Thị trường dầu mỏ cuối năm còn gặp khó

Triển vọng về cầu giảm cùng nhiều nhân tố tiêu cực khác khiến giá dầu WTI chốt phiên tuần trước xuống sát ngưỡng 40 USD/thùng. Triển vọng từ nay đến cuối năm cũng không thực sự sáng sủa, dù kịch bản tồi tệ nhất đã qua đi.

Chú thích ảnh
Một cơ sở khai thác dầu của Nga trên biển Caspi. Ảnh: AFP/TTXVN

Chưa thể bứt phá vì còn mất cân đối cung-cầu

Ngay sau khi nhu cầu dầu thô giảm 20% trong tháng 4 vừa qua, nhiều nhà phân tích dự báo tiêu thụ dầu mỏ sẽ hồi phục vào nửa cuối năm 2020, nhất là trong bối cảnh Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (gọi chung là OPEC+) đạt thỏa thuận về mức cắt giảm sản lượng kỉ lục 9,7 triệu thùng/ngày, cùng với việc Mỹ thực thi biện pháp kiểm soát sản lượng.

Thị trường bắt đầu tìm đến điểm cân bằng và đến tháng 7 nhu cầu dầu thô dần hồi phục sau khi sụt giảm mạnh trong quý 2. Nhưng nhìn tổng thể, năm 2020 vẫn là năm ghi nhận mức chênh lệch lớn về cung cầu và đây là nguyên nhân khiến thị trường chưa thể bứt phá.

Về nguồn cung, thỏa thuận của OPEC+ kêu gọi các nước tăng sản lượng từng bước, theo từng giai đoạn. Các nước đồng thuận sẽ tăng lượng khai thác thêm 2 triệu thùng/ngày sau mỗi 6 tháng. Mức tăng này đã được thực hiện lần đầu tiên vào mùa hè vừa qua và đợt tăng kế tiếp dự kiến bắt đầu vào tháng 1/2021.

Cùng lúc, Tập đoàn dầu khí Quốc gia Libya đã nối lại hoạt động sản xuất, xuất khẩu dầu thô, với sản lượng khai thác trong những ngày gần đây đạt mức 300.000 thùng/ngày. Điều này gây khó cho thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+. Các nhà phân tích ước tính tổng sản lượng khai thác của Libya có thể đạt 550.000 thùng/ngày vào cuối năm và gần 1 triệu thùng/ngày vào giữa năm 2021. Nhân tố bất ngờ này có thể sẽ gây ra “cơn đau đầu mới” với OPEC+.

Nguồn cung còn bị đe dọa bởi mức tồn kho lớn. Theo điều tra của Bloomberg, tồn kho dầu thô toàn cầu hiện ở mức 220 triệu thùng, trên mức bình quân 5 năm trở lại đây. Riêng tại Mỹ, số liệu do Cơ Quan Quản Lý Thông Tin Năng Lượng (EIA) Mỹ cho thấy lượng tồn kho giảm 10 trên 11 tuần gần đây, nhưng mức độ không đáng kể. Với mức 492,9 triệu thùng tại thời điểm ngày 2/10, dự trữ dầu thô của Mỹ vẫn vượt 12% so với mức bình quân 5 năm.

Ở chiều ngược lại, đà phục hồi về cầu dầu thô lại phải đối mặt với thách thức, khi số ca nhiễm COVID-19 bùng phát mạnh trở lại ở nhiều nền kinh tế lớn của thế giới như Mỹ, Ấn Độ và châu Âu. Nếu COVID-19 diễn biến phức tạp, buộc chính quyền nhiều nước phải thực thi đóng cửa cục bộ, giảm hoạt động kinh tế, cán cân cung cầu trên thị trường sẽ tiếp tục chịu thêm nhiều sức ép.

