Việc thương nhân nước ngoài thu mua nông sản, thực phẩm ở nước ta vẫn diễn ra từ trước đến nay. Tuy nhiên, với biến động tăng mạnh của giá nông sản thực phẩm thời gian qua, không ít ý kiến lo ngại về tính pháp lý của việc phía nước ngoài trực tiếp mua gom nông sản, thực phẩm cũng như những ảnh hưởng của việc này tới công tác kiểm soát cung cầu và giá cả hàng hóa của thị trường trong nước.
Một kênh tiêu thụ hàng hóa
Hàng hóa sản xuất ra cần có nơi tiêu thụ, do đó, theo ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), việc thương nhân nước ngoài, trong đó có thương lái Trung Quốc mua nông sản của Việt Nam trong thời điểm này cũng có những lợi ích nhất định, góp phần giải quyết đầu ra cho nhiều loại hàng hóa, nông sản. Tuy nhiên, theo quy định hiện nay, thương nhân nước ngoài không được trực tiếp thu mua hàng hóa tại thị trường nội địa của nước ta mà phải thu mua qua trung gian là đối tác kinh doanh của Việt Nam.
Ông An khẳng định: “Thời gian qua, không có chuyện thương nhân Trung Quốc đứng ra trực tiếp thu mua và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Cách phổ biến là thương nhân Trung Quốc đến tận các vùng có hàng hóa nông sản nắm bắt thị trường và “bơm” tiền qua thương lái của Việt Nam để thu mua, rồi làm thủ tục xuất khẩu sang nước bạn”.
Thương lái thu mua lúa của nông dân tại huyện Vị Thủy (Hậu Giang). Ảnh: Duy Khương – TTXVN |
Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cũng nhìn nhận, Trung Quốc là một thị trường tiêu thụ hàng hóa khổng lồ và là đầu ra quan trọng của hàng hóa Việt Nam, trong đó có hàng nông sản: “Vụ vải thiều năm nay, nếu không có Trung Quốc thu gom quả vải thì có lẽ bà con nông dân khó lòng tiêu thụ hết sản phẩm và giá bán cũng không thể cao”, ông Ngọc nhận xét.
Đề phòng những tác động tiêu cực
Tuy nhiên, việc Trung Quốc nói riêng và các doanh nghiệp nước ngoài nói chung thu mua nông sản cũng đặt ra nhiều vấn đề. Theo các chuyên gia thương mại, các cơ quan chức năng phải kiểm soát tốt việc mua bán hàng hóa của thương nhân nước ngoài, để không gây tác động tiêu cực đến thị trường trong nước. Bởi việc tiêu thụ nhiều mặt hàng nông sản quá phụ thuộc vào một thị trường có thể dẫn tới nguy cơ bị ép giá. Tức là nếu phía nước ngoài tăng mua hàng thì mới bán được và giá mới cao. Ngược lại, hàng hóa sẽ ế ẩm và giá rớt giảm hại. Ông Nguyễn Lộc An nói: “Đã có nhiều trường hợp khi phía Trung Quốc dừng nhập khẩu thì nông sản không có đầu ra. Việc tiêu thụ dưa hấu trong những năm 2009 và 2010 là một ví dụ. Khi phía Trung Quốc dừng thu mua, dưa hấu vứt đầy đường không bán được”.
Không những thế, việc nước ngoài tăng thu mua hàng hóa ở một số thời điểm nhạy cảm có thể đẩy thị trường trong nước vào tình thế thiếu hàng hóa và giá bán tăng đột biến. Về tình hình giá thịt lợn tăng cao trong thời gian qua, có ý kiến cho rằng, việc thương nhân nước ngoài, mà cụ thể là thương nhân Trung Quốc, mua vét thịt lợn ở nước ta, là một trong những nguyên nhân khiến thị trường thiếu nguồn cung thịt lợn và đẩy giá thịt lợn lên cao.
Tăng cường hệ thống phân phối trong nước
Theo quy định, thương lái nước ngoài không được thu mua trực tiếp nông sản ở Việt Nam, mà phải cần thêm chi phí trả cho các doanh nghiệp trong nước đứng ra làm trung gian thu mua. Doanh nghiệp nước ngoài còn phải chịu các loại thuế theo qui định của pháp luật Việt Nam và các loại chi phí khác. Doanh nghiệp nước ngoài cũng khó có thể am hiểu thị trường nước ta bằng doanh nghiệp trong nước. Vậy tại sao, trên thực tế, doanh nghiệp trong nước vẫn yếu thế trong việc thu mua nông sản, so với doanh nghiệp nước ngoài?
Theo ông An, trừ mặt hàng lương thực do hai Tổng công ty Vinafood 1 và Vinafood 2 đứng ra xuất khẩu trực tiếp, các mặt hàng nông sản còn lại, việc xuất khẩu đều do tư nhân và những doanh nghiệp nhỏ đứng ra thu mua và xuất khẩu, nên cần phải xem lại cơ chế này. Bởi các doanh nghiệp Việt Nam tuy có những lợi thế ở thị trường trong nước nhưng lại không nhanh nhạy trong việc nắm bắt nhu cầu ở thị trường xuất khẩu và chưa có đủ khả năng tạo kênh phân phối bài bản sang thị trường nước ngoài. Do đó, trong việc xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản sang Trung Quốc, mặc dù nước ta có nguồn hàng nhưng doanh nghiệp, thương nhân Việt Nam thường bị động, phụ thuộc nhiều vào phía Trung Quốc cả về số lượng hàng hóa và giá bán.
Ông An cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, sự yếu kém của doanh nghiệp Việt Nam không hẳn do thiếu vốn và lãi suất cao nên không thể cạnh tranh trong việc mua bán với doanh nghiệp nước ngoài: “Thực ra vấn đề không phải là thiếu tiền mà ở đây là vấn đề năng động, chưa nói đến vốn nhưng về năng động thì có thể thấy, lợi thế so sánh của tỉnh nhà, như vải ở Bắc Giang đã có tiếng từ rất lâu, nhưng tại sao không tìm được đầu ra cho nông dân là điều đáng phải suy nghĩ. Chúng ta cũng chưa có một cái nhìn dài hơi và sự đầu tư đúng mức nên chỉ có thể gia công, xuất thô theo kiểu ăn xổi mà thôi, nên đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp nước ngoài đến “tận cửa nhà” để thu mua hàng hóa”.
Thu Hường - Hữu Vinh