Mua bán xăng, dầu tại điểm kinh doanh xăng dầu Petrolimex. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN
Theo ông Đoàn Tiến Quyết, chuyên gia phân tích dữ liệu của VPI, mô hình dự báo giá xăng dầu ứng dụng mô hình mạng nơ ron nhân tạo (artificial neural network - ANN) và thuật toán học có giám sát (supervised learning) trong machine learning của VPI dự báo, giá bán lẻ xăng E5 RON 92 có thể chỉ giảm 1.412 đồng (6,9%) về mức 19.118 đồng/lít, còn xăng RON 95-III có thể chỉ giảm 1.440 đồng (6,8%) về mức 19.670 đồng/lít.
Mô hình của VPI cũng dự báo trong kỳ này giá dầu hỏa có thể giảm 7,5% về mức 17.631 đồng/lít, dầu mazut có thể giảm 7,2% về mức 15.730 đồng/kg, còn dầu diesel có thể giảm 7,1% về mức 17.977 đồng/lít. VPI dự báo Liên bộ Tài chính - Công Thương kỳ này sẽ tiếp tục không trích lập hay chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Từ ngày 1/7, thuế giá trị gia tăng (VAT) với xăng dầu giảm 2%, từ mức 10% về 8%, theo Nghị quyết số 204/2025/QH15 của Quốc hội.
Trên thị trường thế giới, giá dầu tăng nhẹ trong phiên 1/7 khi nhà đầu tư đánh giá các tín hiệu tích cực về nhu cầu, đồng thời theo dõi cuộc họp của OPEC+ sẽ diễn ra vào ngày 6/7 để quyết định sản lượng cho tháng 8/2025.
Theo đó, giá dầu Brent chốt phiên ngày 1/7 tăng 0,6% lên 67,11 USD/thùng; giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 0,5% lên 65,45 USD/thùng.
Tuy nhiên, đà tăng bị hạn chế bởi dự đoán OPEC+ sẽ tiếp tục tăng sản lượng dầu trong tháng 8/2025, với quy mô tương đương các mức tăng mạnh đã thống nhất trong các tháng 5, 6 và 7/2025. Chuyên gia phân tích năng lượng Alex Hodes của StoneX nhận định rằng OPEC+ nhiều khả năng sẽ quyết định bổ sung 411.000 thùng/ngày nhằm giành thêm thị phần, chủ yếu từ các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ.
Theo dữ liệu chính thức công bố ngày 1/7, các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ đã tăng sản lượng với tốc độ kỷ lục trong tháng 4/2025. Ngoài việc cạnh tranh thị phần, OPEC+ cũng đang tìm cách gây sức ép lên các thành viên sản xuất vượt hạn ngạch.