Do đó, trong thời gian tới, để tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do và nâng cao năng lực thì việc thúc đẩy liên kết chuỗi là yêu cầu sống còn của ngành dệt may.
Ngày 25/6, tại Nam Định, Hiệp hội Dệt may Việt Nam tổ chức hội thảo “Thúc đẩy liên kết chuỗi trong ngành dệt may”.
Phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, dịch COVID-19 đã và đang tạo nên thách thức to lớn cho ngành dệt may. Tuy nhiên, chính đại dịch này cũng cho ngành dệt may bài học lớn và Chính phủ cũng như cộng đồng doanh nghiệp cần nhìn nhận và xem xét đánh giá lại những thiếu hụt trong chuỗi cung ứng.
Trong quý I, hàng loạt nguyên phụ liệu các doanh nghiệp ký kết với đối tác nước ngoài không nhập về được, nguồn cung bị gián đoạn và hiện nay thị trường xuất khẩu dệt may cũng bị phụ thuộc lớn vào thị trường nhập khẩu như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản...
“Chúng ta không làm chủ được cuộc chơi, từ nguyên liệu đến thị trường do người khác đang nắm trong tay. Nhưng cũng chính trong đại dịch thì cục diện cũng xoay chuyển một phần, đã có nhà nhập khẩu không muốn nhập hàng qua trung gian nữa mà muốn làm trực tiếp với doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam. Tuy nhiên, hạ tầng, chuỗi cung ứng, nhân lực... của chúng ta chưa đáp ứng được yêu cầu, họ cho chúng ta miếng bánh ngon nhưng chúng ta không ăn được”, ông Vũ Đức Giang cho biết.
Đại diện Hiệp hội Dệt may cho biết thêm, chuỗi liên kết của Việt Nam còn lỏng lẻo, không chặt chẽ dẫn đến chúng ta đang phụ thuộc những thị trường nhập khẩu nguyên liệu. Cùng với đó, sự chia sẻ và hợp tác của các doanh nghiệp trong nước còn lỏng lẻo và chưa thực sự là sợi dây liên kết hữu ích.
“Đại dịch là họa nhưng là cơ hội để định hình lại ngành công nghiệp dệt may và xây dựng chuỗi liên kết, tạo thành bó đũa vững chắc, thúc đẩy ngành dệt may phát triển”, ông Vũ Đức Giang nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập Khẩu, Bộ Công Thương cho biết, năm 2019, ngành dệt may xuất khẩu 39 tỷ USD, trong đó ngành may chiếm 32%, do ngành này là ngành không đòi hỏi nhiều yêu cầu, tận dụng nhân công... Đó là hiện trạng dẫn đến sự phát triển lệch, ngành may đạt thành tựu lớn nhưng công đoạn khác phát triển chưa mong muốn nên giá trị xuất khẩu lớn nhưng giá trị còn lại trong sản phẩm may không lớn, vì chúng ta mất quá nhiều chi phí cho nhập khẩu các khâu khác”, ông Trần Thanh Hải nhận định.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần May Sông Hồng cho biết: Hiện nay, nhu cầu và khả năng cung ứng của ngành dệt, may chưa tương thích đi vào một con đường. Do đó, cần có người cầm trịch, thống kê nhu cầu của ngành dệt may và khả năng đáp ứng để các doanh nghiệp may mặc, doanh nghiệp dệt có thể kết nối với nhau.
“Tôi đề xuất nhà nước cần giữa vai trò “bà đỡ”, xây dựng cơ sở hạ tầng vì điều này đòi hỏi nguồn vốn xây dựng quá lớn, doanh nghiệp không đủ sức làm. Nhà nước đứng ra xây dựng rồi thu tiền đầu tư từ thuế...Cùng với đó, cần sớm có quy hoạch vùng, quy hoạch lãnh thổ cho rõ ràng, vì hiện nay mạnh ai nấy làm, chỗ nào cũng có may nhưng không thành quy mô và đem lại hiệu quả”, ông Thịnh đề xuất.
Ông Thịnh đề xuất thêm, Hiệp hội Dệt may nên làm cuộc tổng điều tra nhu cầu giữa các doanh nghiệp, kết nối giữa doanh nghiệp dệt và may, tạo nên chuỗi liên kết bền vững cho ngành.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam kiến nghị, Bộ Công Thương sớm trình Chính phủ và ban hành Chiến lược phát triển ngành dệt may đến năm 2040, thậm chí Chính phủ cần quy hoạch, chỉ đạo các địa phương phát triển 3 vùng công nghiệp trọng điểm lớn tại 3 miền Bắc, Trung, Nam.