Những nước sản xuất, xuất khẩu lớn hơn ai hết là những người hiểu rõ thách thức này. Phát biểu tại cuộc họp của OPEC theo hình thức trực tuyến ngày 8/10, Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo cho biết xuất hiện của của vaccine ngừa COVID-19 sẽ tạo ra triển vọng tươi sáng hơn cho cân bằng cung cầu. Nhưng từ nay đến lúc đó, còn nhiều bất trắc và nguy cơ lớn liên quan đến đại dịch, đe dọa tốc độ hồi phục kinh tế thế giới, kéo theo nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ giảm sút.

Quyết định khó khăn của OPEC+

OPEC mới đây đã buộc phải điều chỉnh dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu theo hướng giảm 400.000 thùng/ngày,  xuống mức trung bình 90,2 triệu thùng/ngày cho cả năm 2020, với nguy cơ lây nhiễm mới COVID-19 gia tăng, trong khi nhu cầu tiêu thụ tại nhiều nước ở châu Á, nhất là Ấn Độ, thiếu ổn định.

Chú thích ảnh
Một tàu chở dầu cập cảng Thanh Đảo, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Đại diện các nước OPEC+ sẽ đối mặt với quyết định khó khăn tại cuộc gặp cấp bộ trưởng của Nhóm diễn ra từ 30/11-1/12 tới. Nếu đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, OPEC+ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc hủy kế hoạch tăng sản lượng dầu khai thác, nếu không muốn đối mặt với mức tồn kho cực lớn. Trên thực tế, Saudi Arabia - nước đầu tàu trong OPEC, cũng đã tính đến kịch bản này, nhằm tạo cân bằng cung-cầu trên thị trường.

Tờ Wall Street Journal ngày 9/10 dẫn lời giới cố vấn trong ngành dầu mỏ Saudi Arabia cho biết quốc gia vùng Vịnh này có ý định đóng băng kế hoạch tăng sản lượng của OPEC+ ít nhất là tới hết quý 1/2021. Lý do là thị trường khó có khả năng tiếp nhận thêm 2 triệu thùng dầu/ngày, chưa kể nguồn cung tăng lên với việc Libya gia nhập thị trường.

Giới phân tích nhận định, phải mất nhiều tháng nữa mới xác lập lại được cân bằng thị trường. Nhưng bất luận trong trường hợp nào, ít có khả năng giá dầu rơi xuống ngưỡng dưới 35 USD/thùng trong ngắn hạn. Nói như ông Mohammad Barkindo, viễn cảnh tồi tệ nhất với thị trường dầu mỏ “đã qua đi”.

Trên tờ Forbes, Michael Lynch, chuyên gia về kinh tế dầu mỏ, chính sách năng lượng cho rằng những yếu tố cơ bản làm dầu thô mất giá cũng những cơn gió nghịch từ làn sóng COVID-19 thứ 2 có thể khiến thị trường biến động, nhưng, ít có khả năng gây ra đứt gãy như trong quý 2 vừa qua.

Báo cáo Triển vọng Năng lượng ngắn hạn do EIA công bố hôm 6/10 nhận định, giá dầu Brent biển Bắc giao ngay sẽ đạt mức trung bình khoảng 42 USD trong quý 4 năm 2020 và sẽ tăng lên mức trung bình 47 USD/thùng vào năm 2021. Trong diễn biến mới nhất, giá dầu Brent kỳ hạn trong phiên giao dịch ngày 12/10 trên thị trường châu Á dao động quanh ngưỡng 40,30 USD/thùng.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Bloomberg, Oilprice)
IEA: Đại dịch COVID-19 tác động nặng nề đến nhu cầu dầu mỏ toàn cầu
IEA: Đại dịch COVID-19 tác động nặng nề đến nhu cầu dầu mỏ toàn cầu

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 13/8 cho biết đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang tác động nặng nề đến nhu cầu dầu mỏ toàn cầu khi lĩnh vực vận tải và hàng không vất vả chống chọi với hậu quả của các biện pháp phong tỏa chống dịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN