Thương mại điện tử-bài 1: Những cái bẫy

Trong những năm qua, các cá nhân và doanh nghiệp ngày càng quan tâm và đầu tư mạnh tay hơn cho hoạt động mua bán, giao dịch bằng thương mại điện tử. Tuy nhiên, hoạt động thương mại điện tử cần một hành lang pháp lý an toàn hơn để vừa thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, vừa bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng.

 

Bài 1: Những cái bẫy khi mua hàng qua mạng

 

Với những ưu điểm như tiện lợi, nhanh chóng, không mất nhiều thời gian... nên người tiêu dùng ngày càng có xu hướng mua sắm hàng hóa và dịch vụ qua mạng. Tuy nhiên, nếu không cảnh giác và tự bảo vệ bản thân thì người tiêu dùng rất dễ bị lừa đảo, mắc bẫy.

 

Bẫy mua hàng giá rẻ


Chỉ cần click (bấm) chuột vào những địa chỉ mua sắm trên mạng hiện nay như: cungmua, muachung, nhommua, vatgia... khách hàng dễ dàng nhận thấy sự phong phú của các loại sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, từ quần áo thời trang, thực phẩm, hóa mỹ phẩm, đến hàng điện tử, dược phẩm... Sự bùng nổ và phát triển nhanh chóng của các trang web mua sắm qua mạng là minh chứng rõ nét nhất cho việc người tiêu dùng đang chuyển hướng mạnh sang xu hướng mua hàng qua mạng.


 

Mua hàng qua mạng thu hút được nhiều dân văn phòng quan tâm.

 

Chị Thanh Tâm, nhân viên của một công ty bảo hiểm tại Hà Nội cho biết: “Mua hàng qua mạng rất tiện lợi vì chủng loại hàng hóa phong phú, dễ tìm kiếm. Nhiều khi chỉ ngồi ở văn phòng hay ở nhà cũng tranh thủ mua hàng, đặt hàng thoải mái”. Chị Thanh Tâm và các nhân viên cùng công ty còn có chung sở thích mua hàng theo nhóm để được khuyến mại, giảm giá cao.


Các trang web mua sắm trực tuyến còn thu hút người tiêu dùng vì thường xuyên có các chương trình khuyến mại, giảm giá “khủng”. Nhiều sản phẩm thời trang của các thương hiệu nổi tiếng được rao bán trên mạng với giá chỉ bằng 1/3, thậm chí 1/5 so với giá hàng bán tại các đại lý. Một lọ nước hoa của một hãng hàng hiệu nổi tiếng được rao bán trên mạng chỉ với giá trung bình từ 300.000 - 500.000 đồng/chai, trong khi giá ở thị trường đắt gấp 3 - 4 lần.


Nhiều nhà kinh doanh trên mạng lý giải, kinh doanh trên mạng đỡ tốn kém chi phí hơn, nhất là chi phí mặt bằng kinh doanh nên giá bán rẻ hơn nhiều so với ở các siêu thị, điểm bán lẻ. Tuy nhiên, thực tế không hẳn như vậy. Một đại diện của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho biết, không loại trừ khả năng hàng giá rẻ cũng đồng nghĩa với mua hàng giả, hàng nhái, hàng sửa đát. Mới đây hãng mỹ phẩm danh tiếng đến từ Pháp, L’Oréal đã phát hiện nhiều website quảng cáo và chào bán các sản phẩm mang nhãn hiệu của L’Oréal với giá rẻ bất ngờ. Nhà phân phối đã tiến hành kiểm tra và kết quả đúng như dự đoán khi hầu hết sản phẩm đều là hàng nhái, hàng giả.


Nâng giá bán lên để rồi tung chiêu khuyến mại khủng cũng là một cách thu hút người tiêu dùng khá phổ biến của một số trang web mua sắm trực tuyến. Anh Duy ở 193/24B Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, TP Hồ Chí Minh vẫn chưa hết khó chịu khi nhớ lại câu chuyện mua hàng trên mạng chỉ cách đây vài ngày. Trong một lần lên mạng, anh vào website cungmua.com đang gây “sốt” trong giới công nhân viên chức, văn phòng hiện nay về giảm giá “khủng”. Để đăng ký mua 2 bình nước giữ nhiệt độ nóng, lạnh có giá hơn 100.000 đồng/bình. “Tuy nhiên tại khu vực chuyên bán đồ gia dụng ở đường Nguyễn Phúc Nguyên, giá cái bình đó chỉ có giá 65.000 đồng/bình.


Nguy cơ bị mất thông tin cá nhân


Khi mua hàng qua mạng, người tiêu dùng phải cung cấp những thông tin cá nhân như tài khoản ngân hàng, bệnh án, sở thích, số tài khoản, địa chỉ IP máy tính... Đây là những thông tin rất nhạy cảm. Vì thế, Luật Giao dịch điện tử, điều 46 ghi rõ cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn các biện pháp bảo mật phù hợp với quy định của pháp luật khi tiến hành giao dịch điện tử. Theo đó, các cơ quan, tổ chức, cá nhân không được sử dụng cũng như cung cấp hoặc tiết lộ thông tin về bí mật đời tư hay thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà mình tiếp cận nếu không được sự đồng ý của khách hàng.


Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin, thời gian gần đây, cùng với sự bùng nổ về thương mại điện tử, ở Việt Nam đã xuất hiện nhiều hiện tượng vi phạm về dữ liệu cá nhân. Lướt qua rất nhiều website thương mại điện tử và website của các doanh nghiệp Việt Nam, bên cạnh những trang có uy tín thì phần lớn các website khác không có một cam kết hay tuyên bố gì về việc đảm bảo giữ bí mật các thông tin cá nhân mà họ thu thập được khi khách hàng điền những thông tin về mình khi mua hàng. Khách hàng cũng không được biết những thông tin điền vào sẽ được sử dụng cho mục đích gì ngoài việc phục vụ cho giao dịch thương mại đang tiến hành.


Việc lơi lỏng trong những chính sách về bảo vệ thông tin cá nhân cũng là mối nguy hại rất lớn đối với người tiêu dùng. Những vụ lấy trộm thông tin về tài khoản ngân hàng, làm giả thẻ thanh toán để mua hàng trên mạng hay rút tiền mà báo chí đã đăng tải trong thời gian qua là một biểu hiện cụ thể về tác hại của thông tin cá nhân bị xâm phạm, tiết lộ, gây thiệt hại không nhỏ đến tài sản, lợi ích của người thực hiện giao dịch.


Thu Hường - Lê Nghĩa

 

Bài 2: Càng dễ dãi thì càng dễ bị rủi ro

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN