Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, giá lúa khô ở một số địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long không có sự biến động nhiều. Tại thành phố Cần Thơ, giá lúa IR50404 ổn định ở mức 6.300 đồng/kg; Jasmine tăng 100 đồng/kg, ở mức 6.700 đồng/kg.
Tại Hậu Giang, giá lúa OM5451 ổn định 6.200 đồng/kg, nhưng IR50404 và Đài thơm 8 lại giảm nhẹ, ở mức 5.600 đồng/kg và 6.600 đồng/kg.
Hiện một số địa phương trong vùng bước vào thu hoạch rộ lúa Hè Thu vẫn gặp khó khăn. Đến cuối tháng 8, tỉnh Sóc Trăng đã thu hoạch trên 38.000 ha lúa Hè Thu với sản lượng đạt 210.000 tấn. Lúa sau thu hoạch, phần lớn được các thương lái, nhà máy trong và ngoài tỉnh thu mua hết; một số ít do giá thấp nên người dân phơi khô dự trữ. Hiện giá lúa thường từ 4.200 - 5.700 đồng/kg, giảm từ 200 - 1.300 đồng/kg so cùng kỳ năm ngoái; giá lúa đặc sản từ 6.000 - 6.400 đồng/kg, giảm từ 100 - 200 đồng/kg.
Ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng nhận định, hiện giá lúa giảm, nhưng vẫn có đầu ra thông qua thương lái tại một số tỉnh đến thu mua. Khó khăn là việc các phương tiện thu mua, thu hoạch khi qua chốt kiểm soát do các địa phương có quy định chưa đồng bộ. Trong nội bộ huyện, thị xã có một số khu vực thiết lập cách ly y tế, phong tỏa địa bàn nên việc vận chuyển nông sản bằng cơ giới cũng khó khăn. Đặc biệt, những nơi thuộc “vùng đỏ” - địa bàn có nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao còn gặp khó trong việc điều tiết máy thu hoạch, thu mua, vận chuyển nông sản.
Ngành nông nghiệp tỉnh đang cố gắng tìm biện pháp hỗ trợ tạo điều kiện tốt nhất cho người dân; trong đó có chỉ đạo các địa phương chủ động điều tiết lượng máy gặt đập, tổ chức sản xuất và giữ chuỗi liên kết sản xuất.
Nông dân tại Bạc Liêu cũng đang bước vào giai đoạn thu hoạch rộ lúa vụ Hè Thu. Tuy nhiên, trước ảnh hưởng của dịch COVID-19 và thêm những cơn mưa dầm trong những ngày vừa qua khiến việc thu hoạch và tiêu thụ lúa của người dân trên địa bàn càng thêm khó khăn.
Tỉnh Bạc Liêu có 253 máy gặt đập, chỉ mới đáp ứng được từ 50 - 60%. UBND tỉnh Bạc Liêu đề nghị UBND hai tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ, tạo điều kiện, cho phép người và phương tiện thu hoạch lúa được di chuyển vào tỉnh Bạc Liêu để phục vụ thu hoạch lúa.
Trong khi giá lúa gạo trong nước không có nhiều biến động thì trên thị trường gạo châu Á, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan gần như không đổi trong tuần này do hoạt động vận chuyển bị hạn chế dù nhu cầu tăng. Trong khi đó Bangladesh cho phép xuất khẩu tư nhân và giảm thuế nhập khẩu để đối phó với giá bán lương thực thiết yếu này trong nước tăng cao.
Gạo 5% tấm của Thái Lan được giao dịch ở mức từ 390 - 400 USD/tấn, so với mức từ 390 - 403 USD/tấn trong tuần trước. Các thương nhân có trụ sở tại Bangkok cho biết mặc dù giá bán thấp đã thúc đẩy nhu cầu từ những khách hàng lâu năm ở Trung Đông, song tình trạng khan hiếm tàu cập cảng Thái Lan vẫn là một thách thức.
Thái Lan đã xuất khẩu 2,59 triệu tấn gạo trong thời gian từ tháng 1-7/2021, giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, Bangladesh đã cho phép các thương lái tư nhân nhập khẩu 1,7 triệu tấn gạo. Bangladesh vốn là nhà sản xuất lớn đã trở thành nước nhập khẩu ngũ cốc nhiều do phải hứng chịu lũ lụt triền miên, gây thiệt hại về mùa màng trong năm 2020.
Một thương nhân có trụ sở tại Dhaka cho biết hầu hết gạo sẽ được nhập khẩu từ Ấn Độ do khoảng cách địa lý gần, nhưng giá gạo của Ấn Độ có thể tăng do nhu cầu từ Bangladesh. Quốc gia này đã nhập khẩu 1,3 triệu tấn gạo trong năm tài chính tính đến tháng 6/2021, mức cao nhất trong ba năm.
Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ đã tăng lên từ 358 - 363 USD/tấn so với mức từ 355 - 360 USD/tấn trong tuần trước do nhu cầu tăng nhẹ và đồng rupee tăng.
Một nhà xuất khẩu tại Kakinada ở bang Andhra Pradesh cho biết đồng nội tệ rupee liên tục tăng giá, gây sức ép lên lợi nhuận, buộc các nhà xuất khẩu phải tăng giá bán.
Trên thị trường nông sản Mỹ, giá các mặt hàng nông sản kỳ hạn trên thị trường Mỹ giao dịch ngược chiều nhau trong phiên ngày 3/9; trong đó giá ngô giảm, còn giá lúa mỳ và đậu tương tăng.
Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 12/2021 giảm 1,5 xu Mỹ (0,29%) xuống 5,24 USD/bushel. Trong khi đó, giá lúa mỳ giao cùng kỳ hạn tăng 9,25% (1,29%) lên 7,2625 USD/bushel. Còn giá đậu tương giao tháng 11/2021 tăng 8,75 xu Mỹ (0,68%) lên 12,92 USD/bushel. (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago lưu ý giá đậu tương và lúa mỳ kỳ hạn tăng cao là do hoạt động mua bù ngắn hạn trong bối cảnh có hy vọng rằng tình trạng bất ổn ở vùng Vịnh Mexico do cơn bão Ida gây ra sẽ dần dần được giải quyết trong vài tuần tới.
Khối lượng giao dịch thưa dần do các nhà giao dịch đang chuẩn bị cho đợt nghỉ cuối tuần dài. AgResource không chắc chắn về việc khi nào thị trường sẽ hoạt động lại bình thường, song dự đoán lượng giao dịch tiền mặt khiêm tốn sẽ tiếp diễn vào tuần tới do triển vọng nhu cầu ngô và đậu tương là rất lớn.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) thông báo rằng, Trung Quốc đã đặt hàng 126.000 tấn đậu tương Mỹ của niên vụ 2021-2022. Hoạt động xuất khẩu từ khu vực vùng Vịnh và Tây Bắc Thái Bình Dương trong tháng 10, 11 và 12/2021 sẽ rất lớn. Khối lượng giao dịch cũng sẽ tăng trong mùa thu hoạch.
IHS Markit ước tính năng suất ngô năm 2021 của Mỹ ở mức 175,4 bushel/mẫu Anh và đậu nành ở mức 50 bushels/mẫu Anh, trong khi diện tích vụ lúa mỳ Xuân giảm mạnh do bị bỏ hoang. (1 mẫu Anh = 0,404686 ha)
Về thị trường cà phê thế giới, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta giao ngay tháng 11/2021 trên sàn ICE Europe – London tăng 3 USD lên 2.059 USD/tấn. Trong khi đó, giá cà phê Arabica giao ngay tháng 12/2021 trên sàn ICE US – New York giảm 1,35 xu Mỹ xuống 193 xu Mỹ/lb, nới rộng đà giảm trong phiên thứ tư liên tiếp. (1lb = 0,453kg).
Tại thị trường trong nước, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên dao động trong khoảng 40.000 - 40.700 đồng/kg. Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2 với 5% đen vỡ, đứng ở 1.901 USD/tấn.
Giá cà phê trên sàn New York sụt giảm khi tin tức thời tiết cho biết vùng trồng cà phê Arabica phía đông bang Minas Gerais đã có vài cơn mưa rải rác, tuy không nhiều nhưng cũng góp phần giảm sức ép về nguồn cung cà phê.
Trái lại, giá cà phê sàn London vẫn còn xu hướng tăng khi lượng hàng xuất khẩu từ Việt Nam chưa có dấu hiệu cải thiện, trong khi báo cáo xuất khẩu tháng 8/2021 từ Indonesia, nhà sản xuất cà phê Robusta lớn thứ ba thế giới chỉ đạt 104.178 bao (1 bao = 60 kg), giảm tới 70,45% so với cùng kỳ năm trước cũng góp phần hỗ trợ tích cực cho thị trường cà phê này.