Các mô hình nhỏ sử dụng phụ phẩm, chất thải của hoạt động trồng trọt, chăn nuôi để làm nguyên liệu bắt đầu chu kỳ sản xuất mới, trong khi đó, một số doanh nghiệp đầu tư các trang trại quy mô, kết hợp trồng trọt, chăn nuôi, tái chế toàn bộ phụ phẩm phục vụ lại cho chu kỳ sản xuất tiếp theo.
Từ sản xuất nhỏ
Tiến sĩ Nguyễn Bảo Thoa, Viện Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp nông thôn Việt Nam, Giám đốc Dự án Eco -Fair cho biết, khái niệm kinh tế tuần hoàn được nghiên cứu và triển khai nhằm mục tiêu sử dụng tài nguyên hiệu quả để phát triển bền vững. Cụ thể, nguồn tài nguyên sử dụng vào hoạt động sản xuất phải được chế biến sâu, tái sử dụng; tái chế phụ phẩm, chất thải; tối ưu nguyên liệu đầu vào và tăng cường sử dụng năng lượng sạch.
Thời gian qua, thông qua việc triển khai Dự án phát triển sản phẩm chế biến nông sản sinh thái – công bằng và sử dụng phụ phẩm trong sản xuất tuần hoàn nhiều mô hình kinh tế đã ra đời mà nguồn nguyên liệu lại chính được sử dụng lại là chất thải của hoạt động sản xuất khác. Điển hình như mô hình sản xuất của Hợp tác xã Bản Luông (Bắc Kạn), sử dụng bã dong riềng từ các cơ sở chế biến dong riềng để nuôi ruồi lính đen - một loại côn trùng có giá trị dinh dưỡng cao dùng làm thức ăn chăn nuôi. Ứng dụng than sinh học làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi, cải tạo đất và ủ phân compost cho trồng trọt hữu cơ.
Hay mô hình chế biến phụ phẩm thành các sản phẩm chất lượng cao tại Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu TPH (TP Hồ Chí Minh) với hai sản phẩm rất độc đáo là dầu cá hồi từ xương cá hồi và sản xuất trà cascara từ vỏ cà phê. Theo đó, xương cá hồi dù chỉ là phụ phẩm trong quá trình chế biến cá hồi nhưng có hàm lượng omega, Vitamine A, DHA… Xương cá hồi sau khi được sơ chế, xây nhuyễn, xử lý enzym, lên men bằng men TPH sẽ lọc được sản phẩm là dầu cá hồi - sản phẩm có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao.
Tương tự với vỏ quả cà phê, chủ yếu được ủ mục để bón cho cây trồng nhưng khi được xử lý qua enzym và lên men trà lại cho ra sản phẩm trà cascara.
Không chỉ có những mô hình nối dài chuỗi giá trị từ phụ phẩm, gần đây đã xuất hiện các trang trại tổ chức theo chuỗi khép kín. Hợp tác xã Ngũ Thường Mekong (xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) là mô hình tiêu biểu cho sản xuất nông nghiệp khép kín trên diện tích chỉ 1 ha. Đây là một trong những trang trại đầu tư mô hình nông nghiệp tuần hoàn một cách bài bản nhất trên địa bàn tỉnh Hậu Giang và hầu như không đưa chất thải trong quá trình sản xuất ra môi trường.
Bà Lữ Thị Nhật Hằng, Giám đốc Hợp tác xã Ngũ Thường Mekong cho biết, vùng Đồng bằng sông Cửu Long là vựa sản xuất lúa gạo lớn nhất cả nước, đồng nghĩa cũng tạo ra lượng lớn rơm rạ sau các mùa gặt. Xuất phát từ suy nghĩ làm thế nào để tận dụng hiệu quả nguồn phụ phẩm sẵn có này, Hợp tác xã Ngũ Thường Mekong tiến hành xây dựng mô hình nông nghiệp tuần hoàn.
Với đầu vào là rơm rạ bỏ đi sau thu hoạch lúa được sử dụng để trồng nấm; sau khi thu hoạch nấm, bã rơm được ủ để làm thức ăn nuôi trùn quế, trồng rau sạch và trồng cỏ voi làm thức ăn cho bò. Trùn quế sẽ cho ra sản phẩm phân trùn quế và cũng được dùng làm thức ăn cho gia cầm, thủy sản. Ngược lại, chất thải từ chăn nuôi bò, gia cầm và rơm được dùng làm thức ăn cho trùn quế. Ngoài ra, nước thải từ chăn nuôi bò, từ ao cá được xử lý triệt để tại hồ chứa và được dẫn đến khu vực trồng cỏ voi để tự thẩm thấu trong đất.
Đến trang trại lớn
Khởi đầu từ hoạt động liên kết trồng - chế biến nha đam xuất khẩu với Nhà máy chế biến thực phẩm Cánh Đồng Việt (thành phố Phan Rang – Tháp Chàm) đến nay Công ty TNHH Thực phẩm G.C (G.C Food) đã kéo dài chuỗi giá trị đến Trang trại Nắng và Gió tại xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Bình Thuận với vòng tuần hoàn khép kín, hầu như không bỏ phí thứ gì thải ra từ hoạt động trồng trọt, chăn nuôi và chế biến.
Ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm G.C cho biết, chuỗi nông nghiệp tuần hoàn được hình thành từ việc phát triển vùng nguyên liệu nha đam, loại cây đặc thù của vùng đất Ninh Thuận phục vụ cho việc chế biến nha đam xuất khẩu đi các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc…
Với công suất chế biến mỗi ngày từ 100 -150 tấn lá nha đam, nhà máy chế biến thực phẩm Cánh Đồng Việt thải ra lượng lớn vỏ nha đam cùng với các bẹ lá bị loại do không đủ tiêu chuẩn chế biến. Lượng phụ phẩm này nếu không được xử lý sẽ gây ô nhiễm môi trường rất nặng.
Để không lãng phí, tất cả vỏ, bẹ nha đam từ nhà máy được thu gom, ủ men vi sinh, phối trộn cùng phân gia súc để tạo ra phân hữu cơ bón cho vùng nha đam nguyên liệu, vườn nho, vườn táo và cả đồng cỏ để nuôi bò và cừu tại Trang trại Nắng và Gió.
Tiếp đó, chất thải từ trang trại bò, cừu ngoài việc được xử lý thành phân bón hữu cơ và phần còn lại dùng làm thức ăn nuôi trùn quế. Phân trùn quế là loại phân bón hữu cơ cao cấp được dành riêng cho trang trại trồng dưa lưới đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Các loại trái cây táo, nho, dưa lưới không đạt chuẩn đưa ra thị trường hay chế biến sẽ được gom làm thức ăn cho bò, cừu. Như vậy, chuỗi nuôi - trồng - chế biến của G.C food tạo thành vòng tuần hoàn luân chuyển liên tục, khép kín, các phụ phẩm được sử dụng một cách triệt để.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Huy Long An nổi tiếng với sản phẩm chuối FOHLA (trồng tại Long An, Đồng Nai, Bình Dương) xuất khẩu đi các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Phía sau những trái chuối đạt chuẩn GlobalGAP được các thị trường khó tính chấp nhận là một chuỗi sản xuất có trên diện tích 240 ha được thiết kế bài bản để không lãng phí bất cứ thứ gì, kể cả cỏ dại.
Trang trại Huy Long An tại xã Mỹ Bình, huyện Đức Huệ, Long An là chuỗi nông nghiệp tuần hoàn hoàn chỉnh; trong đó có hơn 150ha trồng chuối già Nam Mỹ, 40 ha trồng bưởi và măng cụt, trang trại bò có sức chứa 7.000 - 8.000 con. Chuỗi tuần hoàn vận hành từ những trái chuối không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu được loại ra dùng làm thức ăn cho đàn bò. Lượng phân bò thải ra được đưa qua khu vực phơi khô, phun chế phẩm sinh học để xử lý, phối trộn tạo thành phân hữu cơ bón lại cho vườn chuối, bưởi, măng cụt và đồng cỏ cho bò ăn. Phần cỏ dại mọc trong vườn cây ăn trái sau khi cắt gọn sẽ được xay nhỏ, ủ để tạo sinh khối giúp tăng độ ẩm và tơi xốp cho đất.
Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An chia sẻ, việc tổ chức mô hình nông nghiệp tuần hoàn không phải chủ đích từ đầu mà xuất phát từ yêu cầu cải tạo vùng đất nhiễm phèn để cứu các loại cây trồng. Sau nhiều lần dùng hoá chất xử lý thất bại, ông quyết định thử dùng phân hữu cơ và thành công. Tuy nhiên, nguồn phân hữu cơ trên thị trường rất ít và giá thành lại cao. Để chủ động được nguồn phân hữu cơ, ông xây dựng trang trại nuôi bò và ứng dụng chế phẩm sinh học để xử lý phân bò thành phân hữu cơ đạt chuẩn cho trồng trọt theo tiêu chuẩn GlobalGAP.
“Qua thời gian, mô hình nông nghiệp tuần hoàn của trang trại đã chứng minh được hiệu quả một cách toàn diện cả về chất lượng các sản phẩm tạo ra trong chuỗi, tăng giá trị kinh tế và đáp ứng các yêu cầu về môi trường để phát triển bền vững”, ông Võ Quan Huy khẳng định.
Bài 3: Chìa khoá quản lý tài nguyên