Cơ sở kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản xếp loại A/B tăng
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, hiện cả nước đã phát triển được 1.644 chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm, thuỷ sản an toàn trên toàn quốc; 2.300 sản phẩm đạt chuẩn theo bộ tiêu chí sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm).
Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản cho biết, tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm nông, lâm. thủy sản được xếp loại A/B đạt 98%, tăng 1% so với năm 2019. Tỷ lệ các cơ sở nhỏ lẻ ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm đạt 72%, tăng 8% so với năm 2019.
Đặc biệt, ngành đã ngăn chặn triệt để việc sử dụng chất cấm Salbutamol trong chăn nuôi, tỷ lệ mẫu thịt gia súc, gia cầm tại cơ sở giết mổ và kinh doanh nhiễm hóa chất, kháng sinh chiếm 0,32%, giảm so với năm 2019 (0,55%); tỷ lệ mẫu thủy sản nuôi và khai thác nhiễm hóa chất, kháng sinh, kim loại nặng giảm xuống còn 1,17% so với 1,24% năm 2019.
Các địa phương cũng đã phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao; kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm ngay từ các yếu tố đầu vào và đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, phát triển chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn trên toàn quốc.
Hiện nay, có 430.000 ha cây trồng được chứng nhận VietGAP với 6.045 doanh nghiệp được chứng nhận; 664 cơ sở nuôi thủy sản với diện tích nuôi trồng thủy sản 15.833 ha được cấp chứng nhận VietGAP và tương đương; 816 trang trại và 1.249 hộ chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP, tương đương với sản lượng 608.144 tấn thịt và 315.034 triệu quả trứng.
Giá lợn tăng do nhu cầu tăng
Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng cho biết, theo báo cáo của các địa phương, đến cuối tháng 12/2020, tổng đàn lợn cả nước đạt 27,3 triệu con, đạt 88,7% so với trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi, tăng 20% so với đầu năm 2020. Đặc biệt, có 16 doanh nghiệp chăn nuôi lớn, chiếm 23% tổng đàn lợn thịt với 5,5 triệu con. Số lượng lợn của các doanh nghiệp này so với trước khi xảy ra dịch đạt 170% và đạt 164% so với đầu năm. Bên cạnh đó, 16 tỉnh, thành phố trong cả nước đã có sự tăng đàn lợn đạt trên 100%, đặc biệt Bình Phước có sự tăng đàn mạnh nhất và đạt trên 1,3 triệu con, thủ phủ chăn nuôi Đồng Nai đạt trên 2 triệu con.
Việc phòng, chống dịch bệnh và kiểm soát dịch tốt đã góp phần tăng đàn lợn trong năm 2020 và đạt kế hoạch phát triển tái đàn lợn theo yêu cầu đề ra của Bộ.
Ông Nguyễn Văn Trọng cho hay, theo đúng kịch bản thì cuối quý III/2020 và đầu quý IV/2020 thì giá thịt lợn hơi đã giảm xuống. Gần đây giá thịt lợn tăng lên là do thời điểm này hàng năm nhu cầu thịt lợn tăng cao phục vụ chế biến sâu và nhu cầu của người dân trong dịp Tết. Nhu cầu thịt lợn sẽ thấp hơn thường từ 25/12 âm lịch đến rằm tháng Giêng.
“Đây là thời điểm nhu cầu thực phẩm cao nhất trong năm. Khi nhu cầu tăng sẽ dẫn đến giá tăng”, ông Nguyễn Văn Trọng cho biết.
Ông Nguyễn Văn Trọng cho biết thêm, một số nơi giá lợn hơi từ 83.000 - 84.000 đồng/kg, nhưng giá này đã qua các khâu, còn giá xuất chuồng chỉ dao động từ 78.000 – 80.000 đồng/kg tùy theo vùng. Dự kiến những ngày tới sẽ tăng một chút, song không tăng quá đột biến như Tết 2020. Do đó, hoàn toàn có thể chủ động thực phẩm cho Tết Nguyên đán.
Với giá này, cũng đảm bảo hài hòa cả 3 khâu: sản xuất – cung ứng - tiêu dùng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Sản lượng lợn xuất chuồng đợt này là nguồn lợn giống của quý II/2020 mà giá lợn giống khi đó từ 2,5 - 3 triệu đồng/con nên giá thành sẽ khoảng 70.000 đồng/kg.
Thường dịp Tết nhu cầu thực phẩm cũng tăng từ 10 - 15% nên sẽ không tránh được việc tăng giá. Các doanh nghiệp sẽ bán trước Tết tương đối nhiều. Điển hình như Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam bình thường xuất chuồng khoảng 15.000 - 17.000 con/ngày, nhưng từ nay đến trước Tết khoảng 5 ngày, doanh nghiệp này sẽ tăng nguồn cung lên từ 18.000 - 20.000 con/ngày.
Theo ông Nguyễn Văn Trọng, hiện có hiện tượng thẩm thấu lợn sống, lợn mảnh đi Trung Quốc, có cả những trường hợp nhập khẩu từ Thái Lan về rồi xuất khẩu đi Trung Quốc theo nhiều con đường khác nhau. Do vậy, cần kiểm soát tốt vấn đề này thì sẽ chủ động được nguồn thực phẩm trong nước. Lúc này, các cơ quan, ban, ngành, đặc biệt các tỉnh biên giới phải quan tâm, vào cuộc kịp thời nhằm ngăn chặn tình trạng này bởi nhu cầu của thị trường Trung Quốc rất cao, giá cao gần gấp đôi so với Việt Nam.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự kiến từ nay đến Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, nhất là thịt, trứng sẽ tăng từ 5 - 10% so với mức bình quân.
Với việc duy trì ổn định đàn gia súc, gia cầm, tình hình tái đàn lợn đạt kết quả tốt và tình hình dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ, về cơ bản thị trường sẽ ổn định, cân đối cung - cầu đảm bảo không bị thiếu hụt thực phẩm.
Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, hoạt động sản xuất, chế biến, phân phối thực phẩm nông, lâm, thủy sản cũng sẽ diễn ra rất sôi động và tiềm ẩn nhiều rủi ro về chất lượng, an toàn thực phẩm.
Năm 2020, sản lượng thịt các loại đạt khoảng 5,37 triệu tấn, tăng 3,5% so với năm 2019; sữa tươi đạt trên 1,1 triệu tấn, tăng 12,9%; trứng 14,15 tỷ quả, tăng 6,6%.