Thương mại điện tử - Bài 2: Càng dễ dãi, càng rủi ro

Gần đây, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) nhận được nhiều khiếu nại của người tiêu dùng mua hàng qua mạng về chất lượng hàng hóa.

 

Cần có ý thức tự bảo vệ khi mua hàng trên mạng.

Tuy nhiên, do người tiêu dùng thiếu ý thức tự bảo vệ bản thân và những quy định pháp lý còn có kẽ hở nên khi phát sinh tranh chấp hoặc mâu thuẫn quyền lợi thì việc giải quyết những vụ việc này lại không dễ dàng.

 

Theo thống kê của các hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay các đơn vị tiếp nhận hàng chục lá đơn và điện thoại khiếu nại về việc bị lừa khi mua hàng trên sàn thương mại điện tử, các trang web bán hàng.


Ông Nguyễn Mạnh Hùng Vinastas, cho biết: “Hầu hết nạn nhân ở các sự vụ này đều cả tin chuyển tiền cho chủ những gian hàng ảo trên mạng rồi không nhận được hàng hoặc nhận được hàng kém chất lượng không như quảng cáo trên mạng. Đến khi biết bị lừa đi khiếu nại thì nhiều chủ gian hàng lặn mất tăm hoặc ậm ừ cho qua chuyện khiến việc đòi quyền lợi cho người tiêu dùng rất khó khăn”.


Hiện nay, Nhà nước đã ban hành các luật về thương mại điện tử, bảo vệ người tiêu dùng, luật chất lượng sản phẩm hàng hóa. Các luật này cho phép và khuyến khích người tiêu dùng bị lừa đảo có thể khởi kiện nhưng việc này cũng rất khó khăn do ở nhiều trường hợp, khi nhận hàng người tiêu dùng cũng không mấy lưu tâm đến việc giữ các giấy tờ hóa đơn, bảo hành sản phẩm. Thậm chí có người tiêu dùng khi mua phải hàng không ưng ý cũng ngại khiếu nại vì nghĩ rắc rối, mất thời gian.


Để hạn chế tranh chấp, khiếu nại trong giao dịch thương mại điện tử, theo Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) thì doanh nghiệp khi kinh doanh trên mạng phải cung cấp cho người tiêu dùng những thông tin chi tiết về doanh nghiệp của mình như địa chỉ, số đăng ký kinh doanh, các điều khoản hợp đồng...; mô tả hàng hóa - dịch vụ, công bố chi tiết giá cả và các chi phí phát sinh liên quan, đặc biệt lưu ý trường hợp thanh toán trực tuyến, đồng thời phải có cơ chế xác nhận trước khi hợp đồng được giao kết: cho phép khách hàng rà soát hợp đồng trước khi quyết định; thủ tục chấm dứt hợp đồng...


Tuy nhiên, theo khảo sát của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin mới đây tại 50 trang web thương mại điện tử có tiếng của Việt Nam thì 96% các trang web có mô tả khá rõ ràng về hàng hóa, dịch vụ cung cấp, đăng tải giá sản phẩm... nhưng chỉ có 38% công bố rõ ràng cơ cấu giá.


Chỉ có 8% là công bố đầy đủ các điều khoản giao dịch, nhưng có đến 46% không công bố bất kỳ một điều khoản nào. 98% không đưa đầy đủ thông tin cơ bản của thương nhân (tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại, e - mail, giấy phép đăng ký kinh doanh) và 96% không công bố cơ chế giải quyết tranh chấp. Chỉ có 12% công bố chính sách bảo vệ thông tin cá nhân, 6% xây dựng cơ chế cho phép khách hàng lựa chọn hoặc từ chối cung cấp thông tin cá nhân...


Các con số nêu trên cho thấy ngay cả doanh nghiệp cũng chưa chuyên nghiệp trong việc kinh doanh trên mạng. Vì thế, “Để hạn chế rủi ro và tự bảo vệ mình khi tham gia giao dịch thương mại điện tử, người mua phải tập có thói quen xem xét tất cả các thông tin cơ bản về chủ trang web, thông tin về các điều khoản giao dịch, chính sách bán hàng, sự chứng nhận của tổ chức có uy tín... trước khi quyết định mua hàng”, ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin khuyến cáo.


Bà Vũ Thị Bạch Nga, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cũng khuyến cáo, người tiêu dùng nên chủ động bảo vệ mình bằng cách tuân theo khuyến cáo: lựa chọn những địa chỉ thương mại điện tử uy tín, có điều khoản sử dụng và hợp đồng, chính sách hoàn trả, bảo hành, phí thanh toán, vận chuyển rõ ràng.


Đặc biệt, người tiêu dùng tuyệt đối không trả lời bất kỳ email nào đòi cung cấp thông tin tài chính cá nhân, thường xuyên liên hệ với ngân hàng để đóng thẻ kịp thời nếu số tiền trong tài khoản bị hao hụt không rõ nguyên nhân...



Thu Hường - Lê Nghĩa

 

Bài cuối: Cần siết chặt quản lý

Thương mại điện tử-bài 1: Những cái bẫy
Thương mại điện tử-bài 1: Những cái bẫy

Trong những năm qua, các cá nhân và doanh nghiệp ngày càng quan tâm và đầu tư mạnh tay hơn cho hoạt động mua bán, giao dịch bằng thương mại điện tử.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN