Thúc đẩy vận chuyển hàng hóa và du lịch vùng Duyên hải miền Tây Nam Bộ

Tuyến đường động lực TP Hồ Chí Minh - Long An - Tiền Giang hay được gọi là đường 827E, là trục giao thông mang tính chiến lược, góp phần thúc đẩy vận chuyển hàng hóa, phát triển du lịch các tỉnh vùng Duyên hải miền Tây Nam Bộ.

Chú thích ảnh
Các ngành chức năng Long An khảo sát tuyến đường Tân Trụ.

Long An là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và là cửa ngõ nối liền Đông Nam Bộ với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là có chung đường ranh giới với TP Hồ Chí Minh. Bằng hệ thống Quốc lộ 1A, Quốc lộ 50, Quốc lộ 62, Quốc lộ N1 và N2 thuộc đường Hồ Chí Minh, đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa nông sản lớn nhất của Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, các đường này vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu giao thương. Trục động lực giao thông TP Hồ Chí Minh - Long An - Tiền Giang hình thành góp phần thúc đẩy vận chuyển hàng hóa, phát triển du lịch các tỉnh vùng Duyên hải miền Tây Nam Bộ.

Thuận lợi giao thông - phát triển du lịch

Tuyến đường động lực TP Hồ Chí Minh - Long An - Tiền Giang hay được gọi là đường 827E là trục giao thông mang tính chiến lược. Tỉnh Long An là địa phương có tuyến đường dài nhất, được bắt đầu từ huyện Châu Thành, Tân Trụ, Cần Đước và Cần Giuộc với chiều dài toàn tuyến hơn 35 km .

Phó chủ tịch UBND huyện Tân Trụ, ông Trịnh Phước Trung cho biết, tuyến đường động lực 827E đi có khả năng đi ngang 3 xã Đức Tân, Nhựt Ninh và Tân Phước Tân của huyện Tân Trụ. Tuyến đường này hình thành, trở thành tuyến huyết mạch của tỉnh và sẽ chấm dứt khó khăn cho huyện Tân Trụ.

Cụ thể, Tân Trụ được xem như là bán đảo, không có đường nối huyết mạch giao thông với các huyện trong tỉnh vì bị ngăn cách 2 con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây.

Tuyến 827E hình thành, huyện sẽ có 2 cây cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây, sẽ mở ra cho Tân Trụ một con đường phát triển rất tốt. Đồng thời, huyện cũng phát huy được lợi thế của 2 con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây mà trước đây Tân Trụ chưa thể khai thác được.

Ủy ban nhân dân huyện Tân Trụ định hướng ven con sông Vàm Cỏ Đông sẽ phát triển công nghiệp, vì đây là vùng đất có lợi thế phát triển công nghiệp. Còn ven sông Vàm Cỏ Tây, huyện phát triển các khu biệt thự nhà vườn, hoặc các khu dân cư, hay các khu du lịch sinh thái, do tuyến đường này rất thuận lợi cho người dân từ TP Hồ chí Minh đến Tân Trụ với quãng đường khá ngắn, chỉ từ 20 - 30 km.

“Trong vòng 5 - 10 năm, đường 827E thông tuyến, huyện không còn bị chia cắt giao thông giữa các vùng trong tỉnh; đồng thời, tạo điều kiện huyện vừa phát triển công nghiệp, vừa phát triển dịch vụ du lịch dẫn đến kinh tế của huyện chắc chắn sẽ ngày càng khởi sắc lên”, Phó chủ tịch UBND huyện Tân Trụ Trịnh Phước Trung khẳng định.

Ông Nguyễn Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Long An cho biết, hiện nay Ủy UBND tỉnh Long An đã giao Sở Giao thông Vận tải kết hợp với các sở, ngành tỉnh để điều chỉnh và bổ sung quy hoạch. Đây là loại đường phố chính đô thị, tốc độ thiết kế 80 km/h, quy mô 10 làn xe, rộng 300 m; trong đó, phần đường giao thông 100 m, mỗi bên thu hồi 100 m tạo quỹ đất làm nguồn lực để đầu tư phát triển.

