Theo đại diện Bộ Tài chính, ước tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong 7 tháng năm nay đã tăng nhiều so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng vẫn còn có tới 40/52 Bộ, cơ quan Trung ương và 24/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 35% (tỷ lệ trung bình của cả nước), trong đó có 32 Bộ, cơ quan Trung ương và 4 địa phương chi giải ngân được dưới 20% kế hoạch vốn.
Tổng kế hoạch vốn năm 2023 là trên 808.179 tỷ đồng (bao gồm kế hoạch vốn kéo dài các năm trước chuyển sang). Ước thanh toán từ đầu năm đến hết tháng 7/2023 là trên 284.238 tỷ đồng, đạt 35,17% kế hoạch.
"Việc khởi công nhiều công trình trọng điểm lớn, cùng nỗ lực đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngay từ những ngày đầu năm, vốn đầu tư công được giải ngân trong tháng 7/2023 vừa được Tổng cục Thống kê (TCTK) công bố tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm nay, giá trị giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 300.000 tỷ đồng, đạt hơn 41% kế hoạch năm. Với tổng số vốn đầu tư công cần giải ngân trong năm 2023, tăng khoảng 25% so với kế hoạch năm 2022, nếu đưa được 90 - 95% số vốn này ra thị trường, tác động tới tăng trưởng kinh tế trong năm nay sẽ rất lớn”, TS Trần Du Lịch nhận xét.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết: Tỷ lệ ước giải ngân 7 tháng kế hoạch năm 2023 tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2022 (34,47%). Trong đó, vốn trong nước đạt 38,535 (cùng kỳ năm 2022 đạt 36,02), vốn nước ngoài đạt 21,475 (cùng kỳ năm 2022 đạt 11,9%).
Theo đó, có 12 bộ và 39 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên trung bình của cả nước. Một số Bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao là: Đồng Tháp (58,29%), Tiền Giang (56,30%), Long An (54,29%), Ngân hàng Phát triển (100%), Ngân hàng Nhà nước (63,38%), Ngân hàng Chính sách xã hội (62,75%), Viện Khoa học công nghệ Việt Nam (47,14%).
Tuy nhiên, hiện vẫn còn 40 Bộ và 24 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới tỷ lệ trung bình của cả nước; trong đó, có 32 bộ, cơ quan Trung ương và 4 địa phương chỉ giải ngân được dưới 20% kế hoạch vốn.
Trên cơ sở tổng hợp các vướng mắc theo báo cáo 7 tháng của các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương thì vẫn còn tồn tại một số vướng mắc khiến nhiều địa phương chưa có tỷ lệ giải ngân đạt cao. Cụ thể: Một số dự án chưa đủ thủ tục đầu tư, chưa phân bổ vốn và giải ngân kế hoạch năm 2023. Một số Bộ, cơ quan Trung ương đang đề nghị điều chỉnh giảm kế hoạch năm 2023 nên không thực hiện việc phân bổ và giải ngân trong kế hoạch năm 2023.
Các dự án sử dụng vốn nước ngoài chậm tiến độ do quy trình thực hiện đầu tư mua sắm thiết bị bằng nguồn vốn Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) có nhiều thủ tục và cần nhiều thời gian; phát sinh vướng mắc trong quá trình lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu do một số thiết bị tiên tiến chưa có báo giá trên thị trường để phục vụ cho công tác thẩm định giá.
Mặc dù tỷ lệ giải ngân của Việt Nam đang trên đà tăng, nhưng để đạt mục tiêu giải ngân từ 95 - 100% kế hoạch vốn được giao như Chính phủ đề ra, vẫn rất cần sự nỗ lực hơn nữa từ các Bộ, ngành, địa phương.
Bộ Tài chính tiếp tục đề nghị các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương tập trung chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc để triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm về giải ngân vốn đầu tư công, rà soát tổng hợp nhu cầu điều chỉnh kế hoạch vốn ngân sách trung ương, bao gồm cả số không phân bổ hết theo đúng chỉ đạo tại Nghị quyết số 97/NQ- CP ngày 8/7/2023 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023 và hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương.
Đặc biệt, lưu ý các Bộ, ngành, địa phương chủ động thực hiện điều chỉnh kế hoạch vốn kịp thời từ các dự án chậm giải ngân sang dự án có nhu cầu bổ sung vốn và có khả năng giải ngân theo đúng quy định.
"Các đơn vị phải giải quyết ngay hồ sơ, không để tồn đọng. Đặc biệt, Kho bạc Nhà nước (KBNN) các địa phương hỗ trợ chủ đầu tư tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Theo thống kê, trung bình mỗi ngày có khoảng 150.000 chứng từ được xử lý trên hệ thống, những ngày cuối năm số chứng từ có thể lên đến 350.000 - 400.000 chứng từ", ông Trần Mạnh Hà, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi (KBNN) nhấn mạnh.
Cũng theo ông Trần Mạnh Hà, hệ thống dịch vụ công trực tuyến của KBNN thời gian qua xử lý nhiều chứng từ nhất trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Chính phủ. Thông qua dịch vụ công, thời gian tiếp nhận xử lý hồ sơ, chứng từ được thể hiện cụ thể, rõ ràng và các chủ đầu tư có thể theo dõi. Quá trình giải ngân cũng được thực hiện một cách công khai, minh bạch, qua đó, góp phần đẩy nhanh công tác giải ngân vốn đầu tư công.
Báo cáo mới đây của TCTK cho hay: Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7 ước đạt 29,68 tỷ USD, tăng 0,8% so với tháng trước và giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 194,73 tỷ USD, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 7 tháng năm 2023, có 35 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 88,8% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 2 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 37,9%). Theo đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 52,4 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 58,6 tỷ USD.
“Về kim ngạch xuất khẩu, mặc dù kết quả 7 tháng qua vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 nhưng giá trị xuất khẩu trong tháng 7/2023 tiếp tục xu hướng tháng sau tăng so với tháng trước. Cùng với đó, tiêu dùng trong nước cũng tăng trưởng tích cực. Tính chung 7 tháng, tiêu dùng có mức tăng khá, hơn 10% so với cùng kỳ năm trước”, TS Trần Du Lịch phân tích.
Theo TCTK, trong 7 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.529,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Tháng 7/2023 là tháng cao điểm của mùa du lịch hè nên hoạt động bán lẻ hàng hoá và dịch vụ sôi động, doanh thu tăng, đặc biệt là du lịch.