Tìm phương thức ưu việt về tích tụ ruộng đất - Bài cuối: Thay đổi tư duy, chính sách

Sau hàng chục năm “nâng lên, đặt xuống” nhiều lần và được xem xét rất thận trọng, vấn đề mở rộng hạn điền, tích tụ ruộng đất đã có hơi thở mới. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh chủ trương này như một giải pháp đột phá về thể chế nhằm tìm lối thoát cho nền nông nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, để mở rộng hạn điền hàng loạt vấn đề, nội dung đang được đặt ra như làm sao để tích tụ ruộng đất thực sự mang lại hiệu quả cao nhất và làm sao để người nông dân được lợi và thoát nghèo.

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với TS. Đặng Kim Sơn - chuyên gia nông nghiệp để làm rõ vấn đề này.

Những năm qua, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng dồn điền đổi thửa. Trong ảnh: Trang trại hơn 2 ha trồng cam và bưởi diễn của anh Lê Trinh Tuyên, thôn 6, xã Xuân Thành đã cho thu hoạch, mỗi năm cung cấp ra thị trường hơn 30 tấn quả, thu lãi hơn 500 triệu đồng. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Xin ông cho biết nhu cầu cũng như vấn đề mở rộng hạn điền đặt ra thời điểm này?


Thực tế, xuất phát điểm của Việt Nam thấp, đất chật người đông nhất khu vực Đông Nam Á, nhất là đất canh tác nông nghiệp. Chính vì thế cho nên số diện tích trên 1 hộ nông dân rất thấp, lại chia ra thành nhiều mảnh nhỏ, đặc biệt là ở khu vực miền Bắc và miền Trung. Do đó, năng suất lao động cũng thuộc loại thấp nhất trên thế giới, bởi diện tích đất nhỏ nên không thể áp dụng cơ giới hóa và sản xuất quy mô lớn được.

Điều đó làm cho sức cạnh tranh kém. Ngoài ra khi bước vào sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa lớn, với diện tích nhỏ như vậy thì không thể làm ra nhiều sản phẩm đồng nhất về chất lượng, có quy mô đủ lớn để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Trong khi đó, ngay bản thân các doanh nghiệp, tổ chức cung cấp dịch vụ cho người nông dân như ngân hàng, khuyến nông... cũng gặp nhiều khó khăn do phải tiếp cận với hàng triệu hộ nông dân, dẫn đến chi phí tăng cao, khả năng cạnh tranh tụt xuống. Như vậy, sản xuất nhỏ lẻ đã kéo người nông dân và các tổ chức dịch vụ tụt xuống. Có thể nói, nếu vấn đề đất đai vẫn nhỏ lẻ, manh mún như hiện nay thì không thể cạnh tranh được.

Thực tế, nhu cầu tập trung đất đai đến từ nhiều phía: nông dân muốn tăng thu nhập; người kinh doanh muốn giảm chi phí, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, đồng nhất; người tiêu dùng muốn có sản phẩm có thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng; cơ quan cung cấp dịch vụ cho người nông dân muốn giảm đầu mối... Tất cả nhu cầu từ mọi phía đó dẫn đến nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất nói chung và mở rộng diện tích của từng hộ gia đình nói riêng.

Có thể nói, vấn đề "cởi trói" hạn điền đã chín muồi, không có gì nhạy cảm về hạn điền nữa. Thực tế cho thấy nhiều người nông dân làm ăn giỏi và trở thành triệu phú, tỷ phú nhờ tập trung đất đai sản xuất quy mô lớn. Lẽ ra vấn đề này chúng ta phải đặt ra cách đây hàng chục năm trước. Vì thế câu chuyện lúc này là quá cấp bách. Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi mô hình tăng trưởng, để người nông dân có tương lai, người lao động có thể chuyển sang thị trường lao động khác.

Theo ông, việc triển khai chính sách tích tụ đất đai, mở rộng hạn điền đang gặp những khó khăn gì?

Vấn đề đặt ra lúc này sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Thủ tục rườm rà và quá phức tạp trong việc mua, bán, sang, nhượng có chi phí rất cao. Bên cạnh đó, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa được trao hết cho người nông dân và hàng loạt các vấn đề liên quan đến bản đồ, mốc cắm, quy hoạch... cho nên muốn tiến hành mở rộng hạn điền thì phải mất chi phí rất cao. Trong khi đó, thị trường đất đai ở nông thôn lại không phát triển như ở đô thị.

Niên vụ mía 2010- 2011, tỉnh Quảng Ngãi trồng hơn 5.100 ha mía, trong đó thực hiện dồn điền, đổi thửa được 1.382 ha mía, năng suất ở những vùng này đạt 75 tấn/ha, cao hơn 25 tấn/ha so với năng suất vùng canh tác truyền thống. Trong ảnh: Thu hoạch mía tại xã Hành Tín Tây, huyện Nghĩa Hành. Ảnh: Nguyễn Đăng Lâm/TTXVN

Ngoài ra, năng lực của người dân còn nhiều hạn chế. Một khó khăn nữa là, doanh nghiệp không thể gom đất để mở rộng quy mô sản xuất. Do đó, đất đai chính là một cản trở lớn để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Hiện nay, các mô hình Hợp tác xã (kiểu cũ) thì hầu hết đất đai, tài sản cũng bị phân tán. Khi chuyển đổi sang mô hình Hợp tác xã (kiểu mới) nếu muốn vay vốn để mở rộng sản xuất thì phải sử dụng đất của xã viên để thế chấp ngân hàng thì cũng không đáng kể.

Đối với các nông - lâm trường quốc doanh thì đổi mới, sắp xếp lại rất chậm, làm kéo dài thời gian thua lỗ. Trong khi đó, đất đai của các nông - lâm trường này lại bị thất thoát lớn. Ngoài ra, diện tích đất cộng đồng do các địa phương quản lý cũng bị bán đi để lấy kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản khi triển khai các chương trình đầu tư phát triển. Tóm lại, đó là những khó khăn trước mắt có thể thấy rõ.

Những cản trở về hành lang pháp lý trong vấn đề này cũng đang được coi là khó khăn không nhỏ. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?


Hiện trong Luật vẫn quy định việc thu hồi đất để làm các dự án, chương trình phục vụ mục tiêu quốc gia, phúc lợi xã hội, phát triển kinh tế. Trước đây, mọi người khi bàn thảo về việc này trong Luật đều đồng ý cho các chương trình phục vụ mục tiêu quốc gia, phúc lợi xã hội, nhưng không chấp nhận các dự án phục vụ phát triển kinh tế.

Theo tôi, đây là một mối nguy tiềm ẩn, bởi các doanh nghiệp trong và ngoài nước nếu được phê duyệt một dự án nào đó, thì họ có thể thu hồi đất của dân với giá thấp. Đây là một nguy cơ dẫn đến tình trạng khiếu kiện, tranh chấp và điều này đã từng xảy ra ở nhiều nơi.

Một thách thức khác là nếu tích tụ đất đai thì phải đi song song với việc rút lao động nông nghiệp ra. Đất rộng đến đâu thì lao động phải đi ra đến đấy. Hiện nay, trong mô hình tăng trưởng kinh tế của chúng ta không có giải pháp cho vấn đề rút lao động nông thôn. Thực tế, tại các khu công nghiệp không "hút" thêm lao động vào, trong khi đó cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã đến và chỉ có đẩy lao động đi ra.

Trong khi đó, tại các đô thị được quy hoạch theo kiểu siêu lớn, điển hình như thành phố Hà Nội và và TP Hồ Chí Minh hiện đã quá tải. Không giải được bài toán này thì đừng nói đến chuyện tích tụ, chuyện hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Khi nông nghiệp đẩy ra, công nghiệp đóng lại thì dường như chỉ có một con đường để lao động có việc làm, đó là đi vào “nền kinh tế dịch vụ”.

Bên cạnh đó, hiện nay việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu. Sắp tới khi thành lập cộng đồng lao động ASEAN thì lao động tay nghề cao của các nước khác sẽ cạnh tranh mạnh với lao động của Việt Nam và khối lượng lớn lao động của Việt Nam từ nông thôn ra sẽ “không có lối thoát”.


Vậy theo ông đâu là giải pháp để thực hiện chủ trương tích tụ ruộng đất hiệu quả?

Đến thời điểm này dù đã muộn nhưng chúng ta cần phải tháo gỡ nhanh các thủ tục, thậm chí thay đổi chính sách, để cơ chế thị trường vận hành trong đất đai. Trước hết cần phải thay đổi tư duy. Tư duy người lao động ở nông thôn dứt khoát phải có đất và có đất thì dứt khoát phải trồng cây lương thực đã không còn phù hợp nữa.

Hiện nay nông nghiệp không phải sinh kế duy nhất của cư dân nông thôn. Chỉ nên hỗ trợ cho những người làm nông nghiệp tốt có điều kiện để tích tụ thêm đất để sản xuất trang trại quy mô lớn. Những người có cơ hội chuyển sang sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp hoặc làm thuê ổn định cần được hỗ trợ bằng chính sách thích hợp để ổn định sinh kế mới. Đất phải có giá, giao dịch dễ dàng; đất phải “chảy” từ chỗ hiệu quả thấp sang chỗ hiệu quả cao; “chuyển” từ tay người làm ăn kém sang người làm ăn giỏi. Phải coi đất đai như tiền, các nguồn tài nguyên khác.

Bên cạnh đó, toàn nền kinh tế phải thay đổi mô hình tăng trưởng, phải mở ra cơ hội cho 50% lao động nông thôn hiện nay nhanh chóng rút ra chuyển sang các ngành nghề lao động khác. Đây là việc lớn, nhà nước phải làm, từ đó mới tập trung được đất đai.

Chính vì thế, việc đầu tiên là phải tạo điều kiện thông thoáng cho thị trường lao động vận hành. Người lao động dù làm bất kỳ ngành nghề nào cũng cần có nghiệp đoàn, tổ chức, nhà nước hỗ trợ, có tương lai ổn định, gia đình họ phải có được điều kiện sinh sống thuận tiện ở nông thôn cũng như thành thị. Nếu lao động vận hành theo đúng cơ chế thị trường như vậy thì thị trường đất đai mới vận hành theo được.

Đặc biệt, câu chuyện thu hồi đất phải được xử lý, dứt khoát phải sửa đổi lại quy định, luật lệ hoặc có biện pháp chắc chắn và quản lý chặt chẽ toàn bộ quá trình tích tụ ruộng đất. Trong luật đất đai, để ngăn chặn việc đầu cơ đất thì những người sử dụng sai mục đích thì phải chịu thuế nặng, bị phạt hoặc tước quyền sử dụng. Cần quy định cho từng đối tượng cụ thể ví dụ nông dân chuyên nghiệp, nhà đầu tư vào sản xuất nông nghiệp phải được ưu tiên thuê đất, tích tụ đất.

Cùng với đó là hỗ trợ cho các đối tượng sử dụng đất hiệu quả, phạt và ngăn chặn các đối tượng đầu cơ đất đai, sử dụng sai mục đích, làm nghèo, làm hỏng đất đai. Quản lý cẩn thận tình trạng người nước ngoài thuê, mua bao chiếm dài hạn đất nông nghiệp... Có như vậy chủ trương tích tụ ruộng đất mới tránh được sự lạc hướng và thực sự góp phần tạo nước bước đột phá cho phát triển nông nghiệp như kỳ vọng.

Xin cảm ơn ông.

Thành Trung (TTXVN)
Tìm phương thức ưu việt về tích tụ ruộng đất - Bài 4: Đảm bảo quyền lợi nông dân
Tìm phương thức ưu việt về tích tụ ruộng đất - Bài 4: Đảm bảo quyền lợi nông dân

Tại phiên họp thường kỳ đầu tiên trong năm mới 2017 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ chủ trương phải tạo thuận lợi cho tích tụ ruộng đất, mở rộng hạn điền cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN