Đường hằn lún vệt bánh xe sau thời gian ngắn đưa vào khai thác không chỉ gây ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng, giảm hiệu quả đầu tư mà còn gây thiệt hại ngân sách doanh nghiệp và nhà nước. Qua thử nghiệm thực tế, một số chủ đầu tư đã đề xuất với Bộ GTVT “bài thuốc” chống hằn lún đường để khắc phục tình trạng này.
Nhà thầu bỏ tiền túi đền
Qua tìm hiểu của phóng viên, hàng loạt các tuyến quốc lộ (QL) như: Đoạn Vinh - Hà Tĩnh, Thanh Hóa - Nha Trang, QL 18, Hà Nội - Lào Cai, mặt cầu Thăng Long, Thanh Trì, Bãi Cháy... sau thời gian ngắn hoàn thành, đưa vào khai thác đã xuất hiện tình trạng mặt đường bị trồi sụt, hằn lún vệt bánh xe. Tình trạng này chủ yếu được các nhà thầu lý giải là do trong quá trình thi công lớp vật liệu bê tông nhựa, khâu giám sát, tuân thủ quy trình sản xuất, tổ chức thi công, nghiệm thu lớp bê tông nhựa... chưa chặt chẽ, dẫn đến quá trình thảm không tương thích với nhiệt độ trộn, nhiệt độ rải, nhiệt độ lu lèn. Hệ quả là mặt đường bị hằn lún, trồi sụt dưới tác động của nhiệt độ cao và xe quá tải.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia giao thông khẳng định: Điều kiện thổ nhưỡng, vùng miền, khí hậu khác nhau, nếu không được nhà đầu tư nghiên cứu trước, tính toán kỹ để tìm hiểu vật liệu sản suất nhựa, cũng sẽ làm ảnh hưởng đến thiết kế, kết cấu mặt đường sau khi thảm. Vì vậy, trách nhiệm của nhà đầu tư trong quá trình khảo sát, nghiên cứu, thiết kế tuyến đường đóng vai trò quyết định hiệu quả khai thác, sử dụng.
Trước thực tế này, để gắn trách nhiệm nhà đầu tư với hiệu quả khai thác từng tuyến đường, Bộ GTVT đã thực hiện kiểm soát rất chặt chẽ vấn đề bảo hành công trình bằng việc nâng thời hạn bảo hành công trình từ 2 năm trước đây lên 4 năm.
Bộ GTVT đã thành lập Tổ giám sát đặc biệt, vào tận các mỏ đá, trạm trộn bê tông để kiểm tra nguồn nguyên liệu đầu vào của từng công trình. |
Với đoạn tuyến QL 1 Thanh Hóa - Hà Tĩnh, khánh thành tháng 1/2014, nhưng vừa đưa vào khai thác hơn hai tháng đã xuất hiện hằn lún, mặt đường trồi sụt. Bộ GTVT đã yêu cầu chủ đầu tư (Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4) cào bóc phần mặt đường bị lún sâu trên 2,5 cm và thảm lại bằng nhựa polymer. Đối với những đoạn mặt đường bị lún trong mức cho phép, Bộ GTVT yêu cầu chủ đầu tư và các nhà thầu tiếp tục quan sát, theo dõi để đưa ra các biện pháp xử lý.
Hay như dự án BOT nâng cấp, cải tạo QL18 đoạn Uông Bí - Hạ Long mới đưa vào khai thác cuối năm 2014, chưa đầy hai tháng đã bị hằn lún vệt bánh xe. Nguyên nhân được xác định là do việc sử dụng tràn lan các mỏ đá khai thác phục vụ cho sản xuất bê tông nhựa, trong khi nhiều mỏ đá không đủ tiêu chuẩn để sản xuất đá cho bê tông nhựa. Chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đại Dương đã phải bỏ tiền ra khắc phục.
Sử dụng phụ gia ngay tại trạm trộn
“Dưới nền nhiệt độ mùa hè, tại nhiều địa phương, nắng nóng đỉnh điểm có thể tạo ra nhiệt độ lên tới 60 độ C trên nền mặt đường. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nhựa bê tông khi đưa vào thảm”, ông Trần Phúc Tự, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Đèo Cả Khánh Hòa cho biết. Vì vậy, để đảm bảo chất lượng thảm, nhựa thảm trên các đoạn tuyến thi công của công ty đều được trộn phụ gia ngay tại trạm sản xuất, trước khi đưa vào thảm. Điều này có thể ngăn chặn từ xa tình trạng hằn lún mặt đường sau này.
Theo ông Trần Phúc Tự, cốt liệu đá phục vụ sản xuất bê tông nhựa có tính hút nhựa kém và phải dùng thêm phụ gia tăng độ dính bám, nhờ vậy độ kìm lún tăng lên. Đánh giá ưu nhược điểm của phương pháp này, các chuyên gia hàng đầu về bê tông nhựa của Bộ GTVT có chung nhận định, kết hợp với phụ gia ngay tại trạm trộn khi sản xuất bê tông nhựa là giải pháp tối ưu để vừa đảm bảo chất lượng công trình, vừa tiết kiệm được kinh phí cho dự án. Giải pháp này đang được Bộ GTVT tiến hành thực nghiệm trong phòng thí nghiệm và hiện trường để xây dựng quy trình thi công thống nhất, kiểm tra và nghiệm thu các dự án giao thông, nhằm tiến tới thực hiện đại trà.
"Tâm lý chung của các chủ đầu tư, nhà thầu tại các dự án, công trình giao thông hiện nay là cố gắng hết sức làm sao để bảo đảm chất lượng, nếu không muốn bị mất tiền để khắc phục, không còn chuyện làm cho xong như trước. Công nghệ thi công các công trình cũng chưa bao giờ hiện đại, thuận tiện như bây giờ, nhiều giải pháp mới được đưa vào công trường, để hạn chế thấp nhất tình trạng phải bảo trì sau khai thác”, ông Hoàng Hà, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ GTVT) cho biết.