Dự chương trình có đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, Đại học Thái Nguyên cùng đại diện một số cơ sở giáo dục thành viên thuộc Đại học Thái Nguyên.
Chương trình được tổ chức nhằm cung cấp thêm luận cứ khoa học và thực tiễn cho tổng kết Nghị quyết 37-NQ/TW ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020” và Kết luận số 26-KL/TW ngày 02 tháng 8 năm 2012 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 01/7/2004 của Bộ chính trị khóa IX nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp trong nghiên cứu và tư vấn chính sách giữa Ban Kinh tế Trung ương và Đại học Thái Nguyên.
Tại chương trình, hơn 10 ý kiến tham luận của các đại biểu đã khẳng định vai trò của Đại học Thái Nguyên trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, công tác nghiên cứu và chuyển giao các kết quả nghiên cứu cho những địa phương trong vùng cũng như chức năng tư vấn chính sách. Đặc biệt là tính đồng bộ và hiệu quả của các cơ chế, chính sách đặc thù đối với phát triển kinh tế - xã hội của vùng như chính sách liên kết phát triển vùng, phát triển nông nghiệp - nông thôn, phát triển khoa học và công nghệ, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực... Cũng tại chương trình, các nhà khoa học của Đại học Thái Nguyên đã kiến nghị, đề xuất các quan điểm và giải pháp đột phá, phù hợp; các mô hình sản xuất và kinh doanh mới cần được nhân rộng và áp dụng nhằm phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong giai đoạn 2020 – 2035 và tầm nhìn 2045, Giáo sư Tiến sĩ Phạm Hồng Quang, Giám đốc Đại học Thái Nguyên đã đề xuất cần tập trung đầu tư cho Đại học Thái Nguyên theo hướng cơ sở giáo dục đại học trọng điểm đa ngành với cụm 8 trường đại học và cao đẳng đã được kiểm định chất lượng. Ngoài ra, Giáo sư Tiến sĩ Phạm Hồng Quang cũng kiến nghị cần thay đổi cách tiếp cận hành chính sang cách tiếp cận liên vùng. Theo Giáo sư Tiến sĩ Phạm Hồng Quang, điều này mới giải quyết được các vấn đề hạ tầng giao thông, môi trường, văn hóa và kinh tế… Tuy nhiên, cần thiết chế lại hạ tầng mềm song song, thậm chí đi trước hạ tầng cứng cho liên vùng để đảm bảo chiến lược phát triển bền vững 2 vùng kinh tế lớn là Đông bắc và Tây bắc, nhân lõi của tăng trưởng bền vững là nguồn lực và nguồn vốn con người.
Phát biểu tại tọa đàm, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn, đánh giá cao những ý kiến của các đại biểu, đồng thời khẳng định vị trí, thế mạnh, năng lực của Đại học Thái Nguyên trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 37 của Trung ương thể hiện bằng những kết quả nghiên cứu về nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo, cơ sở hạ tầng… Tuy nhiên, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn cũng cho rằng, quan điểm phát triển vùng cần có quan điểm tổng thể, có cách tiếp cận liên vùng, tập trung nhiều hơn vào hạ tầng mềm gồm chính sách giáo dục, nguồn lực con người… Đặc biệt, cần nâng cao vai trò của Đại học Thái Nguyên trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực trung du và miền núi phía Bắc.
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 37, Đại học Thái Nguyên đã có trên 3.500 đề tài các cấp, 166 đề tài gắn với định hướng phát triển các địa phương trong khu vực với tổng kinh phí thực hiện trên 190 tỷ đồng. Bên cạnh đó, với vai trò và định hướng phát triển Đại học vùng, Đại học Thái Nguyên đã góp phần không nhỏ vào tư vấn, phản biện chính sách của Đảng, Nhà nước; được các ban ngành Trung ương giao nhiệm vụ đánh giá, đề xuất giải pháp về phát triển kinh tế - văn hóa – giáo dục trong khu vực.