Doanh nghiệp vẫn “loay hoay”
Phải mất đến hàng trăm năm để một chiếc túi ny-lon phân hủy hoàn toàn trong điều kiện tự nhiên trong khi đó mỗi ngày tại Việt Nam đã tiêu thụ hàng chục tấn túi ny-lon. Vấn đề ô nhiễm môi trường từ túi ni-lon có thể nhìn thấy rõ. Thế nhưng, những doanh nghiệp (DN) sản xuất túi ny-lon tự hủy lại gặp khó khăn khi bán hàng. Cách đây vài năm, hệ thống các siêu thị lớn như: Metro, Big C, Coop Mart… đã chuyển sang sử dụng bao bì thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, các loại túi này đều phải mua thay vì được phát miễn phí nên lượng tiêu thụ khá thấp. Còn tại các cửa hàng, chợ… thì chủ yếu vẫn sử dụng túi ny-lon thông thường.
Vận chuyển sản phẩm gạch không nung tại Công ty Cổ phần gạch Khang Minh (Hà Nam). Ảnh: Phan Quân – TTXVN |
Một số DN cho biết, sản phẩm tự hủy của họ rất khó bán trên thị trường bán lẻ, một phần do chênh lệch giá thành nhưng chủ yếu vẫn là do thói quen và người tiêu dùng chưa ý thức được việc sử dụng các sản phẩm “xanh”, thân thiện môi trường. Nhiều DN sản xuất túi ny-lon thân thiện với môi trường gần như bị “chết yểu” tại thị trường nội địa. Công ty Alta Tân Bình dù đã cải tiến công nghệ, giảm giá thành bao bì tự hủy chỉ còn cao hơn 5-10% so với bao bì thông thường, nhưng thị trường của doanh nghiệp này chủ yếu vẫn là xuất khẩu, còn tỉ lệ tiêu thụ tại thị trường Việt Nam vẫn còn thấp.
Tương tự, đối với sản phẩm gạch không nung, mặc dù Bộ Xây dựng đã có thông tư quy định việc sử dụng vật liệu xây dựng không nung cách đây 3- 4 năm, tuy nhiên đến nay, mặt hàng này vẫn chưa thực sự tìm được chỗ đứng. Ông Lê Hoài An, Giám đốc Công ty gạch Khang Minh, một trong những doanh nghiệp sản xuất gạch không nung xi măng cốt liệu (gạch Block) lớn nhất hiện nay cho biết, công ty phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong thay đổi nhận thức và thói quen tiêu dùng hàng trăm năm nay của người Việt. Công ty đã đẩy mạnh quảng bá sản phẩm với các công ty tư vấn thiết kế, các kiến trúc sư để họ đưa vật liệu xây dựng không nung vào các công trình ngay từ đầu, đồng thời, hướng tới thị trường xây dựng nhỏ lẻ là xây dựng nhà ở trong dân nhưng cũng khó tiêu thụ.
Cần có chính sách khuyến khích
Việc sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thân thiện môi trường đang là xu hướng trong thương mại quốc tế. Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng Thư ký Phòng công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho biết, hiện đã có một số DN chủ động, tuy nhiên tỷ lệ DN đầu tư vào sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường, sản xuất theo hướng “xanh” còn ít. Hơn nữa, ở VN còn chưa nhiều cơ chế để hỗ trợ các DN đầu tư vào công nghệ hay giải pháp để phát triển kinh tế xanh. Trong khi đó, 98% DN Việt Nam là DN vừa và nhỏ nên yếu cả về tài lực, nhân lực và nhận thức.
Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2014, sản phẩm thân thiện với môi trường, đáp ứng các tiêu chí sẽ được dán nhãn sinh thái gọi là Nhãn xanh Việt Nam. Tuy nhiên, các tiêu chí Nhãn xanh Việt Nam còn rất hạn chế về mặt số lượng, mới chỉ ban hành một số tiêu chí đối với một số loại sản phẩm nhất định nên chưa tạo động lực cho các DN.
Cùng với đó, các quy định về ưu đãi, hỗ trợ theo Nghị định số 19/2015/NĐ-CP còn chung chung hoặc ủy quyền cho cơ quan Nhà nước tiếp tục quy định hoặc quyết định mức ưu đãi, hỗ trợ. Trong khi đó, các cơ quan được ủy quyền lại chậm hoặc chưa ban hành những quy định này. Do đó, các DN khó có thể biết được hưởng lợi gì khi đầu tư, sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường.
“Các DN Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh và mất thị phần không chỉ trên thị trường quốc tế mà còn ở thị trường trong nước, nếu không bắt kịp sự thay đổi để đáp ứng các yêu cầu của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế nhập khẩu và yêu cầu của thị trường về sản phẩm thân thiện đối với môi trường. Vì vậy, các DN cần phải thay đổi nhận thức; đồng thời Nhà nước cần có những ưu đãi, hỗ trợ cho DN khi sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường một cách cụ thể, minh bạch và rõ ràng, dễ tiếp cận”, chuyên gia này cho hay.
Đại diện VCCI cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 403/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động Quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020 bao gồm 4 chủ đề chính, 12 nhóm hoạt động và 66 nhiệm vụ hành động cụ thể. VCCI sẽ thực hiện xây dựng phong trào DN xanh hướng tới phát triển bền vững; phổ biến khái niệm cộng đồng DN về nền kinh tế tuần hoàn, nguyên vật liệu được chú trọng từ thiết kế tiêu dùng để sử dụng nguồn nguyên liệu hiệu quả nhất…
“Theo tôi cần lập ra quỹ tăng trưởng xanh để có cơ chế hỗ trợ cụ thể về tài chính, thuế… cho các DN tham gia sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường, tạo điều kiện cho DN vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi sản xuất này”, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng Thư ký VCCI đề xuất.