Thu hút đầu tư vào Đồng bằng sông Cửu Long:

Khơi dòng vốn FDI

Nhiều doanh nghiệp FDI đánh giá: môi trường đầu tư tại các tỉnh vùng ĐBSCL, một trong những vùng kinh tế quan trọng của phía nam ngày càng hấp dẫn bởi các ngành chức năng đã và đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút nguồn vốn từ nước ngoài.

Dấu hiệu khởi sắc

Có thể nói rằng, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư tại các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã đánh giá rất khả quan về những nỗ lực hỗ trợ nhiều mặt của chính quyền các tỉnh ĐBSCL đối với nhà đầu tư. Ông Hirofumi Kishi, Tổng Giám đốc công ty TNHH Sapporo Việt Nam cho biết: “Tháng 11/2011, chúng tôi khánh thành nhà máy sản xuất bia tại tỉnh Long An với công suất khoảng 40 triệu lít và tối đa là 150 triệu lít/năm. Chỉ trong thời gian ngắn, sản phẩm bia của chúng tôi sản xuất tại Long An đã có mặt hơn 4.000 điểm bán, tập trung chủ yếu tại thị trường TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh Nam Bộ như: Bình Dương, Đồng Nai và một số tỉnh ĐBSCL. Đặc biệt tại thị trường TP.HCM, mức độ nhận biết thương hiệu bia của chúng tôi đạt tới 90%”.

Với lợi thế là lúa gạo và thủy sản, ĐBSCL đặc biệt coi trọng các nguồn lực đầu tư nước ngoài.


Theo ông Hirofumi Kishi, có được kết quả đáng mừng như vậy là nhờ vào những chính sách ưu đãi đầu tư nước ngoài của chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, ông Hirofumi Kishi cũng đánh giá cao về vị trí địa lý thuận lợi của khu vực ĐBSCL do nằm gần TP.HCM - trung tâm kinh tế và thị trường lớn nhất Việt Nam với đường cao tốc xuyên Á nối liền các nước trong khu vực và có qui mô dân số lớn, văn hóa ẩm thực đặc trưng, sản phẩm bia được nhiều người ưa thích. “Sau khi triển khai hoạt động tại Việt Nam, Sapporo còn nhận thấy rằng khu vực ĐBSCL là khu vực có nguồn lao động dồi dào so với các tỉnh thành khác. Đặc biệt, chúng tôi còn có thể tuyển được những lao động địa phương đã có kinh nghiệm làm trong công ty Nhật Bản nên hiểu được văn hóa và nói được tiếng Nhật. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhận thấy sự thay đổi trong môi trường đầu tư tại khu vực ĐBSCL thông qua các chính sách cải thiện môi trường đầu tư của chính quyền các địa phương như xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp” - Tổng giám đốc công ty TNHH Sapporo cho hay.

Theo thông tin từ Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) tại TP Cần Thơ, đầu tư nước ngoài ở ĐBSCL tính từ năm 1988 - 2013 có 836 dự án với tổng vốn đăng ký đạt gần 12 tỷ USD bằng 4,9% so với cả nước. Phần lớn dự án tập trung ở tỉnh Long An với 493 dự án, kế đến là tỉnh Kiên Giang khoảng 35 dự án. Riêng trong 3 năm 2011 - 2013 các tỉnh trong vùng ĐBSCL đã thu hút được 271 dự án với tổng vốn đầu tư 2,3 tỷ USD bằng 8% so với cả nước.

Theo VCCI, những năm gần đây ĐBSCL đã khởi sắc nhờ những cải thiện về cơ sở hạ tầng, tập trung đầu tư phát triển 3 khâu đột phá là: Giao thông, thủy lợi, giáo dục - đào tạo và dạy nghề... Nhiều tuyến đường giao thông nội bộ nối các tỉnh đang được cải tạo nâng cấp để phục vụ cho phát triển kinh tế. Các trường đại học và đào tạo nghề trong khu vực cũng đang hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của vùng như: Công nghệ chế biến, công nghệ sinh học... góp phần giải quyết vấn đề nhân lực. TS. Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ nhìn nhận: “Hầu hết các dự án này tập trung ở các tỉnh gần TP.HCM như: Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Kiên Giang và TP Cần Thơ. 3 năm gần đây số dự án tăng mạnh hơn so với những năm trước đó. Điều này ghi nhận những nỗ lực của các tỉnh và sự hỗ trợ của trung ương trong việc phát triển hệ thống hạ tầng, cải thiện môi trường kinh doanh”.

Cũng theo TS. Võ Hùng Dũng, môi trường kinh doanh, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của cả vùng đã được cải thiện mạnh mẽ, năm 2012 có ba tỉnh nằm trong top 5, năm tỉnh lọt vào top 10, chín tỉnh top 20. Năm 2013 tiếp tục duy trì kết quả cao với 3 tỉnh trong vùng xếp vào nhóm rất tốt, 2 tỉnh thuộc nhóm tốt, không có tỉnh nào thuộc nhóm thấp. Kết quả khảo sát của VCCI cho thấy các doanh nghiệp đánh giá cao tính minh bạch và năng động của các cơ quan chức năng của địa phương trong vùng ĐBSCL. Bởi qua chỉ số PCI đã chỉ ra được chi phí gia nhập thị trường tại ĐBSCL được xếp vào loại thấp nhất Việt Nam. Chi phí thực hiện các quy định của nhà nước, chi phí không chính thức cũng thấp hơn so với nhiều vùng khác. Một “điểm cộng” khác còn xuất phát từ sự hiện diện của các hiệp hội tại các tỉnh trong vùng như Hiệp hội cá tra Việt Nam, các hiệp hội doanh nghiệp đã hỗ trợ cung cấp thông tin đầy đủ kịp thời cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch VCCI Việt Nam cho rằng: “Đối với ĐBSCL, Chính phủ luôn quan tâm đặc biệt. Các công trình đầu tư phát triển hạ tầng đã được thực hiện trong thời gian qua nhằm đưa kinh tế ĐBSCL phát triển nhanh hơn. Nhiều công trình quan trọng như sân bay quốc tế Cần Thơ và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) đã hoàn thiện và đưa vào hoạt động; đường cao tốc nối các tỉnh ĐBSCL với TP.HCM đã xong giai đoạn 1; hệ thống cảng biển đang được tiếp tục đầu tư, các công trình thủy lợi, nhiệt điện, khí điện đạm được Chính phủ đầu tư hàng tỷ USD để giải quyết các vấn đề hạ tầng cơ sở, phát triển kinh tế... Bên cạnh đó các chương trình phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới và phát triển quy hoạch từng bước được triển khai và đạt kết quả tốt”.

Cam kết môi trường đầu tư hiệu quả

Tại Hội nghị “Xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL” vừa diễn ra mới đây, đại diện các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL đã ghi nhận những đóng góp tích cực của các doanh nghiệp FDI trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm qua, đồng thời, tái khẳng định những cam kết sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng để đảm bảo môi trường đầu tư ngày càng hiệu quả đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Ông Võ Thành Thống, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết: “Năm 2013, tăng trưởng kinh tế đạt gần 12% với thu nhập bình quân đầu người đạt 2.989 USD/năm. Kết quả nói trên là nhờ sự đóng góp rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Tính đến cuối tháng 5/2014, TP Cần Thơ đã thu hút được 59 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 915 triệu USD”.


Ông Võ Thành Thống cho biết thêm, TP Cần Thơ cũng đã hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực ngành nghề mà địa phương có nhu cầu thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường công tác xúc tiến đầu tư - thương mại - du lịch trong và ngoài nước nhằm tuyên truyền, quảng bá tiềm năng và cơ hội đầu tư của địa phương để huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển kinh tế với tốc độ cao và bền vững. “Chúng tôi sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng thông thoáng hơn. Luôn sát cánh, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp làm ăn hiệu quả và gắn bó lâu dài với mảnh đất Tây Đô” - ông Thống cam kết.

Về cơ chế, chính sách, tỉnh Vĩnh Long cũng đã nghiên cứu vận dụng xây dựng các cơ chế ưu đãi, khuyến khích đầu tư riêng của từng địa phương trong khuôn khổ cho phép ở tất cả ngành kinh tế như: Chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư vào các KCN, cụm CN, chính sách khuyến khích phát triển nghề và làng nghề tại khu vực nông thôn... Trong đó thể hiện rõ ràng nhất chính là sự mạnh dạn đổi mới thủ tục hành chính, tập trung vào tính minh bạch của chính quyền, củng cố niềm tin của doanh nghiệp đối với các thiết chế pháp lý, nâng cao hiệu quả các phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Diệp, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Tỉnh đặc biệt coi trọng việc tạo môi trường đầu tư thuận lợi, an toàn, tin cậy cho các nhà đầu tư và luôn đặt doanh nghiệp vào vị trí quan trọng của sự phát triển kinh tế - xã hội. Những việc làm của tỉnh thời gian qua đã tạo niềm tin cho các chủ đầu tư và doanh nghiệp. Theo đánh giá về chỉ số PCI các năm qua, tỉnh Vĩnh Long liên tục đứng ở vị trí cao trong khu vực ĐBSCL và nằm trong nhóm có môi trường đầu tư thông thoáng ở mức rất tốt của cả nước”.

Ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cho rằng: “Để tiếp tục phát triển nông nghiệp, thủy sản trong vùng ĐBSCL, ngoài nguồn vốn ngân sách đầu tư vào các lĩnh vực, dự án lớn, việc xã hội hóa đầu tư, khuyến khích và kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực trên là vô cùng quan trọng. Thông qua hội nghị xúc tiến đầu tư sẽ đem đến cho các nhà đầu tư cơ hội đối thoại trực tiếp với các nhà quản lý, hoạch định chính sách từ các cơ quan trung ương và các địa phương trong vùng để tìm hiểu về cơ chế, chính sách hoặc nêu lên những vấn đề còn vướng mắc, những khó khăn trong hoạt động đầu tư và những kiến nghị đối với Chính phủ Việt Nam hoặc với các địa phương để cùng xây dựng một môi trường đầu tư ngày càng hấp dẫn hơn”.

Bài và ảnh: Anh Đức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN