Ứng dụng khoa học công nghệ, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu đang là thách thức lớn cho quá trình phát triển bền vững của các quốc gia trên thế giới. Vì vậy, phòng chống biến đổi khí hậu và đưa ra các giải pháp để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu đảm bảo phát triển bền vững là nhiệm vụ bức thiết hiện nay.

Nhận thức được các nguy cơ và thách thức của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã chủ động triển khai xây dựng và ban hành các chủ trương, chính sách nhằm ứng phó hiệu quả với tác động của biến đổi khí hậu.

Ngày 3/6/2013, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”. Nghị quyết là cơ sở cho việc thống nhất nhận thức và hành động, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, bố trí nguồn lực của Nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, hướng tới mô hình phát triển mới để đạt được nền kinh tế xanh, phát triển bền vững của Việt Nam trong tương lai.

Tại hội thảo "Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và củng cố an ninh năng lượng đảm bảo phát triển bền vững” diễn ra ngày 17/1 trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Biến đổi khí hậu có mối quan hệ chặt chẽ với ngành năng lượng, với tốc độ tăng trưởng năng lượng khá cao như Việt Nam hiện nay, Việt Nam cần quan tâm, thực thi những giải pháp hữu hiệu để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng nhấn mạnh: Hiện nay, vấn đề biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, Việt Nam đang là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Điều này đã đặt ra những thách thức to lớn về việc phát triển bền vững, nhưng cũng đồng thời đem đến cơ hội để cải tiến công nghệ trong nền kinh tế số để ứng phó với biển đổi khí hậu và nâng cao năng lực cạnh tranh trong công cuộc đổi mới trên toàn thế giới.

Ông Justin Baguley, Quyền Phó Đại sứ, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cho biết: Hỗ trợ đổi mới sáng tạo là ưu tiên chính trong quan hệ đối tác giữa Australia và Việt Nam, bởi việc “nắm bắt” các công nghệ mới có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và giúp đỡ giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu.

Australia cam kết hỗ trợ Trung tâm đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam trong việc xây dựng năng lực cho các doanh nghiệp nhỏ và các doanh nghiệp đang phát triển để các doanh nghiệp tận dụng cơ hội phát triển mạnh mẽ trong nền kinh tế số của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Cũng tại hội thảo "Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và củng cố an ninh năng lượng đảm bảo phát triển bền vững”, các chuyên gia trong nước và quốc tế đều cho rằng, thách thức biến đổi khí hậu là vấn đề lớn trên toàn thế giới, không riêng Việt Nam, do đó các quốc gia đều xây dựng cho mình chiến lược để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm phát triển bền vững.

Chú thích ảnh
Ứng phó với biến đổi khí hậu,  tỉnh Ninh Thuận chuyển gần 1.200 ha đất trồng lúa kém hiệu quả, không chủ động nước tưới và gần 200 ha đất khác sang trồng cây ngắn ngày, cây dài ngày để tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập trên cùng đơn vị diện tích ở vùng đất khô hạn. Ảnh: Công Thử/TTXVN

Biến đổi khí hậu có mối quan hệ chặt chẽ với ngành năng lượng, Việt Nam đang từng bước thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, cùng với đó là việc thực thi nghiêm túc chính sách về sử dụng năng lượng hiệu quả để giải quyết “bài toán” đảm bảo an ninh năng lượng cho Việt Nam trong dài hạn.

Trong đó, chú trọng đến việc ứng dụng khoa học và công nghệ để giảm tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu gây ra như vừa qua tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và đề xuất một số giải pháp ứng phó.

Các chuyên gia cũng đề cập đến việc thúc đẩy phát triển hệ thống năng lượng hợp lý theo nguyên tắc cơ chế thị trường có tính đến việc gia tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng sạch, có khả năng tái tạo gắn với bảo vệ, gìn giữ môi trường sinh thái, giảm thiểu tác động xấu đến biến đổi khí hậu.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho rằng: Trong nền kinh tế số hiện nay, để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, các chuyên gia tập trung đánh giá xu hướng phát triển và tác động của trí tuệ nhân tạo đến biến đổi khí hậu cũng như các nhóm ngành kinh tế; đánh giá thực trạng và mức độ sẵn sàng cho việc đẩy mạnh áp dụng trí tuệ nhân tạo, ứng dụng công nghệ, chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 bởi trí tuệ nhân tạo được nhận định sẽ hiện diện khắp mọi lĩnh vực. Theo đó, phát triển trí tuệ nhân tạo là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ mới trong các lĩnh vực đặc biệt là lĩnh vực biến đổi khí hậu.

HL (TTXVN)
Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và củng cố an ninh năng lượng
Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và củng cố an ninh năng lượng

Trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2019, sáng 17/1, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp tổ chức hội thảo chuyên đề "Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và củng cố an ninh năng lượng đảm bảo phát triển bền vững”, Triển lãm “Công nghệ năng lượng mới” và hội thảo chuyên đề "Định hướng phát triển nền kinh tế số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN