“Có danh mục hàng hóa KTCN, nhưng tiêu chuẩn, quy chuẩn chưa đầy đủ dẫn tới khó khăn cho cơ quan thực thi, ảnh hưởng tới quá trình thông quan hàng hóa của doanh nghiệp”, ông Nguyễn Văn Cẩn nói. Vì vậy, với những bất cập hiện nay, thủ tục KTCN vẫn là gánh nặng cho doanh nghiệp, là một trong những yếu tố chiếm tỷ trọng khá lớn cấu thành thời gian thông quan hàng hóa mà hiện vẫn chưa được cải thiện đáng kể theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), từ đó dẫn đến giảm năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong trao đổi thương mại qua biên giới”, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn cho biết.
Bên cạnh đó, với vai trò cơ quan được Chính phủ giao soạn thảo Đề án, TCHQ - Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp các hiệp hôi, bộ ngành, doanh nghiệp; đồng thời, tham khảo ý kiến chuyên gia, phù hợp điều kiện Việt Nam để xây dựng Đề án: “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”. Hiện, Đề án đã được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành. Đây là chủ trương lớn, cải cách, tiên tiến, phù hợp các nước tiên tiến.
Theo mô hình Đề án, nhiều thủ tục kiểm tra theo mô hình mới được đơn giản hóa nhờ nguồn thông tin, cơ sở dữ liệu của người nhập khẩu được tập trung vào một đầu mối là cơ quan hải quan. Theo đó, khi hàng hóa đủ điều kiện được áp dụng chế độ miễn kiểm tra chất lượng hoặc kiểm tra giảm thì hệ thống điện tử hải quan tự động cập nhật, người nhập khẩu không phải làm thủ tục xin miễn giảm như hiện hành; giảm nhiều giấy tờ trùng lặp giữa hồ sơ hải quan và hồ sơ kiểm tra chất lượng.
Đề cập đến tính khả thi của Đề án, đại diện TCHQ cho hay: Dự án Tạo thuận lợi thương mại do Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tài trợ đã thực hiện đánh giá tác động của Đề án một cách độc lập, khác quan, phần nào thấy được hiệu quả mang lại cho cộng đồng doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
Tỷ lệ số tờ khai kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm trong một năm cắt giảm được theo mô hình mới so với mô hình hiện tại khoảng 54,4% (chưa tính đến việc giảm số lô hàng kiểm tra do đề án đề xuất tăng đối tượng được miễn kiểm tra). Chi phí tiết kiệm được cho doanh nghiệp trong một năm nhờ số ngày cắt giảm là hơn 881 tỷ đồng (xấp xỉ 37,8 triệu USD).
Đối với lợi ích nền kinh tế, khi mô hình mới được triển khai sẽ giúp cắt giảm số lô hàng cần phải kiểm tra dẫn đến giảm thiểu chi phí thương mại do giảm yêu cầu về hàng tồn kho và vốn cho phép kinh doanh sản xuất hiệu quả hơn. Theo đó, sẽ khuyến khích tăng trưởng, đặc biệt là đối với các nhà sản xuất và nhà phân phối, thúc đẩy xuất khẩu và tăng sản lượng cuối cùng, mang lại nhiều cơ hội hiệu quả hơn cho nền kinh tế.
Căn cứ tỷ lệ KTCN năm 2019 do TCHQ cung cấp, Dự án Tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ tính toán dựa trên dữ liệu trong Báo cáo Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB), ước tính giá trị tiết kiệm cho nền kinh tế khi áp dụng mô hình mới lên đến 399 triệu USD mỗi năm.