Tuy nhiên, diện tích đất canh tác manh mún, chính sách hạn điền bất cập, cơ chế tích tụ ruộng đất chưa phù hợp đang là những rào cản đối với phát triển nông nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh nông nghiệp Việt Nam đang chuyển dịch sang nền nông nghiệp chuyên môn hóa.
Chủ trương khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp đã được khẳng định trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và tiếp tục được khẳng định trong văn kiện Đại hội XII của Đảng, đó là "khuyến khích tập trung ruộng đất, phát triển trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp phù hợp về quy mô và điều kiện của từng vùng".
Có thể thấy, về lý luận và thực tiễn, việc tích tụ, tập trung ruộng đất là bước đi cần thiết, đáp ứng đòi hỏi của thực tế, tạo điều kiện để thực hiện thành công công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Thực tế sau nhiều năm được xem xét thận trọng và có những mô hình gợi mở, vấn đề mở rộng hạn điền, tích tụ ruộng đất đã có hơi thở mới. Vấn đề là cần có cơ chế, chính sách, phương thức và cách làm phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu của quá trình phát triển để quá trình tích tụ ruộng đất được thực hiện với tính chặt chẽ về pháp lý, hiệu quả về kinh tế và xã hội.
Tích tụ, tập trung ruộng đất là bước đi cần thiết, đáp ứng đòi hỏi của thực tế. Ảnh: Công Mạo/TTXVN |
TTXVN giới thiệu chùm bài viết theo hướng đi tìm những phương thức tích tụ ruộng đất phù hợp, ưu việt trong bối cảnh hiện nay và những bài học kinh nghiệm, những kiến nghị để quá trình tích tụ ruộng đất thực sự là một bước tháo gỡ điểm nghẽn lớn nhất, tạo sự bùng nổ cho cuộc cách mạng nông nghiệp trong giai đoạn mới.
Bài 1: “Cởi trói” hạn điền đã chín muồi Phát triển nền nông nghiệp hàng hoá, nhất là nền nông nghiệp hàng hoá hiện đại đòi hỏi phải tích tụ, tập trung ruộng đất với quy mô thích hợp để đảm bảo hiệu quả. Tuy nhiên, cả nước hiện có gần 14 triệu hộ nông dân với khoảng 78 triệu mảnh ruộng, cho thấy ruộng đất quá manh mún. Bên cạnh đó, điều kiện ở nhiều nơi không dễ quy hoạch, cải tạo thành những vùng thuận tiện cho sản xuất nông nghiệp hàng hoá lớn.
Thực tế, tình trạng nông dân bỏ ruộng đã và đang diễn ra ở nhiều nơi một cách tự phát tại những vùng đang là sản xuất hàng hoá nhỏ, gặp nhiều khó khăn và chưa có "lối thoát" căn bản và hiệu quả. Tuy nhiên, hiện tượng này hầu như không diễn ra ở vùng núi sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn và mang nặng tính tự nhiên, hay tại những vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá đã phát triển cao hơn như Đồng bằng sông Cửu Long.
Bên cạnh đó, hiện tượng trên cũng không phải chủ yếu diễn ra ở các hộ đã có cơ sở kinh tế ngoài nông nghiệp tương đối vững chắc để bỏ ruộng, bỏ nghề nông đi làm ngành nghề phi nông nghiệp có thu nhập cao và ổn định hơn, mà chủ yếu diễn ra ở các hộ nông dân với trạng thái kinh tế hộ rất thấp (sản xuất nông nghiệp thu không đủ bù chi, không đảm bảo cuộc sống tối thiểu), bấp bênh và không ổn định.
Đối với những hộ nông dân có quy mô ruộng đất canh tác quá nhỏ (như ở Đồng bằng sông Hồng và các tỉnh miền Trung) lại gắn với thuần nông trồng lúa, ngành nghề kém phát triển, làm cho trạng thái và quy mô kinh tế của hộ nông dân nhỏ bé, luôn rơi vào tình trạng không vượt qua được ngưỡng sản xuất đơn giản chứ chưa nói tới có lãi để mở rộng sản xuất.
Khi đó, ruộng đất mất đi chức năng là yếu tố và điều kiện của sản xuất nông nghiệp hàng hoá, chỉ còn là yếu tố và điều kiện của "niêu cơm sinh tồn" và trở thành "gánh nặng" đối với các hộ nông dân, ngay cả khi sản xuất hay không sản xuất vẫn phải đóng rất nhiều khoản, buộc hộ nông dân phải trả ruộng hay bỏ ruộng.
Tại nhiều nơi, người nông dân không còn gắn bó với ruộng đất mà cho mượn, cho thuê, trả lại ruộng cho xã, Hợp tác xã hoặc bỏ ruộng hoang. Tình trạng này phản ánh những "nút thắt" đang làm suy yếu đi động lực phát triển nông nghiệp - nông thôn, suy yếu đi động lực phát triển của kinh tế hộ nông dân.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, sau 3 năm thực hiện Luật Đất đai 2013 và đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã bộc lộ một số vướng mắc về cơ chế, chính sách, cản trở quá trình phát triển nông nghiệp quy mô lớn.
Cụ thể, theo quy định, hạn mức giao đất không quá 3 ha đất trồng cây lâu năm đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất ở khu vực Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và không quá 2 ha cho mỗi loại đất đối với các hộ gia đình, cá nhân các tỉnh còn lại.
Trong khi đó, hạn mức chuyển quyền sử dụng đất trồng cây hằng năm đối với hộ gia đình và cá nhân (thông qua nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, xử lý nợ) không quá 10 lần hạn mức giao đất (tức là 30 ha và 20 ha với hai khu vực kể trên)... Quy định này chưa khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai để phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn.
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, tình trạng canh tác nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết chặt chẽ trong các mô hình kinh tế tập thể, sản xuất theo chuỗi, cánh đồng lớn… là những hạn chế phổ biến, tồn tại lâu đời, dẫn đến hàng loạt hạn chế khác. Đơn cử như ở An Giang, tỉnh có sản lượng lúa đứng thứ nhất, nhì cả nước nhưng hiện nay có đến 75% hộ nông dân có diện tích canh tác lúa dưới 1 ha. Diện tích nhỏ lẻ khiến họ rất khó thoát nghèo và làm giàu từ cây lúa vì theo tính toán nếu muốn làm giàu mỗi hộ phải có trên 3 ha đất.
Một rào cản khác được ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chỉ ra rằng, hiện nay thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp hoạt động rất yếu và phát triển rất chậm.
Minh chứng là quy định đối tượng nhận quyền sử dụng đất . Giả sử về đất lúa thì hộ đấy phải được công nhận là hộ nông dân. Do đó, lại có chuyện, hộ có điều kiện muốn đầu tư nhưng lại không có cách nào để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất lúa vì không phải là nông dân . Như vậy, đã ngăn đi mất một kênh đầu tư.
“Chưa có quy định rõ ràng về việc hỗ trợ doanh nghiệp thuê lại hoặc nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp của nông dân nên việc triển khai các dự án đầu tư của doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn còn gặp rất nhiều khó khăn” - Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng cho hay.
Liên quan đến chuyện thuê đất, ông Lê Văn Tam - Chủ tịch HĐQT Công ty Mía đường Lam Sơn cho rằng, Luật Đất đai hiện nay là rào cản lớn đối với doanh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp. Lý do là đất đai hoàn toàn là sở hữu công, nông dân không có quyền chuyển đổi, bán. Vì vậy, doanh nghiệp rất khó để tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn và để giải quyết được vấn đề này phải sửa đổi từ Luật Đất đai.
Theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thuỷ, hiện nay, nhiều doanh nghiệp có tiềm lực rất cần tích tụ ruộng đất để giải phóng năng lượng lao động, ứng dụng khoa học công nghệ để tạo giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên, một trong những rào cản lớn khiến doanh nghiệp ngại đầu tư vào nông nghiệp chính là thiếu đất sản xuất. Do đó, chưa huy động được tất cả các thành phần kinh tế tham gia vào cuộc cùng quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Theo Ths. Vũ Thành Bao - Đại học Kinh tế Quốc dân, yêu cầu sản xuất nông nghiệp quy mô lớn trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại đã và đang đòi hỏi đất đai phải được sử dụng tập trung với quy mô nhất định. Sự hình thành bước đầu quy mô sản xuất cánh đồng mẫu lớn ở miền Nam và những cố gắng dồn điền đổi thửa thời gian qua ở miền Bắc khi thực hiện kế hoạch xây dựng nông thôn mới đã có tác động tích cực tới nhận thức và phương thức sản xuất của người nông dân. Song, trên thực tế, đây vẫn là quá trình vô cùng khó khăn phức tạp.
Thừa nhận rào cản đất đai khiến doanh nghiệp không muốn đầu tư vào nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, khẳng định hiện nay, một trong những khó khăn điển hình kìm hãm doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp là nút thắt đất đai. Tất cả doanh nghiệp đầu tư muốn sản xuất phải có đất. Thực tế, đã có xu hướng tích tụ, tập trung ruộng đất để mở rộng phát triển sản xuất quy mô lớn, tuy nhiên nhiều chính sách chưa phù hợp đang là rào cản sự phát triển này.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, mức thuế và phí liên quan đến chuyển nhượng đất nông nghiệp áp chung như các bất động sản khác, còn tương đối cao so với lợi nhuận có thể tạo ra từ sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ đối với các hộ không còn nhu cầu sản xuất nông nghiệp chuyển đổi sang ngành nghề phi nông nghiệp chưa đủ mạnh nên họ vẫn có xu hướng giữ ruộng làm vật "bảo hiểm", mặc dù đã ngừng canh tác hoặc cho các hộ khác thuê ruộng ngắn hạn phi chính thức.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho hay, hiện chưa có quỹ đất ổn định, lâu dài để phát triển vùng nguyên liệu của các nhà máy chế biến, bảo quản nông sản chủ lực như cà phê, cao su, tiêu, điều, mía đường... để quy hoạch thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung, quy mô lớn. Và đất đai vẫn là một nút thắt cần cởi bỏ để nông nghiệp có thể thay đổi mô hình tăng trưởng.
(Còn tiếp)