Đề án này sẽ tạo bước đột phá trong đơn giản thủ tục kiểm tra chuyên ngành (KTCN) ngay tại cửa khẩu, khắc phục nhược điểm của mô hình KTCN hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) hiện nay.
Theo đó, hàng nhập khẩu được phân loại vào các nhánh quy trình kiểm tra khác nhau theo hướng đơn giản dần dựa trên lịch sử hoạt động kiểm tra chất lượng (KTCL), kiểm tra an toàn thực phẩm mà các bộ, ngành, cơ quan hải quan, tổ chức đánh giá sự phù hợp đã thực hiện đối với mặt hàng, quá trình chấp hành pháp luật của doanh nghiệp; áp dụng chuyển đổi phương thức kiểm tra (từ kiểm tra chặt sang kiểm tra thông thường, kiểm tra thông thường sang kiểm tra giảm); thay đổi cách tiếp cận từ kiểm tra chất lượng theo hàng hóa gắn với chủ hàng sang KTCL theo hàng hóa.
Ngoài ra, để đảm bảo tính tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp về chất lượng hàng hóa nhập khẩu, tại mô hình mới quy định cơ quan hải quan sẽ kiểm tra ngẫu nhiên không quá 5% tổng số lô hàng nhập khẩu để đánh giá rủi ro, đánh giá tuân thủ của doanh nghiệp. Đồng thời, tại đề án quy định trách nhiệm phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý Nhà nước để kịp thời phát hiện, xử lý hàng hóa không đạt chất lượng.
“Theo mô hình mới, doanh nghiệp nhập khẩu sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích. Doanh nghiệp tiết kiệm được nhiều chi phí do tỷ lệ lô hàng phải KTCL giảm; quy trình, thủ tục KTCL đơn giản hơn; nhiều đối tượng được miễn KTCL; giảm thời gian thông quan. Đặc biệt, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được thời gian làm thủ tục KTCL vì chủ yếu giao dịch với một đầu mối trong quá trình KTCL. Doanh nghiệp chủ động hơn trong hoạt động nhập khẩu hàng hóa và trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh; được lựa chọn quy trình KTCL phù hợp với điều kiện kinh doanh; thông tin, quy định về kiểm tra chất lượng hàng hóa được công khai, minh bạch trên Cơ chế một cửa Quốc gia”, ông Vũ Lê Quân nói.