Ngoài ra, trên tuyến đường này có 3 cây cầu lớn vượt sông Cần Giuộc, sông Vàm Cỏ Đông và sông Vàm Cỏ Tây.Tỉnh Long An đang chuẩn bị bước kêu gọi nhà đầu tư và làm các thủ tục pháp lý theo đúng qui định.

Cũng theo ông Nguyễn Hoài Trung, khi tuyến động lực TP Hồ Chí Minh - Long An - Tiền Giang đưa vào sử dụng là một thành công rất lớn đối với các tỉnh. Tuyến này đã được xác định là một tuyến chiến lược không những phục vụ cho TP Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang mà còn phục vụ cho việc đi lại, giao thương vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh miền Duyên Hải Cà Mau, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang; đồng thời, chia sẻ bớt các tuyến đường quốc lộ và đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương hiện hữu.

Khẩn trương đầu tư xây dựng trục động lực

Trục động lực kết nối TP Hồ Chí Minh - Long An - Tiền Giang hay còn gọi là trục động lực 827E, được kết nối từ Ngã ba Trung Lương tỉnh Tiền Giang đến đường Phạm Hùng TP Hồ Chí Minh. Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 55 km; trong đó, đoạn qua TP Hồ Chí Minh dài 5,8 km, qua tỉnh Long An khoảng 34,5 km và Tiền Giang là 14,2 km.

Tổng vốn đầu tư cho tuyến đường  khoảng 20.000 tỷ đồng  từ kinh phí mỗi tỉnh. Mỗi tỉnh sẽ đầu tư trên phần đường của địa phương mình. Riêng 3 cây cầu bắc qua sông Cần Giuộc, Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây thuộc tỉnh Long An có tổng vốn đầu tư 2.200 tỷ đồng, tỉnh đã kiến nghị Trung ương hỗ trợ.

Để trục đường sớm đi vào sử dụng, trước đó UBND tỉnh có Quyết định quy hoạch và bổ sung quy hoạch giao thông đường bộ vào vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh, Bộ Giao thông Vận tải có Công văn số 9207/BGTVT-KHĐT, ngày 30/9/2019, chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu bổ sung trục động lực kết nối TP Hồ Chí Minh - Long An - Tiền Giang vào quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị UBND tỉnh phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư bổ sung tuyến đường này vào Quy hoạch Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam theo quy định của Luật Quy hoạch.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đồng ý nghiên cứu, xem xét việc bổ sung Trục động lực kết nối TP Hồ Chí Minh - Long An - Tiền Giang vào Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sau khi có ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan có liên quan theo quy định.

Theo sở Giao thông Vận tải tỉnh Long An, hiện ngành giao thông và các ngành chức năng đang khẩn trương hoàn thành các khâu thủ tục pháp lý, chuẩn bị đầu tư… để đến đầu năm 2021, hoàn tất các điều kiện và kêu gọi đầu tư. Dự kiến công trình sẽ cơ bản hoàn thành, đưa vào hoạt động trong giai đoạn 2021 - 2025.

Ông Nguyễn Văn Được, Bí thư Tỉnh ủy Long An cho rằng, tuyến trục động lực 827E trên khi được hoàn thành, không chỉ để phục vụ cho sự phát triển các huyện phía Nam của tỉnh như Cần Đước, Cần Giuộc, Châu Thành, Tân Trụ, mà còn mở ra triển vọng cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long và trước mắt là TP Hồ Chí Minh qua Long An và xuống Tiền Giang. Đường động lực sẽ góp phần giải toả áp lực giao thông của Quốc lộ 1A cũng như đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương và các tuyến quốc lộ khác đi qua địa bàn tỉnh. 

Cũng theo ông Nguyễn Văn Được, trục động lực 827E hoàn thành sẽ đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của cả khu vực duyên hải miền Tây. Phù hợp với định hướng phát triển mạng lưới giao thông ven biển, kéo miền Tây Nam Bộ về gần với TP Hồ Chí Minh để hoà nhịp vào vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây là điều kiện để Long An bứt phá vươn lên trong phát triển kinh tế và thu thu hút đầu tư vào tỉnh trong thời gian tới.

Bài và ảnh: Thanh Bình (TTXVN)
Long An phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông
Long An phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông

Xác định hệ thống giao thông có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhiều năm qua, tỉnh Long An tập trung các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông tại địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN