểm giao dịch lưu động của Ngân hàng Chính sách Xã hội ở 185 xã, phường, đã tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào nghèo, cận nghèo, nhất là đồng bào ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhanh chóng được tiếp cận với nguồn vốn vay, để đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Việc thực hiện các điểm giao dịch lưu động này cũng giúp các cấp ủy, chính quyền địa phương gần dân, sát dân, nắm bắt kịp thời các tâm tư, nguyện vọng của người dân để giúp đỡ một cách nhanh nhất; đồng thời giúp người dân có điều kiện phản ánh, đóng góp ý kiến giúp cho việc thực thi chính sách tín dụng ưu đãi ngày càng hiệu quả hơn. Các điểm giao dịch lưu động là sản phẩm dịch vụ riêng, tạo nên thương hiệu cho Ngân hàng Chính sách Xã hội.
Cũng theo bà Đỗ Thị Mến, đến nay Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Đắk Lắk đã có tổng dư nợ trên 3.000 tỷ đồng, với trên 200.000 hộ nghèo, cận nghèo vay vốn với 10 chương trình tín dụng ưu đãi; trong đó nợ quá hạn chiếm chưa đến 0,55% trong tổng dư nợ. Cũng nhờ vào tiện ích của các điểm giao dịch lưu động nên Ngân hàng Chính sách Xã hội ngày càng được lòng dân, được dân ủng hộ, các cấp ủy, chính quyền địa phương trên địa bàn đánh giá cao và đóng góp quan trọng vào thành tựu xóa đói giảm nghèo của tỉnh.
Trong 3 năm qua (từ năm 2010 - 2013), tỉnh Đắk Lắk đã có trên 30.000 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo bình quân một năm giảm 2,85%; trong đó đồng bào dân tộc thiểu số giảm gần 16.000 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm 5,07% mỗi năm.
Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2015, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục gắn kết chặt chẽ với đồng bào, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để đồng bào nghèo, cận nghèo được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, góp phần thực hiện mục tiêu của tỉnh giảm tỷ lệ hộ nghèo 3% mỗi năm, cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của người nghèo, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bài và ảnh: Quang Huy