Gắn trách nhiệm của người đứng đầu về quản lý an toàn thực phẩm

Thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến phòng ngừa, chống sản xuất, kinh doanh hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý, gắn trách nhiệm của người đứng đầu theo từng địa bàn, lĩnh vực phụ trách... 

Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tại Chương trình hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm thực phẩm an toàn ngành Công Thương năm 2020 do Bộ Công Thương tổ chức tối 7/11, tại Hà Nội. 

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại chương trình. 

Chương trình hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm thực phẩm an toàn ngành Công Thương năm 2020 được triển khai trên quy mô toàn quốc. Phát biểu tại chương trình, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương là một trong ba cơ quan được Chính phủ giao triển khai công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Thời gian qua, Bộ Công Thương quyết liệt triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm khẳng định thương hiệu cũng như góp phần xây dựng, phát triển thị trường thực phẩm an toàn.

“Trong thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục xác định công tác quản lý an toàn thực phẩm là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng. Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến phòng ngừa, chống sản xuất, kinh doanh hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý, gắn trách nhiệm của người đứng đầu theo từng địa bàn, lĩnh vực phụ trách... Bộ cũng hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp  xây dựng mô hình thí điểm chợ an toàn thực phẩm và hỗ trợ doanh nghiệp kết nối tiêu thụ sản phẩm thực phẩm an toàn”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhận định: Chương trình nhận được sự hưởng ứng của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước; cùng sự phối hợp, tham gia của các bộ, ngành Trung ương, các cơ quan đoàn thể chính trị - xã hội. Đặc biệt, bên cạnh các đơn vị sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn có các đơn vị cung ứng vật tư, cung ứng giải pháp sản xuất - kinh doanh thực phẩm an toàn tham gia vào Chương trình, tạo thành chuỗi khép kín từ sản xuất tới tiêu thụ đảm bảo an toàn thực phẩm.

Việc đảm bảo an toàn thực phẩm cho gần 100 triệu người tiêu dùng không dễ dàng, nhưng cũng có những thuận lợi. Đó là nhu cầu sản xuất sạch và tiêu dùng sản phẩm sạch đã trở lên rất cấp thiết; các tiến bộ khoa học công nghệ và thông tin cho phép nhận dạng, phân tích, truy xuất nguồn gốc, giám sát các cơ sở sản xuất; công cụ hỗ trợ người tiêu dùng nhận biết thực phẩm an toàn phát triển rất nhanh. Do đó, điều cần làm ngay là khẩn trương xây dựng ý thức cộng đồng về an toàn thực phẩm, xác định được nhu cầu kết nối của các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn để hỗ trợ cho “trúng” cho “đúng”, mang lại hiệu quả cao.  

Tại chương trình, Ban Tổ chức đã trao kỷ niệm chương cho các doanh nghiệp cam kết tham gia vào chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn ngành Công Thương. 

 

Thu Trang/Báo Tin tức
Cải cách kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Cải cách kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Chiều 24/9, tại họp báo giới thiệu Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan (TCHQ) Nguyễn Văn Cẩn cho biết: Đề án sẽ tạo bước đột phá trong công tác kiểm tra chuyên ngành (KTCN), từ đó tạo thuận lợi đầu tư, thương mại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN