Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn đã có những chia sẻ với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về những kết quả đạt được cũng như những giải pháp để ngăn chặn tình trạng trên.
Xin Thứ trưởng cho biết kết quả sau 4 năm thực hiện lệnh đóng cửa rừng tự nhiên của Thủ tướng Chính phủ?
Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã được các cấp, các ngành Trung ương và địa phương thực hiện nghiêm túc. Khi thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên đã đạt được kết quả nổi bật trên 3 lĩnh vực.
Từ năm 2017 đến nay, cả nước không khai thác gỗ rừng tự nhiên, kể cả các khu rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững quốc tế; không khai thác tận dụng, khai thác gỗ gia dụng từ rừng tự nhiên.
Việc chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên được quản lý, kiểm soát chặt chẽ. Thủ tướng Chính phủ chỉ giải quyết chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên đối với các dự án phục vụ quốc phòng, an ninh, kinh tế - xã hội cấp thiết.
Việc bảo vệ rừng, chống chặt phá rừng trái pháp luật được tăng cường. Việc sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính đã tăng nặng chế tài trong xử phạt, xử lý các hành vi vi phạm trật tự và quy định về quản lý trong lâm nghiệp.
Trong giai đoạn 4 năm 2016-2019, bình quân mỗi năm trong cả nước giảm 35% số vụ và 20% diện tích rừng bị thiệt hại. Diện tích rừng, độ che phủ rừng liên tục tăng, đến 31/12/2019, tổng diện tích rừng cả nước đạt hơn 14,6 triệu ha; độ che phủ rừng đạt 41,89%, tăng 0,70% so với năm 2016, chắc rằng kết thúc năm 2020, độ che phủ sẽ đạt 42% như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đề ra.
Hiện tình trạng phá rừng, khai thác trái phép vẫn còn diễn ra ở một số nơi, theo Thứ trưởng đâu là nguyên nhân và làm thế nào để ngăn chặn được tình trạng này?
Về tổng quát, tuy số vụ vi phạm pháp luật và thiệt hại về rừng đã giảm nhưng tình trạng phá rừng, khai thác trái pháp luật còn xảy ra tại một số địa phương.
Nguyên nhân chủ yếu là do chúng ta dừng khai thác rừng tự nhiên, trong khi nhu cầu, thói quen về sử dụng gỗ rừng tự nhiên tại một bộ phận dân cư chưa thay đổi, nguồn gỗ rừng tự nhiên nhập khẩu có xu thế giảm; khai thác gỗ bất hợp pháp trở nên "siêu lợi nhuận". Bên cạnh đó, sức ép về phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là nhu cầu đất để trồng cây công nghiệp, cây nông nghiệp có giá trị kinh tế ngày càng cao.
Tại những nơi để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật đều cho thấy, chủ rừng còn buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm. Các cơ quan chức năng, chính quyền sơ sở không phát hiện, ngăn chặn kịp thời, việc xử lý người có hành vi vi phạm và người có trách nhiệm quản lý thiếu nghiêm túc.
Để giải quyết căn cơ tình trạng này, tôi cho rằng, các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương phải chỉ đạo, tổ chức thực hiện thường xuyên, nghiêm túc các quy định của pháp luật và Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Trước mắt, các cấp cần tập trung tạo chuyển biến trong thực hiện việc phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, vai trò của người đứng đầu chính quyền các cấp. Quy định rõ xử lý trách nhiệm của chủ rừng khi để xảy ra mất rừng.
Thứ hai là tập trung xử lý dứt điểm các điểm nóng hiện nay, kiên quyết thu hồi diện tích đất rừng bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích theo quy định của pháp luật; xác định, truy quét các “đầu nậu”, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật, đề xuất xứ lý người có thẩm quyền nhưng thiếu trách nhiệm, để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác lâm sản trái pháp luật.
Thứ ba là chú trọng tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm, nhận thức của người dân về bảo vệ rừng và thiết lập các đường dây nóng tiếp nhận thông tin tố giác về hành vi phá rừng; thay đổi xu hướng, nhu cầu sử dụng sản phẩm gỗ rừng tự nhiên cũng như các sản phẩm từ rừng trong xã hội.
Thứ tư là các cấp cần tập trung giải quyết vấn đề sinh kế của người dân sống gần rừng để giảm áp lực lên rừng.
Thời gian qua, việc kiểm soát chuyển mục đích sử dụng rừng đã được ngành giám sát như thế nào?
Từ năm 2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có hướng dẫn các địa phương rà soát, thống kê, báo cáo các dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên; trong đó nhấn mạnh, cần rà soát, điều chỉnh để giảm thiểu tối đa nhu cầu chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên đối với các dự án.
Đối với các dự án sau khi điều chỉnh, không có phương án lựa chọn khác mà vẫn phải đề xuất chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên, Bộ phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh, thành phố, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan để báo cáo, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Việc xem xét quyết định dựa trên sự cấp thiết của dự án phải chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên; trong đó chỉ xem xét giải quyết chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên đối với các dự án quốc phòng, an ninh, kinh tế xã hội cấp thiết và phải chứng minh được là dự án không có sự lựa chọn vị trí nào khác mà buộc phải sử dụng đất rừng tự nhiên.
Dự án phải tuân thủ các quy định của pháp luật về lâm nghiệp, đất đai, đầu tư, bảo vệ môi trường và các pháp luật có liên quan. Dự án phải phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp (quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng), quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch có liên quan.
Bên cạnh đó, phải làm rõ được hiệu quả kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững khi chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên.
Hiện nay, Chính phủ đang xem xét ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 về quy định chi tiết thi hành mọt số điều của Luật Lâm nghiệp. Nghị định sửa đổi sẽ quy định chi tiết về tiêu chí, trình tự, thủ tục phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016-2030”. Đến nay, đề án này đã và đang được triển khai như thế nào?
Ngày 18/3/2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án với mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng mất rừng, từng bước khôi phục, phát triển rừng. Đến năm 2030, diện tích rừng đạt khoảng 2,72 triệu ha, nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 49,2%; quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, cung cấp các dịch vụ môi trường rừng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội của khu vực Tây Nguyên.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án, Bộ Nông nghiệp đã ban hành Quyết định số 1710/QĐ-BNN-TCLN ngày 14/5/2019 về kế hoạch thực hiện đề án; đồng thời, hướng dẫn và đề nghị UBND các tỉnh Tây Nguyên xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai đề án và tập trung chỉ đạo các nhiệm vụ cần thực hiện trong năm 2019 và hàng năm.
Đến nay, các tỉnh Tây Nguyên cũng đã xây dựng kế hoạch. Các địa phương đều xác định phải thực hiện hiệu quả các dự án bảo vệ và phát triển rừng trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020; rà soát, bố trí vốn thực hiện các dự án bảo vệ và phát triển rừng.
Các địa phương có kế hoạch, kịch bản, giải pháp cụ thể để hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ về: bảo vệ rừng, phát triển rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng, sắp xếp đổi mới công ty lâm nghiệp trên địa bàn, xây dựng phương án quản lý rừng bền vững.
Hiện nay, các tỉnh đang xây dựng kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025; xây dựng các dự án thực hiện giai đoạn tới. Các tỉnh sẽ đưa vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 các dự án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững giai đoạn 2021 – 2030; trong đó ưu tiên các chỉ tiêu nhiệm vụ còn thiếu của Đề án trong giai đoạn 2016 - 2020; nhiệm vụ cấp bách, bảo vệ và phát triển rừng, phát triển lâm nghiệp công nghệ cao, quản lý rừng cộng đồng, cải thiện sinh kế; phát triển lâm nghiệp theo chuỗi giá trị, phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng; chế biến, thương mại lâm sản; quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng.
Cùng với đó, các địa phương sẽ rà soát, xây dựng, bố trí vốn thực hiện các dự án bảo vệ và phát triển rừng; lồng nghép, bố trí vốn thực hiện bảo vệ và phát triển rừng.
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!