Kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (5/9/1962 - 5/9/2022)

Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào là biểu tượng của tình đoàn kết hữu nghị

Vào những năm 1948 - 1951, đồng chí Kaysone Phomvihane từng hoạt động cách mạng tại bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu (Sơn La). Ngày ấy, đồng chí Kaysone Phomvihane và các đồng chí của Ban Xung phong Lào - Bắc đã được gia đình cụ Tráng Lao Khô nuôi giấu và sau này ngôi nhà của cụ Tráng Lao Khô đã trở thành Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào.

Biểu tượng của tình đoàn kết

Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng gần gũi, cùng uống chung dòng nước Mê Công, cùng tựa lưng vào dãy núi Trường Sơn hùng vĩ.  

Theo đồng chí Nguyễn Hữu Đông, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La, ngay sau khi giành được độc lập, tháng 9/1945, thực dân Pháp quay lại xâm lược Đông Dương lần thứ hai. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, nhân dân hai nước Việt Nam và Lào tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cách mạng giải phóng dân tộc.

Nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã vinh dự được đón, bí mật nuôi giấu, bảo vệ đồng chí Kaysone Phomvihane và Ban Xung phong Lào - Bắc trong thời gian đứng chân ở địa bàn Bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La để tiến vào hoạt động gây dựng cơ sở cách mạng, xây dựng lực lượng, căn cứ kháng chiến ở các địa bàn của tỉnh Hủa Phăn và các tỉnh Bắc Lào, đánh dấu thời kỳ phát triển mới, góp phần quan trọng để cách mạng Lào đi đến thắng lợi sau này.

Chú thích ảnh
Tượng đồng về chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane đặt tại Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào.
Chú thích ảnh
Đại úy Thào Nguyên Hồ, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Chiềng On (Sơn La) tới thăm gia đình ông Tráng Lao Lử tại bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu.
Chú thích ảnh
Các chiến sĩ Đồn Biên phòng Chiềng On (Sơn La) và khách tham quan Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào tới thăm gia đình ông Tráng Lao Lử tại bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu.

Con trai cụ Tráng Lao Khô là ông Tráng Lao Lử năm nay đã gần 90 tuổi, song vẫn nhớ như in thời gian đồng chí Kaysone Phomvihane đến sinh sống tại gia đình mình.

Ông Tráng Lao Lử cho biết: “Gia đình tôi nhận đồng chí Kaysone Phomvihane làm con nuôi với trách nhiệm là con cả trong gia đình. Theo phong tục tập quán của dân tộc Mông, gia đình tôi cùng đồng chí Kaysone Phomvihane đã tổ chức lễ cắt máu ăn thề. Lễ cắt máu ăn thề này được xem như "bản cam kết" giữa các thành viên trong gia đình. Mỗi thành viên phải có trách nhiệm giúp đỡ lẫn nhau coi như anh em trong một nhà, nguyện thề sống chết có nhau”.

Cũng theo ông Tráng Lao Lử, thời gian này, để giữ bí mật, đồng chí Kaysone Phomvihane ở hẳn ngoài hang Thẩm Mế. Những ngày đó, gia đình ông Lử đã xay ngô, giã thóc rồi mang thức ăn tiếp tế cho đồng chí Kaysone Phomvihane.

Ông Tráng Lao Lử cho biết: “Ngày ấy tôi còn rất bé nhưng đã được theo bố đi đưa cơm cho đồng chí Kaysone Phomvihane 2 lần. Bố tôi còn đưa 30 đồng bạc trắng cho người liên lạc. Khi người liên lạc đi rồi, bố tôi mới nói với cả nhà là đưa cho anh kết nghĩa để mua vũ khí. Sau khi mua được súng đạn, đồng chí Kaysone Phomvihane đã làm một giấy biên nhận gửi cho bố tôi và cảm ơn gia đình tôi đã giúp đỡ cách mạng Lào”.

Trong ký ức của ông Tráng Lao Lử, tình cảm giữa đồng chí Kaysone Phomvihane và gia đình luôn gắn kết keo sơn. Ngôi nhà mà ông đang ở cũng do đồng chí Kaysone Phomvihane và cha ông chọn đất để dựng lên. Những kỷ niệm về tình cảm đặc biệt với đồng chí Kaysone Phomvihane luôn được gia đình ông Lử trân trọng, coi đó là niềm vinh hạnh nhất trong cuộc đời ông.

“Cha tôi thường xuyên kể lại những câu chuyện này cho con cháu nghe và nhắc nhở mọi người luôn phải giữ gìn sự đoàn kết, tình cảm sâu sắc giữa nhân dân Việt Nam và Lào”, ông Tráng Lao Lử nói.

Chú thích ảnh
Ông Tráng Lao Lử giới thiệu những vật dụng của gia đình ông đã dùng để nấu cơm, đun nước uống cho đồng chí Kaysone Phomvihane và các đồng chí của Ban Xung phong Lào - Bắc.
Chú thích ảnh
Du khách tham quan Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào.
Chú thích ảnh
Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào là địa chỉ đỏ để tổ chức sinh hoạt chính trị, giáo dục truyền thống cho nhân dân các dân tộc trong huyện Yên Châu nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung.

“Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”

Đồng chí Nguyễn Hữu Đông, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La cho rằng: Nhìn lại chặng đường hợp tác Việt Nam - Lào, nhân dân các dân tộc vùng biên giới Việt Nam - Lào rất phấn khởi và tự hào về những kết quả to lớn mà nhân dân mỗi nước đã giành được bằng tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane dày công xây dựng, vun đắp bằng cả máu, nước mắt và tình cảm thiêng liêng của biết bao thế hệ người con anh hùng của hai dân tộc Việt Nam - Lào.  

Tỉnh Sơn La có trên 274 km đường biên giới, với 125 cột mốc quốc giới, 2 cửa khẩu Quốc gia, 2 cửa khẩu phụ, tiếp giáp với tỉnh Hủa Phăn và Luông Pha Băng của Lào. Trong đó có 6 huyện biên giới với 17 xã, 286 bản ở khu vực biên giới, 73 bản giáp biên và 10 đồn biên phòng.

Với nhiều nét tương đồng về tự nhiên và xã hội, trong những năm qua, tỉnh Sơn La đã có quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện với 9 tỉnh Bạn Lào gồm: Hủa Phăn, Luông Pha Băng, Bò Kẹo, U Đôm Xay, Luông Nậm Thà, Phông Xa Lỳ, Xay Nhạ Bu Ly, Xiêng Khoảng, Xay Xổm Bun. Đặc biệt tỉnh Sơn La vinh dự và tự hào là nơi có Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào tại bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu ghi dấu sự kiện hoạt động cách mạng và xây dựng cơ sở cách mạng của Ban Xung phong Lào - Bắc và đồng chí Kaysone Phomvihane.  

“Phát huy truyền thống, tinh thần đoàn kết, quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, tỉnh Sơn La đã tăng cường hợp tác trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Luôn duy trì tốt việc trao đổi giữa các đoàn đại biểu cấp cao, lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể tỉnh, các huyện, thành phố của tỉnh sang thăm hữu nghị, trao đổi kinh nghiệm”, đồng chí Nguyễn Hữu Đông cho hay.  

Được biết Sơn La đã hỗ trợ đầu tư cho 9 tỉnh bạn Lào xây dựng một số công trình kết cấu hạ tầng, chủ yếu là các công trình về y tế, văn hóa, giáo dục, sửa chữa, xây dựng mới trụ sở làm việc. Triển khai các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi...; hỗ trợ giúp đỡ trong công tác phòng chống dịch bệnh nói chung và dịch COVID-19 nói riêng. Hỗ trợ đào tạo cho hàng nghìn lưu học sinh Lào và bồi dưỡng tiếng Việt cho cán bộ các cơ quan đảng, đoàn thể, chính quyền; cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang của các tỉnh của Lào tại Sơn La. Tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao bằng nhiều hình thức đa dạng phong phú.

Chú thích ảnh
Khuôn viên Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào rộng hàng trăm mét vuông, rất phù hợp cho các hoạt động giáo dục truyền thống và giao lưu văn hóa, văn nghệ.
Chú thích ảnh
Trong khuôn viên Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào nổi bật nhất là cụm tượng đài bằng đá nguyên khối được thiết kế công phu.
Chú thích ảnh
Đường vào Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào.

Đặc biệt, nhân kỷ niệm 60 năm Ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào, tỉnh Sơn La và tỉnh Luông Pha Băng đã phối hợp tổ chức thành công Ngày hội Văn hóa - Du lịch năm 2022 với chủ đề "Bản tình ca Sơn La - Luông Pha Băng".

Trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng, lực lượng công an, bộ đội hai bên luôn thực hiện tốt công tác phối hợp và trao đổi thông tin, đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy qua biên giới.  

Những kết quả ấy đã góp phần tô thắm, vun đắp và phát triển quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, coi đó như là nhân tố rất quan trọng để tỉnh Sơn La và các tỉnh Bạn Lào giữ vững ổn định và ngày càng phát triển.

Bài, ảnh: Viết Tôn/Báo Tin tức
Kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào tại TP Hồ Chí Minh
Kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào tại TP Hồ Chí Minh

Sáng 30/8, tại Nhà hát lớn TP Hồ Chí Minh diễn ra Lễ mít tinh kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao  Việt Nam - Lào (5/9/1962 - 5/9/2022) và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị hợp tác Việt Nam - Lào (18/7/1977 - 18/7/2022).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN