Thương vụ Việt Nam tại Australia góp phần thúc đẩy thương mại song phương

Trong 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu từ Việt Nam sang Australia đạt hơn 4,2 tỷ USD, tăng gần 34%, trong khi xuất khẩu từ Việt Nam đi thế giới tăng 17,2%.

Kim ngạch thương mại song phương đạt gần 12 tỷ USD, tăng 33,4%, mức tăng rất có ý nghĩa khi kim ngạch đã tăng lên mức kỷ lục vào năm 2021. Đáng chú ý, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh nhiều thách thức như mặt hàng giày dép tăng 30,83%, dệt may tăng 29,8%, thủy sản tăng 52%, sắt thép tăng 205%, gỗ và sản phẩm gỗ tăng 26%, cà phê tăng 102%. Các mặt hàng nông sản như rau quả, hạt điều cũng đều tăng trưởng.

Chú thích ảnh
 Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang. Ảnh minh họa: Công Mạo/TTXVN

Xét về tổng thể, các mục tiêu thương mại song phương đã đạt được một cách nhanh chóng theo chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao hai nước. Theo các số liệu thống kê, sau 8 tháng đầu năm, Việt Nam và Australia đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của nhau. Việt Nam là đối tác thương mại thứ 10 của Australia trong khi Australia là đối tác lớn thứ 7 của Việt Nam.

Kết quả tích cực trên có phần đóng góp của cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia trong triển khai đồng đều kế hoạch hành động, cân bằng giữa nghiên cứu thị trường và các giải pháp xúc tiến thương mại.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Nguyễn Phú Hòa, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia, nhấn mạnh trong thời gian qua Thương vụ thực hiện nghiêm chính sách về quan hệ kinh tế với Australia của Chính phủ Việt Nam, triển khai tích cực các chỉ đạo của Bộ Công Thương và cơ quan đại diện Việt Nam tại Australia.

Công tác nghiên cứu và chỉ đạo của Bộ Công Thương, cụ thể là Vụ Thị trường châu Á, châu Phi về diễn biến và nhu cầu của Australia, công tác xúc tiến của Cục Xúc tiến và trực tiếp là sự chỉ đạo của cơ quan đại diện Việt Nam tại Australia cũng đã giúp Thương vụ triển khai chương trình hành động kịp thời. Về phương thức hoạt động, Thương vụ đã đón đầu xu thế, nhanh chóng số hóa hoạt động của cơ quan từ trước khi xảy ra đại dịch COVID-19 nên kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn vừa qua.

Các biện pháp cụ thể mà Thương vụ Việt Nam tại Australia đã áp dụng bao gồm triển khai nghiên cứu chính sách, thị trường để thúc đẩy xuất khẩu kịp thời, ví dụ như tìm hiểu thông tin sâu về ngành vật liệu xây dựng trong bối cảnh Australia đẩy mạnh xây dựng hạ tầng, về kinh tế số, kinh tế xanh và về nhu cầu đa dạng hóa nguồn nhập khẩu của các doanh nghiệp sở tại, qua đó góp phần thúc đẩy hình thành các chuỗi cung ứng hai nước.

Đặc biệt, Thương vụ Việt Nam tại Australia đã đề ra biện pháp "dùng đòn bẩy thương hiệu để nâng cao chất lượng nông sản". Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Công Thương về mở rộng dư địa thị trường, Thương vụ đã nghiên cứu triển khai xây dựng thương hiệu nhiều mặt hàng Việt Nam tại Australia như sầu riêng Ri6, dừa, gạo, gừng đông lạnh, mít đông lạnh, đồ uống không cồn, đồ chơi, vật liệu xây dựng và các sản phẩm phục vụ ngành năng lượng.

Cụ thể, cán bộ Thương vụ đã có các chuyến công tác đến tận lãnh thổ Bắc Australia xa xôi để đưa gạo Việt Nam vào hệ thống siêu thị tại đây, tổ chức kết nối đưa doanh nghiệp Việt Nam đi khảo sát thị trường điện Mặt Trời tại Australia hay đầu tư trồng rừng để cung cấp nguyên liệu cho thị trường trong nước.

Thực hiện chỉ đạo của Đại sứ quán Việt Nam tại Australia, Thương vụ cũng đã phối hợp triển khai chương trình ngoại giao kinh tế có giá trị lâu dài như xây dựng thương hiệu để nâng giá trị cá tra, tôm Việt Nam, giữ thị phần áp đảo tại Australia. Thương vụ cũng đã thực hiện chỉ đạo của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam trong việc mở rộng thương mại tại các bang và thúc đẩy đầu tư hai chiều.

Về các biện pháp giúp bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Phú Hòa cho biết Thương vụ đã kịp thời nêu ý kiến với các cơ quan hữu quan của Australia để bảo vệ lợi ích doanh nghiệp Việt Nam như đã thành công trong việc bác đăng ký nhãn hiệu đối với gạo ST24 và ST25 của công ty T&L Global Foods Supply PTY LTD (Công ty T&L) tại Australia. Bên cạnh đó, Thương vụ cũng nhiều lần đề nghị phía Australia thông quan nhanh cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Đánh giá về thế mạnh của hàng hóa Việt Nam khi xâm nhập vào thị trường Australia, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia Nguyễn Phú Hòa cho biết nhờ sự điều hành của chính phủ trong và ngay sau đại dịch COVID-19, hàng hóa Việt Nam ngày càng phong phú, cạnh tranh hơn. Cùng với đó, nỗ lực của các doanh nghiệp Việt Nam mong muốn khẳng định chất lượng hàng hóa Việt Nam tại Australia đã tạo ra động lực, sự quan tâm của chính quyền địa phương đối với thị trường này, qua đó cũng giúp tạo thế mạnh của hàng Việt Nam tại đây.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Australia, tuy các mục tiêu thương mại đã hoàn thành, tình hình từ nay đến cuối năm vẫn có nhiều thách thức. Thương vụ đang nỗ lực hơn trong việc triển khai các hoạt động xúc tiến mới như tổ chức Triển lãm Nguồn hàng Việt Nam 2022 với nhiều ngành nghề có thế mạnh của Việt Nam, các hoạt động xúc tiến sản phẩm dịp cuối năm, trong đó có chương trình hỗ trợ các nhà phân phối độc quyền mở rộng thị phần sản phẩm Việt Nam tại Australia thông qua phát triển thương hiệu hàng Việt Nam. Ngoài ra, Thương vụ sẽ phối hợp với các Hiệp hội Người Việt ở Australia thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Trong thời gian tới, để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc xuất khẩu từ Việt Nam sang Australia, Thương vụ Việt Nam tại Australia cho rằng giải pháp quan trọng là cải thiện khâu vận chuyển, rút ngắn thời gian đến Australia. Các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam cần tiếp tục đảm bảo sự đồng nhất về chất lượng sản phẩm, trong khi các doanh nghiệp hàng tiêu dùng cần phối hợp với Thương vụ để đẩy mạnh xây dựng thương hiệu và tuyển chọn các nhà phân phối độc quyền, phát triển thị phần lớn mạnh, bền vững hơn.

Nguyễn Minh (TTXVN)
Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Cuba
Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Cuba

Trong những năm gần đây, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Cuba đã có những bước tiến mới, nhất là kể từ khi Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và Cuba có hiệu lực (tháng 4/2020). Năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 261,7 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 228,5 triệu USD và nhập khẩu 33,2 triệu USD.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN