Thu hút FDI tại TP Hồ Chí Minh khởi sắc

Tình hình kinh tế khó khăn, cộng với hành động quá khích của một số phần tử xấu lợi dụng tình hình Biển Đông đã khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài e ngại khi đầu tư trực tiếp vào TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, với việc Chính phủ kịp thời hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp bị thiệt hại, nhiều nhà đầu tư nước ngoài an tâm khi tiếp tục đầu tư tại đây. Đến nay, việc thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp - khu chế xuất (KCN-KCX) của TP Hồ Chí Minh có nhiều khởi sắc.

 

Tại TP Hồ Chí Minh, đa số nguồn vốn FDI “đổ vào” ngành dệt may cao cấp.


Ông Trần Việt Hà, Trưởng Phòng Quản lý đầu tư của Hepza cho biết: Vừa qua các nhà đầu tư nước ngoài đã có những dự án đầu tư lớn trong lĩnh vực dệt may cao cấp vào các KCN - KCX của TP. Ví dụ như dự án của Công ty TNHH Wordon Việt Nam, trị giá 140 triệu USD; dự án sản xuất vải cao cấp của Công ty TNHH Sheico Việt Nam, trị giá 50 triệu USD… Các dự án này chủ yếu tập trung tại các KCN-KCX mới của TP Hồ Chí Minh như KCN Đông Nam, KCN Tây Bắc… Sắp tới, sẽ có thêm các dự án đầu tư lớn đầu tư vào lĩnh vực dệt may cao cấp để “đón đầu” hiệp định TPP.

Theo Ban quản lý KCN- KCX TP Hồ Chí Minh (Hepza), trong 6 tháng qua, tổng vốn đầu tư vào thành phố là 333 triệu USD, đạt trên 60% kế hoạch, tăng 55% so với cùng kỳ năm 2013. Vốn đầu tư nước ngoài đạt 265 triệu USD, tăng 81%. Trong đó, 19 dự án cấp mới với tổng số vốn đầu tư đăng ký 231,68 triệu USD, tăng 7,4 lần so với cùng kỳ; 16 dự án điều chỉnh tăng vốn, với tổng số vốn điều chỉnh tăng gần 33 triệu USD. Các quốc gia có vốn đầu tư lớn nhất là British Virgin Islands (chiếm 62% tổng số vốn đầu tư); Samoa chiếm 22%; Singapore chiếm 5%... Lĩnh vực dệt may cao cấp đang chiếm hơn 82% tổng số vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài; sau đó là ngành nhựa, cao su, cơ khí, thuốc lá, điện tử…

Không chỉ đổ vào ngành dệt may mà nguồn vốn FDI còn được đầu tư vào các ngành có hàm lượng công nghệ cao đúng chủ trương phát triển các ngành công nghệ cao của thành phố. Điển hình là: dự án sản xuất các chi tiết điện tử của Công ty TNHH Cơ khí chính xác Merrimack River; dự án sản xuất mô tô điện của Công ty TNHH Terra MatorS Việt Nam; dự án sản xuất linh kiện điện tử dân dụng của Công ty TNHH Arirang Việt Nam.


Tình hình hoạt động của các doanh nghiệp tại các KCN-KCX cũng có tín hiệu khởi sắc. Tính đến nay, tại các KCN-KCX thành phố có trên 1.300 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký trên 8 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp đạt khoảng 2,3 tỷ USD, trong đó các doanh nghiệp chế xuất đạt khoảng 1,9 tỷ USD và các KCN đạt 400 triệu USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2013.


Theo ông Trần Việt Hà, Hepza đã phối hợp với các cơ quan quản lý thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp như: giải quyết nhanh thủ tục hành chính, khảo sát nhu cầu về vốn của doanh nghiệp để kết nối với các ngân hàng, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn vay hiệu quả; rà soát, giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc phát sinh của doanh nghiệp…


Đặc biệt, trong vụ việc một số đối tượng lợi dụng biểu tình phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trái phép trên vùng biển của Việt Nam để gây rối, Ban quản lý đã chủ động nắm tình hình, tham mưu cho UBND thành phố xử lý ngay các tình huống, hỗ trợ doanh nghiệp. Bởi vậy đa số doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh không bị thiệt hại về vật chất, các doanh nghiệp nhanh chóng ổn định trở lại … Thành phố chỉ có 33 doanh nghiệp bị thiệt hại với tổng giá trị thiệt hại là hơn 5,4 tỉ đồng nhưng đã có 21doanh nghiệp đã chủ động khắc phục thiệt hại, cam kết không yêu cầu bồi thường và mong muốn được bảo đảm an ninh trật tự để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh lâu dài tại Việt Nam. Ngoài ra, có khoảng 104 doanh nghiệp ngừng việc, số ngày nghỉ ít nhất ½ ngày và nhiều nhất là 6,5 ngày. Đến nay, các DN trong KCN-KCX đã cơ bản giải quyết tiền lương ổn thỏa cho người lao động để họ yên tâm gắn bó với doanh nghiệp.


Ông Hồ Xuân Lâm, Chánh văn phòng Hepza cho biết thêm: Để ổn định tâm lý cho các doanh nghiệp bị thiệt hại vừa qua, Ban quản lý còn tăng cường biện pháp an ninh trật tự, tuyên truyền vận động người lao động nêu cao tinh thần cảnh giác, nâng cao ý thức, không có những hành động vi phạm pháp luật. Trong thời gian tới, Ban quản lý sẽ tiếp tục nghiên cứu, kiến nghị các chính sách hỗ trợ để giảm giá thành cho thuê đất nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, thành phố cũng sẽ rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, xây dựng các phần mềm cấp phép đầu tư qua mạng để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Thành phố cũng sẽ thành lập các KCN chuyên ngành để thu hút các ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ phát triển công nghiệp cơ khí, điện tử, tin học…


Bài và ảnh:Hoàng Tuyết

 

Vốn FDI vào thị trường bất động sản tăng 65%
Vốn FDI vào thị trường bất động sản tăng 65%

Những tháng đầu năm 2014, vốn FDI vào thị trường bất động sản đạt 692 triệu USD, tăng 65% so với cùng kỳ năm trước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN