Xây dựng môi trường đô thị xanh, sạch

Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ và chính quyền TP Hồ Chí Minh đã xác định, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dân là một trong sáu chương trình đột phá trong giai đoạn 2011 - 2015 và tiếp tục được triển khai trong giai đoạn 2016 - 2020 sắp tới.


Hàng triệu người dân hưởng lợi

Chương trình di dời, tái định cư dân cư sống trên và ven kênh rạch là một trong những chương trình trọng điểm mà TP Hồ Chí Minh đang thực hiện, hướng đến mục tiêu giải quyết dứt điểm nhà “ổ chuột” ven kênh rạch kết hợp với chỉnh trang đô thị. Điều này vừa giúp hàng ngàn hộ dân có cuộc sống mới tốt đẹp hơn, vừa giúp hàng triệu người dân thành phố hưởng lợi từ công tác cải tạo này khi các tuyến kênh sạch, xanh và đẹp hơn.

Từ một dòng kênh ô nhiễm nặng, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sau cải tạo đã có thể phục vụ du lịch trên sông.

Theo thống kê của Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, sau hơn 20 năm thực hiện công tác di dời các khu nhà “ổ chuột” dọc theo các tuyến kênh với hơn 36.000 hộ được giải tỏa, tái định cư, trên địa bàn thành phố hiện vẫn còn hơn 19.500 căn cần phải giải tỏa. Tuy nhiên, đây chỉ là con số thống kê được trên các tuyến kênh rạch nằm ở nội thành và đã xác định ranh mốc hành lang, mà vẫn còn 67 tuyến kênh rạch khác chưa có số liệu thống kê chính thức.

Theo ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, mục tiêu của TP Hồ Chí Minh là phấn đấu đến năm 2025 sẽ hoàn thành di dời toàn bộ nhà “ổ chuột” và tổ chức lại cuộc sống của người dân đang sống trên và ven kênh, rạch. Riêng giai đoạn 2015-2020, thành phố sẽ tập trung giải tỏa di dời 9.805 căn nhà ven các tuyến kênh rạch chính như kênh Đôi - Tẻ, Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, Rạch Nhảy - Ruột Ngựa, rạch Hàng Bàng, rạch Văn Thánh, rạch Cầu Sơn, rạch Bùi Hữu Nghĩa… với tổng số vốn đền bù, giải tỏa khoảng 12.400 tỷ đồng.

Để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho các hộ dân bị giải tỏa từ các căn nhà “ổ chuột”, lụp xụp ven và trên các tuyến kênh, TP Hồ Chí Minh cũng đã chuẩn bị quỹ nhà tái định cư để phục vụ các hộ dân. Theo ông Trần Trọng Tuấn, hiện Thành phố đã và đang đầu tư chuẩn bị hơn 12.000 căn hộ tái định cư ở khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) để bố trí cho các hộ dân bị di dời tại các dự án chỉnh trang đô thị, di dời nhà ven kênh rạch và các chung cư cũ nát trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Thành phố cũng đã phân bổ 42.000 căn hộ và nền đất cho các quận huyện để bố trí tái định cư, ưu tiên cho các hộ bị giải tỏa từ các dự án chỉnh trang đô thị.

Bà Bùi Thị Tuyết, một hộ dân đang sống trên tuyến rạch Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thạnh), cho biết bà cũng rất muốn di dời sớm, bởi con rạch hiện nay đã bị lấn chiếm gần như toàn bộ bởi hàng trăm căn nhà lụp xụp. Nước không thoát được cộng với rác rưởi đã gây ô nhiễm trầm trọng và bốc mùi hôi thối quanh năm. “Mấy đứa con tôi chúng không chịu nổi mùi hôi và ô nhiễm nên lần lượt chuyển đi nơi khác ở. Tôi già rồi nên không có tiền để chuyển đi, đành phải chịu vậy”, bà Tuyết cho biết. Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, những ngôi nhà nhếch nhác, lụp xụp trên tuyến kênh này cũng đã gây mất đi mỹ quan đô thị, nhất là khi nó lại nằm giáp ranh với quận trung tâm thành phố. Chính vì thế, nó nằm trong diện “ưu tiên” giải tỏa sớm.

Di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm

Dể giảm thiểu ô nhiễm môi trường và nâng cao đời sống người dân, TP Hồ Chí Minh còn có chủ trương di dời các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp gây ô nhiễm ra ngoại thành.

Thực hiện chương trình di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trên địa bàn thành phố, đã có gần 1.400 doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm đã di dời, chuyển đổi ngành nghề sản xuất hoặc ngưng hoạt động. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 6 doanh nghiệp là Công ty trách nhiệm hữu hạn nước mắm Việt Hương Hải, Công ty trách nhiệm hữu hạn MTV dệt Sài Gòn, Công ty trách nhiệm hữu hạn MTV đóng tàu và thương mại Petrolimex, Công ty trách nhiệm hữu hạn MTV đóng tàu Bình Triệu, Công ty cổ phần dệt may Gia Định Phong Phú và Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất giấy bao bì Thăng Long chưa di dời theo đúng chủ trương. Theo đó, vừa qua UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu 6 doanh nghiệp này có các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường và di dời đúng thời gian quy định.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ IX, trong đó có vấn đề về cải thiện môi trường, chỉnh trang đô thị, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch thực hiện 7 nhóm giải pháp với 39 chương trình, đề án được triển khai. Theo đó, đến nay thành phố đã có 24 chương trình hoàn thành và một số chương trình đang tiếp tục thực hiện. Để tiếp tục, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020 cũng đã xác định chương trình giảm ô nhiễm môi trường tiếp tục là 1 trong 7 chương trình đột phá. Theo đó, UBND Thành phố đã đề xuất triển khai 144 chương trình, đề án thuộc lĩnh vực ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, theo Sở Tài nguyên và Môi trường, thành phố hiện có khoảng 698 cơ sở hoạt động trong các lĩnh vực dệt nhuộm, may mặc; sản xuất sản phẩm từ kim loại; sản xuất, chế biến hóa chất; chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp; sản xuất, chế biến cao su; chăn nuôi, chế biến sản phẩm từ chăn nuôi... cũng đang được thành phố lên kế hoạch di dời. Bởi theo ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, việc phát sinh ô nhiễm xen cài trong các khu dân cư hiện gây khó khăn trong công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường cũng như phát triển kinh tế, an sinh xã hội.

“Hiện nay, công tác di dời cơ sở gây ô nhiễm, không phù hợp quy hoạch và gây nguy cơ cháy nổ trong khu dân cư đang gặp rất nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân là do thành phố chưa có một quy hoạch thực sự khoa học, hợp lý và lâu dài về các ngành nghề sản xuất để tiến tới thành lập các khu công nghiệp hoặc cụm công nghiệp tập hợp các doanh nghiệp có cùng ngành nghề. Thậm chí mặc dù đã hình thành khu công nghiệp hoặc điểm di dời nhưng do chưa kết nối hạ tầng, đấu nối hệ thống xử lý nước thải nên doanh nghiệp cũng chưa chủ động muốn về”, ông Cao Tung Sơn, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, cho biết. Bên cạnh đó, theo ông Cao Tung Sơn, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp di dời trước đây chỉ dành cho doanh nghiệp Nhà nước nhưng lại không đề cập đến doanh nghiệp tư nhân trong khi đối tượng này gây ô nhiễm nhiều hơn cả.

Để đẩy mạnh công tác di dời các cơ sở gây ô nhiễm, hiện TP Hồ Chí Minh đang thực hiện thí điểm việc di dời cơ sở gây ô nhiễm trong khu dân cư về khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3. Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP Hồ Chí Minh cũng đã chuẩn bị các thông tin về địa điểm di dời, quy hoạch các khu đất, giá thuê đất, giá nước cấp, việc xử lý nước thải và các dịch vụ khác… để hỗ trợ các cơ sở sản xuất bị di dời trong quá trình triển khai thực hiện. 

Dưới góc độ quản lý ngành, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đang khẩn trương xây dựng quy hoạch các ngành nghề. Đồng thời, rà soát các quy định về quy hoạch ngành nghề hạn chế kinh doanh để tham mưu UBND Thành phố công bố quy hoạch và hướng dẫn các quận, huyện quản lý, kiểm tra. Bên cạnh đó, Thành phố cũng chỉ đạo các quận, huyện tăng cường công tác tuyên truyền, công khai quy hoạch, đặc biệt sẽ xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm về môi trường sau đăng ký kinh doanh.
M.T - Hoàng Tuấn
Hà Nội quy hoạch Mê Linh thành đô thị xanh, đô thị hoa
Hà Nội quy hoạch Mê Linh thành đô thị xanh, đô thị hoa

Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã công bố và bàn giao quy hoạch chung xây dựng huyện Mê Linh tỷ lệ 1/10.000, quy hoạch thành đô thị xanh, đô thị hoa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN