Vẫn thiếu các định mức xây dựng chuyên ngành

Bộ Xây dựng cho biết, Nghị định số 68/2019/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng có hiệu lực từ 1/10/2019. Tuy nhiên, trong quá triển khai vẫn còn có những vướng mắc tháo gỡ.  

Chú thích ảnh
Hà Nội thi công đường vành đai 2 đoạn cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở. Tuyến đường được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh, Nghị định 68 có nhiều nội dung đổi mới, mang tính đột phá để đảm bảo việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng được thực hiện công khai, minh bạch, tính đúng, tính đủ theo thị trường, tiết kiệm, hiệu quả.

Chỉ riêng việc rà soát, cập nhật hơn 16.000 định mức xây dựng để thay thế cho hệ thống định mức cũ do Bộ Xây dựng đã công bố trước đây đã làm giảm giá trị dự toán của một số gói thầu từ 2-3,5%, đặc biệt đối với công trình hạ tầng kỹ thuật, giao thông.

Hiện hệ thống cơ sở dữ liệu về định mức, giá xây dựng và chỉ số giá xây dựng trên phạm vi cả nước dự kiến sẽ hoàn thành, bắt đầu vận hành và khai thác trong năm 2021. Đồng thời, các bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành cũng đang triển khai xây dựng và ban hành hệ thống định mức xây dựng phần việc  chuyên ngành.

Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện nay, chỉ có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có báo cáo kết quả rà soát định mức đã công bố, ban hành. Các Bộ: Giao thông Vận tải, Công Thương, Quốc phòng, Công an vẫn đang rà soát, chưa có kết quả chính thức. Do đó, hiện các bộ này vẫn chưa ban hành các định mức xây dựng cho các công việc chuyên ngành theo quy định tại Nghị định 68 và Thông tư hướng dẫn Nghị định.

Mặc dù nhiều nơi đã triển khai xác định, công bố giá vật liệu, đơn giá nhân công, giá ca máy tại địa phương nhưng hiện mới có 42/63 tỉnh, thành phố thực hiện việc công bố, hướng dẫn đơn giá nhân công, giá ca máy và xử lý chuyển tiếp việc lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng trên địa bàn theo quy định tại Nghị định 68 cũng như Thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng.

Theo Bộ Xây dựng, một số khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị định 68 hiện nay chủ yếu là do thiếu các định mức xây dựng chuyên ngành để phục vụ lập dự toán xây dựng theo phương pháp định mức - đơn giá cho nhóm công trình có đặc thù riêng này.  

Nguyên nhân là trong Đề án 2038 (Hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng), Thủ tướng Chính phủ đã giao các bộ, ngành, địa phương thực hiện rà soát, bổ sung các định mức xây dựng chuyên ngành, đặc thù (hoàn thành trong quý IV/2018) làm tiền đề, căn cứ triển khai Nghị định 68.

Tuy nhiên, một số bộ, địa phương chưa thực hiện tốt nhiệm vụ này nên gặp một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình lập dự toán và quản lý chi phí theo các quy định mới. Điều này, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện một số dự án, công trình xây dựng, nhất là đối với các dự án hạ tầng giao thông - Bộ Xây dựng phản ánh.

Bộ Xây dựng kiến nghị, các bộ và địa phương chủ động rà soát, cập nhật, ban hành, đảm bảo phù hợp với tính chất đặc thù, chuyên ngành; đồng thời, gửi về Bộ Xây dựng để theo dõi, quản lý.

Trong thời gian các bộ, địa phương thực hiện rà soát định mức xây dựng chuyên ngành, đặc thù đã công bố trước đây, cho phép người quyết định đầu tư xem xét, quyết định lựa chọn việc sử dụng cơ sở dữ liệu hiện có về hệ thống định mức làm cơ sở xác định tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng, dự toán gói thầu, giá gói thầu.

Sau khi bộ, ngành, địa phương ban hành định mức chuyên ngành, đặc thù, yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện cập nhật ngay khi xác định chi phí đầu tư xây dựng tại bước tiếp theo (trừ trường hợp đã đóng thầu) - Bộ Xây dựng đề xuất.

Thu Hằng (TTXVN)
Tăng hiệu quả quản lý chi phí đầu tư xây dựng
Tăng hiệu quả quản lý chi phí đầu tư xây dựng

Kể từ ngày 15/2/2020, Thông tư 09/2019/TT-BXD về xác định, quản lý chi phí đầu tư xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành sẽ chính thức có hiệu lực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN