Đặc biệt, Lào đang là đối tác thương mại đứng thứ 7 của Việt Nam trong khối ASEAN, quy mô thương mại hàng hóa không ngừng được mở rộng. Đây là điểm tựa để hai nước Việt Nam - Lào kỳ vọng sẽ sớm chạm mốc 2 tỷ USD trong thời gian tới.
Mở rộng quy mô hàng hoá
Lào được đánh giá là cửa ngõ quan trọng để doanh nghiệp trong nước phát triển thị trường vào các nước ASEAN. Không những thế, Việt Nam và Lào gần gũi về địa lý, thuận tiện giao thông, nhiều điểm tương đồng về văn hóa và tiêu dùng.
Đặc biệt, hai nước có chung đường biên giới dài hơn 2.300 km, đi qua địa giới hành chính của 10 tỉnh, thành phố của mỗi bên, là khu vực có tiềm năng phát triển, có vị trí chiến lược trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây.
Đáng lưu ý, toàn tuyến biên giới Việt Nam - Lào có 9 cửa khẩu quốc tế, 6 cửa khẩu chính, 18 cửa khẩu phụ cùng 27 lối mở và thành lập 9 Khu kinh tế cửa khẩu…
Việt Nam còn luôn nằm trong nhóm 3 nhà đầu tư hàng đầu tại Lào, kim ngạch thương mại hai nước tăng hàng năm. Cụ thể năm 2021 đạt 1,37 tỷ USD, tăng 33,32% so với năm 2020 và cao nhất trong 10 năm trở lại đây.
Nhận định về thị trường Lào, ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, từ năm 2016 - 2021, kim ngạch thương mại Việt Nam - Lào tăng từ 823,4 triệu USD lên 1,37 tỷ USD, đạt tốc độ tăng trưởng trung bình trên 10%/năm.
Riêng năm 2021, kim ngạch song phương đạt 1,37 tỷ USD, tăng 33,3% so với năm 2020 bất chấp khó khăn do dịch COVID-19 gây ra. Trong số đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 594,7 triệu USD, tăng 4% so với năm 2020. Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 778,2 triệu USD, tăng 69,8% so với năm 2020.
Riêng 7 tháng năm 2022, kim ngạch thương mại song phương đạt 948,9 triệu USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 362,9 triệu USD, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Các mặt hàng xuất khẩu chính gồm xăng dầu; sản phẩm từ sắt thép; sắt thép các loại; phương tiện vận tải và phụ tùng; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; phân bón các loại; sản phẩm từ chất dẻo; hàng rau quả.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 586 triệu USD, tăng 48,2% so với cùng kỳ năm 2021. Theo đó, các mặt hàng nhập khẩu chính gồm cao su; gỗ và sản phẩm gỗ; phân bón các loại; hàng rau quả; quặng và khoáng sản.
Ngoài ra, hai bên đã hoàn tất việc đàm phán, ký kết Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào (năm 2015); Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào ký năm 2015.
Theo ông Đỗ Quang Hưng, doanh nghiệp hai bên đã tận dụng tốt các khuôn khổ ưu đãi của các hiệp định. Bằng chứng là trong 7 - 8 năm vừa qua kim ngạch thương mại hai nước tăng trưởng tích cực và đều cao hơn 10% mỗi năm.
Ông Đỗ Quang Hưng đã chỉ ra rằng, đơn cử như Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào dù có nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp khi đầu tư tại các tỉnh giáp biên giữa hai nước.
Cùng đó, các ưu đãi này có thể bao gồm việc đưa hàng hóa về Việt Nam được miễn thuế VAT, miễn nhiều hạn chế và miễn kiểm dịch. Đây là những ưu đãi cực kỳ đặc biệt và chưa từng có.
Thế nhưng, con số áp dụng được ưu đãi này vẫn hạn chế do doanh nghiệp Việt Nam chưa nắm vững thông tin; khó khăn về mặt lao động bởi quy định từ phía Lào.
Chia sẻ tại Hội chợ Thương mại Việt Nam - Lào 2022 (VIETLAO EXPO 2022) mới đây tại Thủ đô Viêng Chăn (Lào), Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, trong bối cảnh hàng Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với hàng hóa của Thái Lan và Trung Quốc tại thị trường Lào, doanh nghiệp Việt Nam tham gia Hội chợ với sản phẩm chất lượng tốt, có sự đầu tư bài bản từ khâu nghiên cứu thị trường tới khâu phát triển sản phẩm, xây dựng mạng lưới phân phối, quảng bá thương hiệu.
Chính vì vậy, hầu hết doanh nghiệp đạt được những mục tiêu, kế hoạch đề ra trong việc khôi phục và mở rộng thị trường sau hơn 2 năm bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 cũng như tìm hiểu về chính sách thương mại và đầu tư của Lào.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, từ đầu năm 2021 trở lại đây, với sự quyết tâm chính trị của lãnh đạo cấp cao hai nước, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước ngày một khởi sắc và tăng trưởng mạnh mẽ.
Điều này giúp cán cân xuất khẩu và nhập khẩu tương đối cân bằng, cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa thay đổi theo hướng bền vững, danh mục hàng hóa trao đổi giữa hai nước ngày càng được mở rộng, đa dạng và phong phú hơn.
Nhiều dư địa hợp tác
Đánh giá về quan hệ song phương trong thời gian tới, ông Đỗ Quang Hưng cho hay, kim ngạch song phương giữa Việt Nam-Lào thời gian gần đây tăng nhanh nên nhiều khả năng đạt mốc 2 tỷ USD hoàn toàn có thể sớm đạt được mục tiêu này.
Về mặt xuất khẩu, các sản phẩm chế biến chế tạo, vật liệu xây dựng, sắt thép, xi măng và hải sản có tiềm năng tốt do Lào không giáp biển. Các mặt hàng thực phẩm chế biến cũng có nhiều dư địa tại thị trường này.
Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư kiên trì xây dựng thương hiệu và phân phối để cạnh tranh với hàng hóa của các nước khác. Ngược lại, gỗ và sản phẩm gỗ, than, khoáng sản, phân bón… là các mặt hàng tiềm năng Việt Nam có thể nhập khẩu.
Để thúc đẩy quan hệ thương mại, ông Đỗ Quốc Hưng khuyến nghị doanh nghiệp cần nắm rõ quy định của các hiệp định thương mại để tránh vướng mắc khi làm thủ tục thông quan. Ngoài ra, doanh nghiệp cần tận dụng các chương trình kết nối giao thương, xúc tiến thương mại để tìm đối tác, bạn hàng.
Nhằm thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Lào, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã không ngừng mở rộng hợp tác với doanh nghiệp Lào về lĩnh vực điện lực; tích cực thúc đẩy các hoạt động hợp tác mua bán điện với Công ty Điện lực Lào (EDL) và Tổng công ty Phát điện lào (EDL-Gen) theo chủ trương hợp tác phát triển năng lượng giữa hai quốc gia.
Hiện nay, EVN đang bán điện qua các cấp điện áp 220kV - 22kV - 35kV qua 9 địa điểm khu vực gần biên giới giữa hai nước với sản lượng điện thương mại khoảng 50 triệu kWh/ năm.
Việc phối hợp, vận hành, bảo vệ an ninh, an toàn lưới điện được hai bên thực hiện tốt, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các địa phương của Lào khi lưới điện quốc gia của bạn chưa mở rộng tới. Hoạt động cấp điện cho bạn đồng thời cũng góp phần thắt chặt, củng cố mối tình hữu nghị đặc biệt giữa hai nước.
Trong lĩnh vực năng lượng, Chính phủ hai nước nhận định còn nhiều dư địa để phát triển quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi trong lĩnh vực điện.
Với quy mô dân số lớn, tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, nhu cầu sử dụng điện cao, đặc biệt, với cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam đang nỗ lực để bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu điện năng cho phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, sạch và bền vững.
Để tăng cường hợp tác cung ứng điện, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Năng Lượng và Mỏ Lào đã hội đàm và nhất trí phối hợp chặt chẽ để đẩy nhanh tiến độ đầu tư, hoàn thành các dự án đường dây truyền tải, liên kết lưới điện giữa hai nước.
Ngoài ra, hai bên cũng nghiên cứu tính toán nhu cầu, các giải pháp kỹ thuật và thương mại trong liên kết lưới điện để bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm; báo cáo Chính phủ hai nước xem xét tăng lượng điện cung ứng phù hợp với nhu cầu và năng lực của hai bên. Các khía cạnh môi trường cũng cần được quan tâm thấu đáo trong quá trình hợp tác cung ứng điện.
Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Bộ Công Thương trong thực hiện các mục tiêu kim ngạch thương mại song phương, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý hợp tác thương mại giữa hai nước.
Mặt khác, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư hai nước, theo ông Nguyễn Bá Hùng, Đại sứ quán sẽ triển khai hoạt động hợp tác, giao lưu giữa Bộ Công Thương Việt Nam và các bộ đối tác tại Lào, xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực công thương.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay, Bộ Công Thương Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác và hỗ trợ Lào tháo gỡ khó khăn trước bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới đang phức tạp.
Đặc biệt, trao đổi thương mại song phương có thể đạt mốc 2 tỷ USD nếu duy trì được đà tăng trưởng như hiện nay. Do vậy, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công Thương Lào sẽ tích cực phối hợp để triển khai các biện pháp thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại hai bên.
Ngoài ra, Bộ Công Thương hai nước nhất trí sớm hoàn tất đàm phán, ký Bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam - Lào; hoàn thành việc sửa đổi Hiệp định thương mại song phương nhằm đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam và Lào, hướng tới tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp hai nước phát triển mạnh và bền vững.