Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, biến đổi khí hậu đang là thách thức nghiêm trọng nhất đối với quá trình phát triển bền vững của tất cả quốc gia trên thế giới từ nước có điều kiện phát triển, đến các nước còn nghèo. Nếu không ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu thì thành quả phát triển kinh tế xã hội sẽ chịu nhiều tổn hại, quá trình phát triển bền vững sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí là không thể đạt được.
Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu do có bờ biển dài, lưu vực sông rộng lớn. Theo một số nghiên cứu về biến đổi khí hậu ở Việt Nam, đến cuối thế kỷ XXI, sẽ có 40% diện tích vùng Đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích vùng Đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các địa phương ven biển khác sẽ bị ngập nước, đặc biệt, 20% diện tích Thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ có nguy cơ bị ngập. Khi đó sẽ có 10-12% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp, tổn thất 10% GDP. Thực trạng biến đổi khí hậu hiện nay đang diễn biến phức tạp và nhanh hơn dự báo của các nhà khoa học.
Đến nay, 11/13 tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long đã phải công bố tình trạng thiên tai, do xuất hiện hạn mặn chưa từng có trong vòng 100 năm qua; mỗi năm có khoảng 300 ha đất đai bị sụt lún, sạt lở; hiện tượng nước biển dâng gây xâm nhập nước mặn, nước lợ ngày càng gia tăng… và nhiều tác động thiên tại khác đã ảnh hưởng lớn đến sinh kế của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết, nhận thức được các nguy cơ và thách thức của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã chủ động triển khai xây dựng và ban hành một cách khá hệ thống các chủ trương, chính sách nhằm ứng phó có hiệu quả với tác động của biến đổi khí hậu. Ngày 3/6/2013 tại Hội nghị lần 7, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”. Nghị quyết là cơ sở cho việc thống nhất nhận thức và hành động, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, bố trí nguồn lực của Nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, hướng tới mô hình phát triển mới để đạt được nền kinh tế xanh, phát triển bền vững của Việt Nam trong tương lai. Để triển khai đồng bộ, Chính phủ cũng ra Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 23/1/2014 ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Đảng, nhằm mục tiêu đến 2020, về cơ bản chủ động được trong thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính.
Thời gian qua, các cơ quan Trung ương và địa phương đã hành động tích cực nhằm hiện thực hóa chủ trương, chính sách thành các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu như: tuyên truyền, phổ biến, tạo sự chuyển biến về nhận thức, nâng cao ý thức ứng phó với biến đổi khí hậu; đổi mới, hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực thi chính sách, phát luật về ứng phó với biến đổi khí hậu. Việt Nam kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước, phát triển nguồn nhân lực về ứng phó với biến đổi khí hậu; phát huy vai trò của khoa học và công nghệ trong ứng phó với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế và mở rộng đối tác chiến lược về ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã chủ động tăng cường huy động nguồn lực tài chính cho ứng phó với biến đổi khí hậu như tăng đầu tư và chi thường xuyên từ ngân sách Nhà nước cho công tác ứng phó biến đổi khí hậu, khai thác hiệu quả nguồn hỗ trợ phát triển chính thức…
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho rằng, cần tiếp tục làm rõ một số vấn đề về tăng cường nhận thức, quán triệt của các cấp, các ngành và nhân dân hiện nay về những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu trên thế giới và ở nước ta. Qua đó xác định rõ hơn về vai trò, vị trí và những trách nhiệm liên quan trong công cuộc phòng chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái. Xác định rõ một số nguyên nhân chính tác động trực tiếp đến biến đổi khí hậu ở Việt Nam, đề xuất một số giải pháp, kịch bản chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái hiện nay và trong giai đoạn tới. Xem xét, đề xuất một số giải pháp cơ bản để nâng cao hiệu quả trong ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu; theo đó, cam kết và hành động của khối doanh nghiệp thế nào để đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Phân tích chiến lược đa dạng hoá nguồn cung năng lượng của Việt Nam, đề xuất một số định hướng phát triển cho ngành năng lượng Việt Nam nhằm đảm bảo tính tự chủ và tăng cường khả năng chống chịu với tình trạng biến đổi khí hậu tiêu cực hiện nay.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, cần làm rõ hiện trạng công tác thiết lập hệ thống an ninh năng lượng của Việt Nam, nhìn nhận đâu là những nguy cơ chính ảnh hưởng đến việc đảm bảo An ninh năng lượng quốc gia hiện nay và đề xuất một số giải pháp trọng tâm nào để đảm bảo An ninh năng lượng quốc gia. Thúc đẩy phát triển hệ thống năng lượng hợp lý theo nguyên tắc cơ chế thị trường có tính đến việc gia tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng sạch, có khả năng tái tạo gắn với bảo vệ, gìn giữ môi trường sinh thái, giảm thiểu các tác động xấu đến biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu xây dựng nền kinh tế các-bon thấp. Giới thiệu những ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, sử dụng thiết bị hiện đại gắn với giải pháp tiết kiệm sử dụng năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính và ô nhiễm môi trường để phát triển bền vững…
Bên lề Hội thảo, Triển lãm chuyên đề “Công nghệ năng lượng hướng tới phát triển bền vững” đã diễn ra với 10 gian trưng bày của 10 đại diện doanh nghiệp tiêu biểu trong lĩnh vực điện than, điện khí, điện gió, điện mặt trời, lưới điện thông minh… giới thiệu nhiều công nghệ, sản phẩm tiên tiến của các Tập đoàn năng lượng, công nghiệp trên thế giới và tại Việt Nam cũng diễn ra sôi nổi và được sự quan tâm của đông đảo thành phần tham gia.