Trước đó, nhận được phản ánh của hộ ông Đào Trọng Khải về việc đàn lợn của gia đình có biểu hiện sốt cao, bỏ ăn và chết bất thường, Trung Tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Ngọc Hồi đã tiến hành kiểm tra, lấy mẫu bệnh phẩm gửi Cơ quan Thú y vùng 5 xét nghiệm. Kết quả cho thấy các mẫu gửi xét nghiệm đều dương tính với vi rút dịch tả lợn châu Phi.
Ngay khi có kết quả, UBND xã Pờ Y đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp tổ chức chôn lấp toàn bộ đàn lợn 217 con với tổng trọng lượng hơn 14 tấn của gia đình ông Khải, đồng thời thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng đối với khu vực phát hiện bệnh.
Như vậy, hiện dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện 7/10 huyện, thành phố của tỉnh Kon Tum. Tính đến ngày 10/9, toàn tỉnh Kon Tum đã buộc phải tiêu hủy 2.474 con lợn bị mắc bệnh của 461 hộ chăn nuôi, với tổng trọng lượng gần 133.000 kg; thuộc 54 thôn, 22 xã, phường, 7 huyện, thành phố.
* Ngày 26/9, Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Yên phối hợp với cơ quan chức năng của địa phương tổ chức tiêu hủy hàng trăm kg thịt lợn không rõ nguồn gốc đang được vận chuyển đi tiêu thụ.
Số thịt lợn trên được Đội quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Yên) phối hợp với Công an môi trường và Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Phú Yên) bắt giữ vào tối ngày 25/9/2019 khi phối hợp kiểm tra xe khách 45 chỗ mang biển kiểm soát 77B - 01939 lưu hành qua địa bàn tỉnh Phú Yên.
Tổng số thịt lợn được xác định có trọng lượng 360 kg đa số là các loại lợn sữa (khoảng 3 tháng tuổi đã được) được đựng trong các thùng xốp. Thịt này không chứng minh được nguồn gốc và đã bốc mùi hôi. Chủ của số thịt lợn trên là Trần Minh Hiếu, ở thị trấn Phù Mỹ, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định.
Số thịt lợn này được chủ hàng khai nhận là vận chuyển vào TP Hồ Chí Minh để tiêu thụ. Các lực lượng chức năng đã tiến hành xử phạt vi hành chính đối với chủ hàng với số tiền là 12 triệu đồng. Toàn bộ số thịt lợn đã bị tiêu hủy trong sáng ngày 26/9 theo đúng quy định.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Phú Yên tình hình dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở nhiều huyện, thị xã, thành phố. Để hạn chế dịch bệnh tiếp tục lây lan, trên tuyến quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Yên đã lập hai chốt kiểm dịch động vật ở thị xã Sông Cầu (cửa ngõ phía Bắc) và huyện Đông Hòa (của ngõ phía Nam) nhằm kiểm tra các loại động vật, nhất là lợn có nghi mắc tả lợn châu Phi và các sản phẩm từ thịt lợn.
Lợn sống và thịt lợn vận chuyển qua địa bàn tỉnh Phú Yên nhưng không chứng minh được nguồn gốc và giấy kiểm dịch động vật sẽ bị thu giữ và tiêu hủy theo quy định.