Tại tỉnh Tiền Giang đang phát triển mạnh phong trào chăn nuôi dê và đang được xem là mô hình thoát nghèo bền vững cho nhiều hộ dân ở vùng nông thôn. Nuôi dê mang lại lợi ích kinh tế cao cho các hộ gia đình. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN. |
Chỉ tính riêng tại huyện Gò Công Đông (Tiền Giang), nơi có phong trào nuôi dê mạnh nhất tỉnh, tổng đàn dê hiện phát triển trên 20.000 con, tập trung chủ yếu ở các xã ven biển. Tại các huyện Gò Công Tây, Châu Thành, Chợ Gạo, Tân Phú Đông cũng có đàn dê hàng nghìn con.
Anh Đoàn Văn Hồng, ngụ ấp Giồng Lãnh 2, xã Tân Hòa, huyên Gò Công Đông, nuôi trên 100 con dê cho biết: Hiện mỗi tháng anh xuất chuồng từ 15 - 30 con dê giống, giá bán dê đực giống 250.000 đ/kg, dê cái giống 350.000 đ/kg. Mỗi năm, anh Hồng thu về hơn 500 triệu đồng từ xuất bán dê giống. Sau khi trừ chi phí, anh còn thu lợi nhuận hơn 350 triệu đồng/năm. Bên cạnh bán dê giống, anh Hồng còn tuyển chọn những con dê già hay dê chậm lớn để bán thương phẩm.
Theo ông Nguyễn Văn Quý, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Đông Đông, đa số nông dân chọn nuôi giống dê cỏ, dê Hà Lan và dê Bore. Hiện nay giá bán dê khá ổn định, giá dê thịt từ 90.000 -100.000 đồng/kg; tăng 10% so với năm ngoái. Việc giá dê ổn định ở mức cao là tín hiệu đáng mừng cho người nuôi dê trên địa bàn tỉnh, đồng thời tạo thuận lợi cho phong trào nuôi dê phát triển mạnh ở vùng nông thôn.
Cũng theo ông Quý, dê là loài động vật ăn tạp nên người nuôi có thể tận dụng nguồn thực vật phong phú quanh nhà để làm thức ăn cho dê, giảm được đáng kể chi phí đầu vào. Ngoài ra, dê có tốc độ sinh sản nhanh, tỷ lệ hao hụt thấp, vốn đầu tư không cao. Do đó, nuôi dê là mô hình rất thích hợp cho nông dân, giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Công Trí (TTXVN)