Tiềm năng thị trường thực phẩm Halal toàn cầu và cơ hội với Việt Nam

Ngày 30/11, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Diễn đàn "Tiềm năng thị trường thực phẩm Halal toàn cầu và cơ hội với Việt Nam".

Thực phẩm Halal là những sản phẩm "được phép" và "hợp pháp" theo Luật Hồi Giáo với những tiêu chuẩn vô cùng chi tiết và nghiêm ngặt.

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, đây là lần đầu tiên Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng tổ chức diễn đàn về thị trường thực phẩm Halal, nhằm nâng cao nhận thức về tiềm năng của thị trường này; tầm quan trọng của chứng nhận Halal và các biện pháp giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia hiệu quả vào thị trường thực phẩm Halal toàn cầu.

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá, sự tham gia đông đảo của nhiều tổ chức quốc tế, khu vực, ngoại giao đoàn, đại diện bộ, ban, ngành, địa phương và các doanh nghiệp Việt Nam, quốc tế, thể hiện sự quan tâm và nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp cũng như quyết tâm của các bộ, ban, ngành và địa phương trong hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và tham gia sâu vào chuỗi sản xuất và cung ứng thực phẩm nói chung và thực phẩm Halal nói riêng, trên phạm vi toàn cầu.

Thị trường thực phẩm Halal toàn cầu có tiềm năng rất lớn và đang ngày càng phát triển với tốc độ nhanh tại khắp các châu lục từ châu Á, Trung Đông-châu Phi cho tới châu Âu và châu Mỹ. Thế giới có gần 2 tỷ người Hồi giáo với mức chi tiêu cho thực phẩm Halal dự báo là 1.400 tỷ USD vào năm 2020; dự báo sẽ tăng hơn 10 lần lên tới 15.000 tỷ USD vào năm 2050.

Nhu cầu về sản phẩm Halal gia tăng mạnh không chỉ vì sự tăng nhanh của dân số Hồi giáo mà còn phản ánh xu hướng nhiều người không theo đạo Hồi ở những nền kinh tế lớn ngày càng ưa chuộng các sản phẩm này do đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường.

"Đây là cơ hội lớn cho các nước xuất khẩu lương thực, thực phẩm và các chế phẩm từ nông nghiệp như Việt Nam", Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.

Mặc dù rất tiềm năng, nhưng cho đến nay, sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường thực phẩm Halal còn hạn chế. Theo đánh giá của trung tâm Halal Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam đã bước đầu xuất khẩu một số sản phẩm Halal nhưng mới chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu từ các quốc gia trong Tổ chức Hợp tác Hồi giáo. Nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc cấp chứng nhận Halal và thiếu thống tin về thị trường, văn hóa kinh doanh, tiêu dùng để tham gia sâu vào thị trường Halal, nhất là tại các quốc gia Hồi giáo.

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn mong muốn Diễn đàn trao đổi về đánh giá thực chất tiềm năng của thị trường thực phẩm Halal toàn cầu, không chỉ của các nước có đa số dân theo đạo Hồi, mà của cả các nước có ít dân số theo đạo Hồi ở châu Âu, châu Mỹ và một số nước châu Á. Qua đó, xác định xu hướng mới và nhu cầu đối với các sản phẩm Halal, không chỉ giới hạn ở thực phẩm mà còn dược phẩm, mỹ phẩm và nhiều dịch vụ Halal khác như du lịch...

Diễn đàn cần xác định rõ các quy định và tiêu chuẩn để có được chứng nhận Halal. Hiện trên thế giới chưa có quy định thống nhất chung về chứng nhận Halal và mỗi thị trường cũng có một số yêu cầu riêng. Theo đó, làm rõ khó khăn, thách thức của doanh nghiệp Việt Nam khi muốn chứng nhận Halal tại các thị trường châu Á như Malaysia, Indonesia, Ấn Độ…, châu Âu, châu Mỹ; đồng thời nêu đề xuất đối với doanh nghiệp để có được chứng nhận Halal từ các tổ chức có uy tín, bảo đảm khả năng tiếp cận thị trường Halal tại các nước.

Từ đó, các đại biểu trao đổi kinh nghiệm, chiến lược trong xây dựng ngành thực phẩm Halal ở các nước để đề xuất, khuyến nghị các biện pháp nhằm hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng, sản xuất thực phẩm Halal trên phạm vi toàn cầu và kết nối doanh nghiệp Việt với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu sản phẩm Halal trên toàn cầu.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, Bộ sẽ luôn sát cánh, đồng hành hỗ trợ địa phương và doanh nghiệp trong nắm bắt các xu thế mới, tiếp cận thị trường, để góp phần tạo động lực mới cho sự phát triển bao trùm và bền vững của Việt Nam trong giai đoạn chiến lược mới.

Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, ngành Nông nghiệp Việt Nam luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp nông lâm và thủy sản Việt Nam cũng nhận thức được nhu cầu nhập khẩu cao của các thị trường Hồi giáo trên thế giới mang lại rất nhiều cơ hội cho xuất khẩu hàng hóa như: lương thực, thực phẩm, nông sản, thủy sản…

Việc tìm hiểu thị trường, văn hóa tiêu dùng và tập quán kinh doanh là những yêu tố cần thiết đối với bất kỳ doanh nghiệp nào muốn xuất khẩu sản phẩm vào thị trường các nước Hồi giáo. Những kinh nghiệm trong việc áp dụng tiêu chuẩn Halal cho doanh nghiệp Việt Nam và những kinh nghiệm quốc tế trong vấn đề quản lý thẩm định cấp chứng chỉ Halal trong thời gian qua cho thấy cần phải hoàn thiện lĩnh vực này một cách hệ thống và theo chuỗi để nâng cao hình ảnh chất lượng sản phẩm của Việt Nam trên thị trường quốc tế, đáp ứng các tiêu chuẩn nghiệm ngặt mà thị trường Hồi giáo yêu cầu.

Thứ trưởng Lê Minh Hoan tin tưởng, thông qua Diễn đàn này, các bên có cơ hội tìm hiểu kỹ hơn về những nhu cầu và điều kiện xuất khẩu hàng nông, lâm và thủy sản Việt Nam vào các thị trường Hồi giáo và hướng tới việc xây dựng chiến lược thâm nhập thị trường tiềm năng này. Từ đó các cơ quan quản lý và doanh nghiệp đề ra những nghiên cứu để sản xuất sản phẩm xuất khẩu có chất lượng, quy cách, mẫu mã phù hợp với quy định về tiêu chuẩn chất lượng và tập quán tiêu dùng của các nước; xây dựng mạng lưới phân phối sản phẩm, mở văn phòng đại diện, chi nhánh tại thị trường.

Việt Đức (TTXVN)
10 nguyên tắc vàng về vệ sinh an toàn thực phẩm
10 nguyên tắc vàng về vệ sinh an toàn thực phẩm

Ngày An toàn thực phẩm thế giới được Liên hợp quốc ấn định vào ngày 7/6 hằng năm. Năm 2020 là năm thứ hai Việt Nam tổ chức ngày này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN